THÔNG TIN CẦN BIẾT

Tăng nhãn áp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị

05-04-2023 - Tác giả:   Hải Yến   - Tham vấn y khoa:   PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu
Tăng nhãn áp là bệnh lý ở mắt gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người cao tuổi và trung niên. Tăng nhãn áp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn. Thông tin chi tiết về bệnh lý này sẽ có đầy đủ trong bài viết dưới đây!
tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là bệnh lý gây tổn thương dây thần kinh thị giác

Tăng nhãn áp là bệnh gì?

Tăng nhãn áp là tình trạng gia tăng áp lực nội nhãn cao hơn so với mức sinh lý bình thường. Nhãn áp trong mắt còn tùy thuộc vào phương pháp đo, áp lực bình thường sẽ dao động từ 10 - 21mm thủy ngân.

Vậy chỉ số nhãn áp cao là bao nhiêu? Khi bạn có nguy cơ hoặc khi mắc bệnh tăng nhãn áp, áp lực nội nhãn đo được sẽ bị tăng cao lên rất là nhiều, trên 21mm thủy ngân đã là bất thường rồi. Chỉ số đo được có thể lên tới từ 60 - 70mm thủy ngân.

tăng nhãn áp là gì?
Tăng nhãn áp là tình trạng gia tăng áp lực nội nhãn cao hơn bình thường

Khi áp lực trong mắt tăng cao bất thường như vậy sẽ gây ra tình trạng chèn ép dây thần kinh thị giác và làm chết dần các tế bào thần kinh trong mắt. Biểu hiện là nó làm teo mỏng các lớp sợi thần kinh ở vùng quanh gai thị. Cấu thành lên bệnh lý cườm nước (glocom) hiện đang là nguyên nhân gây mù lòa đứng top 2 trên toàn thế giới.

Hiện nay rất nhiều người nhầm tưởng bệnh tăng nhãn áp và cườm nước là 1. Điều này chưa đúng, cườm nước là tên gọi chung của nhóm các thể bệnh và tăng nhãn áp là 1 trong số tình trạng của cườm nước. Đa phần bệnh Glocom là do chứng tăng nhãn áp gây ra.Không phải ai mắc bệnh cườm nước cũng có triệu chứng tăng nhãn áp.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng tăng nhãn áp

Dấu hiệu nhận biết tình trạng tăng nhãn áp đa phần thường không rõ ràng nên rất khó để phát hiện ra. Mỗi loại tăng nhãn áp khác nhau lại có những dấu hiệu nhận biết khác. Bệnh thường diễn biến từ từ, ăn dần từ ngoài thị trường vào trung tâm mắt nên thị lực giai đoạn sớm đa phần không bị ảnh hưởng, đến khi người bệnh cảm thấy tầm nhìn kém, đi khám lúc này bệnh đã ở giai đoạn nặng rồi.

Đa phần người bệnh gặp phải thể trạng tăng nhãn áp góc mở thường không có triệu chứng, bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám mắt định kỳ hoặc khi đã ở giai đoạn nặng, thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

dấu hiệu nhận biết tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp đa phần chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi thăm khám định kỳ

Có một dạng hiếm gặp hơn là tăng nhãn áp góc đóng thuộc loại cấp tính nên thường có những cơn đau mắt dữ dội đi kèm nhiều triệu chứng dễ nhận dạng như: Đau đầu dữ dội, mắt đỏ, thị lực suy giảm, thấy quầng sáng như cầu vồng, buồn nôn, nôn, đau bụng...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng nhãn áp

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng tăng nhãn áp là do áp suất cao ở bên trong mắt. Một đôi mắt bình thường sẽ liên tục sản xuất cũng như tiết chất lỏng trong mắt ra ngoài để rửa sạch cũng như nuôi dưỡng các mô trong mắt, tạo nên sự cân bằng cho áp lực nội nhãn. Và tăng nhãn áp xảy ra khi quá trình hoạt động này bị rối loạn, mất đi sự cân bằng vốn có của mắt.

Tình trạng tăng nhãn áp có thể do mắt sản xuất dư thừa thủy dịch hoặc góc thoát thủy dịch(góc tiền phòng) ra ngoài hoạt động kém, tắc nghẽn khiến cho chất lỏng trong mắt tích tụ lâu dần làm cho áp suất trong mắt tăng cao bất thường. Hậu quả của việc rối loạn điều tiết mắt này có thể dẫn đến thương tổn làm hỏng dây thần kinh thị giác mà không thể hồi phục được. Y học hiện đại vẫn chưa thể tìm ra lý do chính xác gây ra tình trạng này ở mắt.

nguyên nhân tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp do áp suất cao ở bên trong mắt

Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh tăng nhãn áp

Tuy nguyên nhân cũng như cơ chế gây ra tăng nhãn áp cho đến nay vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nhưng y học hiện đại đã xác định được những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này thông qua số liệu, tiền sử của những người bệnh trước đó. Theo đó, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng tăng nhãn áp như:

Người trung niên và cao tuổi

Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Theo thời gian mắt cũng lão hóa dần khiến các chức năng, vận hành trong mắt kém đi, phát sinh nhiều bệnh lý về mắt nguy hiểm và tăng nhãn áp cũng nằm trong số đó. Vì vậy những người trung niên trên 40 tuổi và những người cao tuổi cần phải đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, tầm soát các bệnh về mắt để bảo vệ thị lực.

người cao tuổi nguy cơ mắc tăng nhãn áp cao
Người cao tuổi có nguy cơ mắc tăng nhãn áp cao hơn

Di truyền từ người thân

Tăng nhãn áp đặc biệt có yếu tố di truyền. Trong gia đình bạn, nếu những người cùng huyết thống như cha mẹ hay anh chị em đang mắc phải bệnh này thì bạn sẽ được xếp ngay vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải. Ngay từ độ tuổi 30 trở đi bạn nên thường xuyên đi thăm khám mắt định kỳ để phòng ngừa cũng như phát hiện sớm tình trạng tăng nhãn áp để có cách điều trị kịp thời, gìn giữ thị lực tốt nhất.

Những người Mỹ gốc Phi, Á hay Mỹ La Tinh

Theo số liệu thống kê mới nhất, những người Mỹ gốc Phi, Á hoặc Mỹ La Tinh trên 35 tuổi thường có nguy cơ cao hơn mắc phải một số bệnh ở mắt trong đó có bệnh lý tăng nhãn áp, còn với các chủng tộc khác thường gặp nhiều hơn ở độ tuổi trên 50. Hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân lý giải rõ ràng về vấn đề này, nhiều người cho rằng có thể do môi trường sống, thời tiết khắc nghiệt và cấu trúc của cơ thể cấu thành lên.

người mỹ gốc phi, á
Bệnh về mắt nguy cơ cao hơn ở một số người Mỹ gốc Phi, Á hay Mỹ La Tinh

Người bị stress, căng thẳng quá mức

Những người bất ổn về tâm lý, áp lực cuộc sống và công việc thường ngày khiến đầu óc luôn trong trạng thái căng thẳng, thiếu ngủ trầm trọng sẽ dễ đối diện với nguy cơ tăng nhãn áp. Ở nhiều trường hợp stress này khi đi thăm khám có thể áp lực trong mắt vẫn ở trạng thái bình thường nhưng thần kinh thị giác thì đã bị thương tổn rồi.

Hiện tại bác sĩ cũng chưa lý giải được tại sao lại gặp tình trạng này ở những người bị căng thẳng quá mức. Có thể do họ cực kỳ nhạy cảm với áp lực trong mắt khi nó mới tăng nhẹ hoặc stress hóa khiến lưu lượng trong máu bị thấp hơn bình thường khiến dây thần kinh thị giác bị ảnh hưởng.

stress, căng thẳng
Người bị stress, căng thẳng nhiều dễ bị tăng nhãn áp

Những người có tiền sử bệnh lý nền toàn thân

Các bệnh lý nền toàn thân như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường... thường gặp ở những người cao tuổi có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về mắt trong đó có tăng nhãn áp.

Ở những người có tiền sử bệnh lý phải sử dụng nhóm thuốc chống viêm Corticosteroid trong thời gian dài cũng cơ nguy cơ bị tăng nhãn áp vì nhóm thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ rất có hại cho mắt.

Người đã gặp thương tổn ở mắt

Những người từng gặp chấn thương về mắt, đã trải qua các cuộc phẫu thuật mắt hay mắc phải những bệnh lý khác về mắt, đang bị tật khúc xạ... Đều có nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng tăng nhãn áp.

Các nhóm đối tượng trên đây đều cần phải đi kiểm tra mắt định kỳ, thường xuyên để phòng ngừa bệnh lý tăng nhãn áp có thể phát sinh, diễn biến bất cứ lúc nào. Tuy hiện này chưa có phương pháp điều trị dứt điểm tình trạng này nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm và can thiệp chữa trị kịp thời bạn có thể bảo vệ được thị lực và hạn chế tối đa nguy cơ đối diện với mù lòa vĩnh viễn.

người gặp thương tổn ở mắt
Người gặp thương tổn ở mắt dễ mắc tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp có mấy loại

Tăng nhãn áp thường có nhiều thể trạng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là 4 loại sau:

Tăng nhãn áp góc mở

Đây là loại tăng nhãn áp phổ biến nhất hiện nay. Có tới hơn 90% số người bệnh mắc phải tình trạng này. Bệnh nhân sẽ bị đánh cắp thị lực từ từ mà không hay biết vì chẳng có biểu hiện đặc trưng hay đau đớn gì cho đến khi cảm nhận rõ thị lực giảm sút đáng kể.

Khi bệnh ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ thấy thị lực giảm sút rõ rệt, xuất hiện những điểm mù loang lổ tại phần ngoại vi của thị giác hoặc có thể ở cả trung tâm. Tình trạng này có thể bị ở một hoặc cả 2 mắt.

tăng nhãn áp góc mở
Tăng nhãn áp góc mở là loại phổ biến nhất

Tăng nhãn áp góc đóng

Đây là một dạng hiếm gặp của tăng nhãn áp, nó thường gây ra những cơn đau nhức nửa đầu và đau mắt dữ dội, cấp tính cùng biểu hiện suy giảm thị lực nặng. Người bệnh lúc này cần lập tức tới ngay các cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị nhằm ngăn chặn mất thị lực vĩnh viễn.

Tuy gây đau đớn cho người bệnh nhưng đây là loại tăng nhãn áp dễ được phát hiện ra nhất, bệnh nhân có thể được kịp thời điều trị, bảo vệ được phần thị lực còn lại, hạn chế nguy cơ mù lòa.

tăng nhãn áp góc đóng
Tăng nhãn áp góc đóng gây ra những cơn đau nhức dữ dội

Tăng nhãn áp thứ phát

Thường xảy ra ở những người có tiền sử bệnh lý nền toàn thân hay đã gặp các thương tổn về mắt các thể gây ra biến chứng tăng nhãn áp. Các triệu chứng khi gặp phải tăng nhãn áp thứ phát còn tùy thuộc vào nguyên nhân làm cho áp lực nội nhãn tăng lên ở người bệnh.

Những người đã từng gặp thương tổn ở mắt hay các bệnh lý khác như: Viêm mắt, đục thủy tinh thể... Cần đi khám mắt định kỳ, thường xuyên để bác sĩ kiểm tra sức khỏe đôi mắt, đảm bảo rằng họ không bị biến chứng sang tăng nhãn áp.

Tăng nhãn áp bẩm sinh

Đây cũng là một dạng hiếm gặp của tăng nhãn áp, tỷ lệ rất thấp. Bệnh có thể gặp phải ở những trẻ em ngay từ khi sinh ra do di truyền hoặc phát triển ở những năm đầu đời của bé với những triệu chứng điển hình như:

  • Nước mắt chảy ra liên tục.
  • Mí mắt thường xuyên bị co thắt, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Tròng đen của mắt có kích thước to hơn bình thường.
  • Bé có biểu hiện dụi mắt thường xuyên, nheo mắt hoặc có thể nhắm mắt khi gặp ánh sáng trong một khoảng thời gian nhất định.

Tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh nếu được phát hiện sớm, có phương pháp điều trị thích hợp sẽ giúp bảo vệ thị lực của bé tốt nhất.

tăng nhãn áp bẩm sinh
Tăng nhãn áp bẩm sinh là dạng hiếm gặp, có tỷ lệ thấp

Cách điều trị tăng nhãn áp phổ biến

Hiện nay tăng nhãn áp vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa cũng như điều trị dứt điểm. Các biện pháp can thiệp chỉ giúp người bệnh bảo vệ được phần thị lực còn lại của mắt chứ không thể lấy lại được phần thị lực đã bị mất đi. Thường điều trị tăng nhãn áp sẽ có 2 phương pháp cơ bản sau:

Dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống ở giai đoạn nhẹ

Điều trị tăng nhãn áp thông thường bác sĩ đều chỉ định bắt đầu bằng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng làm giảm nhãn áp. Tùy loại thuốc, bệnh nhân có thể phải dùng từ 1- 4 lần mỗi ngày. Các loại thuốc nhỏ mắt đều được thiết kế để giảm giúp giảm thiểu bớt lượng chất lỏng sản sinh ra trong mắt hay làm tăng lượng chất lỏng thoát ra từ mắt.

Khi thuốc nhỏ mắt không còn đạt tác dụng như mong muốn, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc uống. Các loại thuốc này đều có thể để lại tác dụng phụ không mong muốn nên cần phải được chỉ định tử bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua về sử dụng. Trước khi dùng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về những tác dụng phụ của thuốc hạ nhãn áp, khả năng tương tác với những loại thuốc khác bạn đang sử dụng.

thuốc nhỏ mắt
Bệnh nhân tăng nhãn áp được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt ở giai đoạn nhẹ

Chỉ định phẫu thuật với trường hợp bệnh nặng

  • Điều trị bằng Laser: Bác sĩ sẽ dùng tia Laser chiếu trực tiếp vào mắt người bệnh, các tia này thường được thiết kế làm giảm bớt áp lực trong mắt bằng cách tăng lượng thủy dịch thoát ra khỏi mắt. Điều trị bằng Laser thường không gây đau đớn, thực hiện thông thường chỉ mất vài phút.
  • Vi phẫu: Thủ thuật này thường được bác sĩ thực hiện bằng cách tạo ra một lỗ thoát nước nhỏ trong mắt, thông thường có vị trí sau mí mắt trên. Các chất lỏng tích tụ trong mắt theo lỗ này sẽ được thoát ra ngoài hoặc di chuyển vào trong vòng tuần hoàn ở phía sau của mắt. Lỗ nhỏ này giúp bạn hạ bớt áp lực trong mắt, hạn chế tối đa các thương tổn thêm do bệnh tăng nhãn áp gây ra.
điều trị bằng laser
Điều trị bằng Laser

Nói chung bệnh tăng nhãn áp sẽ theo bạn suốt phần đời còn lại. Dù điều trị bằng cách nào bạn cũng phải cố gắng, kiên trì, thăm khám định kỳ thường xuyên 3 tháng/lần để kiểm tra tình trạng diễn biến bệnh lý, can thiệp kịp thời nếu diễn biến phức tạp hơn.

Cần làm gì để phòng tránh bệnh tăng nhãn áp

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ gặp phải bệnh lý tăng nhãn áp nguy hiểm ở mắt này đặc biệt là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao ở trên. Bện diễn biến âm thầm và thường chỉ được phát hiện trong những lần khám mắt ngẫu nhiên. Vì vậy, cách tốt nhất giúp bạn ngăn ngừa mất thị lực do tăng nhãn áp là đi khám mắt định kỳ, thường xuyên. Tùy vào sức khỏe đôi mắt hiện tại, bác sĩ nhãn khoa sẽ giúp bạn thiết lập lịch tái khám phù hợp.

Đặc biệt các nhóm đối tượng có nguy cơ trên nên đi khám mắt định kỳ thường xuyên 6 tháng/lần để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng cũng như phát hiện sớm bệnh lý tăng nhãn áp để có phương pháp can thiệp, điều trị kịp thời, giữ gìn thị lực.

Khi thấy mắt có biểu hiện bất thường như đau, nhức mắt, thị lực kém, song thị... tuyệt đối không tự xử lý y tế tại nhà, hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được tư vấn, hỗ trợ.

thăm khám định kỳ
Khi thấy các bất thường ở mắt nên đi thăm khám ngay

Trên đây là toàn bộ thông tin chi tiết về chứng tăng nhãn áp là một tình trạng phổ biến của của bệnh lý Glocom. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn còn thắc mắc cần được giải đáp, tư vấn nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN