THÔNG TIN CẦN BIẾT

Bệnh cườm nước (Glocom): Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

23-03-2023 - Tác giả:   Hải Yến   - Tham vấn y khoa:   THS.BS. Mai Thị Anh Thư
Bệnh Glocom ("Cườm nước") là bệnh lý tổn thương thần kinh thị giác trong mắt, tiến triển mạn tính biểu hiện đặc trưng bởi tổn hại thị trường, lõm teo địa thị và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao, hậu quả cuối cùng dẫn đến mù lòa. Bệnh lý này được ví như kẻ cướp thị giác "thầm lặng" và là nguyên nhân gây mù thứ 2 trên thế giới chỉ sau đục thủy tinh thể. Tổn thương thần kinh thị giác do bệnh Glocom gây ra không có khả năng hồi phục, vì vậy việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng.

Bệnh cườm nước (Glocom) là gì?

Cườm nước gây tổn thương không hồi phục thần kinh thị giác

Theo dân gian, người ta vẫn thường gọi bệnh Glocom với tên gọi khác là "Thiên đầu thống" (đau thấu tận trời xanh). Cách gọi này không đúng, "Thiên đầu thống" (hay được gọi là glocom góc đóng) đây chỉ là một thể trong rất nhiều thể khác nhau của bệnh Glocom.

Mỗi thể bệnh lại có những đặc trưng riêng biệt và không phải thể bệnh nào cũng gây đau đớn dữ dội như "Thiên đầu thống".

cườm nước là gì
Hình ảnh về chứng cườm nước ở người cao tuổi

Mức độ nguy hiểm

Bệnh Glocom là nguyên nhân gây mù thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau bệnh thủy tinh thể. Chứng bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng thị lực nặng nề và thậm chí là mù lòa.

Bệnh Glocom lại rất khó phát hiện vì thông thường nó không có nhiều biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm (ngoại trừ glocom góc đóng), phần lớn người bệnh phát hiện ra và đi khám khi ở giai đoạn muộn, lúc này tiên lượng phục hồi thị lực rất kém.

So với bệnh về thủy tinh thể, bệnh cườm nước lại không thể điều trị khỏi hoàn toàn và người bệnh rất khó để phát hiện dấu hiệu mắc bệnh trong những giai đoạn đầu (giai đoạn nhẹ). Mọi can thiệp điều trị hiện tại chỉ giúp người bệnh hạn chế sự tiến triển của bệnh, bảo tồn thị lực hiện tại chứ không thể lấy lại thị lực như ban đầu.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Bất kì lứa tuổi nào đều có thể bị Glocom, tuy nhiên bệnh thường gặp nhiều nhất ở những người trên 40 tuổi. Khi tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn, đặc biệt là những người có tiền sử các bệnh lý toàn thân như: Cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

ai dễ bị cườm nước
Glocom gặp phải nhiều nhất ở những người trên 40 tuổi.

Theo thống kê hiện nay, không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh Glocom giữa nam và nữ. Những người thường xuyên bị stress, căng thẳng sẽ có khả năng khiến bệnh lý tiến triển nhanh hơn, dẫn đến những cơn glocom cấp tính.

Những người mắc các tật khúc xạ về mắt nặng hay những người gặp chấn thương mắt, cũng cần đi khám mắt định kỳ, thường xuyên để phòng ngừa nguy cơ mắc của bệnh lý này.

Bệnh cườm nước có mấy loại?

Bệnh cườm nước có rất nhiều thể khác nhau, trong đó phổ biến nhất là 2 thể glocom góc mở và glocom góc đóng. Dù là thể bệnh nào thì nó đều gây ra những thương tổn cho dây thần kinh thị giác mà không thể hồi phục được. Thể glocom góc mở thường phổ biến hơn ở người châu Âu, trong khi glocom góc đóng hay gặp ở người châu Á. Hai thể bệnh này có và triệu chứng khác nhau. Cụ thể:

1. Glocom góc đóng (bệnh Thiên đầu thống)

Glocom góc đóng (tên gọi khác là bệnh Thiên đầu thống) là bệnh lý cản trở hệ thống dẫn lưu thủy dịch trong mắt, cơ chế có thể do nghẽn đồng tử hoặc nghẽn góc tiền phòng. Mắt lúc này sẽ bị gia tăng áp suất một cách đột ngột gây đau nhức dữ dội cho bệnh nhân. Thể bệnh này dễ phát hiện hơn vì có triệu chứng đau nhức điển hình, đau hơn khi bệnh nhân cúi đầu hoặc trong buồng tối, thường xảy ra đột ngột, khiến bệnh nhân phải đi khám bác sĩ ngay.

Triệu chứng của thể Glocom góc đóng như: Nhức mắt đau đầu buồn nôn, thậm chí là đau đầu dữ dội, thị lực suy giảm, khi nhìn vào nguồn sáng thấy xuất hiện quầng sáng xung quanh, buồn nôn, nôn mửa, cảm giác căng cứng, đồng tử giãn ra, đôi khi còn thấy đi kèm đau bụng...

cườm nước (glocom)
Một cách hình dung về bệnh cườm nước.

2. Glocom góc mở

Glocom góc mở là bệnh lý cản trở lưu thông thủy dịch trong mắt, cơ chế thường do xơ hoá vùng bè khiến cho áp suất trong mắt tăng cao.

Thể Glocom góc mở sẽ khó nhận biết được triệu chứng bệnh vì nó thường diễn biến từ từ, triệu chứng âm thầm, không gây đau đớn. Triệu chứng thường không đặc hiệu, mỏi mắt, đôi khi thấy nhìn mờ.

Thần kinh thị giác của người bệnh bị tổn thương dần dần, âm thầm, người bệnh khó phát hiện ở giai đoạn sớm, khi thị lực bị suy giảm nặng mới phát hiện ra thì đã muộn, khó cứu vãn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh glocom

Bệnh Glocom gồm nhiều thể, mỗi thể sẽ có các dấu hiệu bệnh lý khác nhau. Hầu hết khi mắc glocom sẽ đều không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu, tầm nhìn người bệnh không bị ảnh hưởng vì vậy mà đa phần các trường hợp bệnh đều không phát hiện ra sớm.

Chỉ trừ trường hợp mắc phải thể glocom góc đóng thì người bệnh mới cảm nhận rõ cơn đau nhức dữ dội quanh vùng mắt.

cườm nước
So sánh mắt bình thường với mắt người mắc bệnh Glocom.

Ngoài ra khi mới mắc bệnh, mắt sẽ xuất hiện vùng khuyết mỏng thị trường phía ngoài mắt và chưa lan vào trung tâm. Vì thế khi mới bắt đầu mắc bệnh, người bệnh vẫn có thể nhìn rõ vì vùng trung tâm mắt vẫn chưa bị ảnh hưởng. Cho đến khi nhận ra mắt nhìn mờ thì vùng mờ đã lan dần tới trung tâm, cuối cùng bệnh nhân chỉ còn tầm nhìn hình ống ở giữa.

Cách phát hiện sớm bệnh cườm nước

Khi thấy mắt có các triệu chứng bất thường như nhìn mờ hay đau nhức, cộm mắt người bệnh tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà, lúc này cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu về nhãn khoa để được khám mắt, tư vấn và điều trị. Bệnh lý Glocom có thể được phát hiện sớm khi bạn khám tổng quát mắt, thực hiện các kiểm tra sau:

  • Kiểm tra thị lực: Quá trình kiểm tra này giúp bạn đo ở những khoảng cách khác nhau.
  • Kiểm tra thị trường chu biên: Bạn sẽ được kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi của mình. Nếu phát hiện mất tầm nhìn ngoại vi ở mức độ nhất định là dấu hiệu nhận biết bạn có thể mắc bệnh tăng nhãn áp.
  • Kiểm tra cấu trúc trong mắt: Bạn sẽ được soi đáy mắt bằng kính soi đáy mắt gián tiếp. Bác sĩ sẽ lần lượt kiểm tra võng mạc đến hệ thống dây thần kinh thị giác để phát hiện các dấu hiệu bất thường về mắt.
  • Đo nhãn áp: Bác sĩ sẽ dùng 1 dụng cụ đặc biệt để đo áp suất bên trong mắt bạn.
  • Đo độ dày giác mạc: Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra giác mạc để phát hiện các vấn đề về mắt.
Kiểm tra thị lực để phát hiện bệnh lý cườm nước

Nguyên nhân gây bệnh cườm nước (Glaucoma)

Hiện nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh cườm nước. Nó chỉ được khẳng định có liên quan mật thiết đến tăng áp lực thuỷ dịch trong mắt hay suy giảm lượng máu cung cấp để nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.

Dưới đây là một số nguyên nhân được phát hiện có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh:

1. Do yếu tố di truyền

Nhiều người còn có thắc mắc là bệnh cườm nước có lây không? Căn bệnh này không lây nhiễm chéo nhưng có thể di truyền. Vậy nên nếu tiền sử gia đình đã có người thân cùng huyết thống mắc bệnh glocom, bạn sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh lý này cao hơn gấp 10 lần so với những người bình thường khác.

Vì vậy ở bất kì độ tuổi nào, nếu trong gia đình có người mắc Glocom, bạn nên đi khám mắt định kỳ, tầm soát mắt thường xuyên để phòng ngừa cũng như phát hiện kịp thời, điều trị bệnh lý sớm sẽ giúp giữ gìn thị lực tốt nhất.

2. Do bệnh lý toàn thân

Các bệnh lý thường gặp nhiều nhất ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường đều gây ra những ảnh hưởng, bất thường tại mạch máu dẫn đến tình trạng glocom tân mạch là một thể bệnh rất nặng trong glocom, điều trị vô cùng khó khăn. Vì vậy người bệnh cần phải kiểm soát tốt các bệnh lý nền toàn thân để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm ở mắt.

huyết áp cao gây biến chứng cườm nước
Người bị cao huyết áp dễ gặp phải biến chứng cườm nước

3. Do đục thủy tinh thể quá chín

Ở những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể giai đoạn hoàn toàn, thể thủy tinh lúc này sẽ bị ngấm nước, căng phồng quá mức gây đóng góc tiền phòng theo cơ chế nghẽn đồng tử, hậu quả là tình trạng tăng áp lực ở trong mắt. Lúc này các bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị phẫu thuật thay thuỷ tinh thể điều trị tăng nhãn áp.

Vì vậy khi bị đục thủy tinh thể bạn cần tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ biến chứng glocom xảy ra.

đục thủy tinh thể quá chín gây cườm nước
Đục thủy tinh thể quá chín có thể gây ra tình trạng tăng nhãn áp

4. Do chấn thương

Nếu mắt bạn không may bị va đập, tổn thương từ bên ngoài sẽ rất dễ gây sa lệch thể thủy tinh, đục thể thuỷ tinh và có thể gây ra biến chứng cườm nước. Vì vậy khi gặp phải các chấn thương ở mắt bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị sớm, hạn chế biến chứng nguy hiểm xảy ra.

5. Do lạm dụng nhóm thuốc corticoid

Các bệnh viêm nhiễm tại mắt như: Viêm màng bồ đào, đau mắt đỏ, cộm ngứa trong mắt, viêm kết mạc dị ứng bệnh nhân thường tự mua thuốc về tra mắt có thành phần chống viêm corticoid thấy đỡ nên lạm dụng nhiều cũng là nguyên nhân gây ra bệnh glocom góc mở.

lạm dụng thuốc gây cườm nước
Lạm dụng nhóm thuốc corticoid dễ gây ra những tổn hại cho mắt

Hay một số bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, viêm cầu thận... cũng có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về mắt trong đó có cườm nước.

Vì vậy đối với việc dùng thuốc đặc biệt là thuốc có thành phần corticoid trong điều trị bệnh phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được dùng bừa bãi, dễ gây ra những tổn hại thị lực không hồi phục được như bệnh glocom.

6. Mắc các bệnh lý khác về mắt

Một số nguyên nhân khác như: Đục thủy tinh thể bẩm sinh - Glocom bẩm sinh, Hội chứng Sturge-Weber (u máu vùng nửa mặt)... hoặc người bệnh mắc phải các tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị không được điều trị kịp thời.

Bệnh cườm nước có chữa được không?

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn được bệnh lý cườm nước. Người bệnh cần phải điều trị glocom suốt đời chứ không thể điều trị trong giai đoạn ngắn mà giúp bệnh ổn được. Mọi biện pháp can thiệp đều chỉ giúp giữ gìn phần thị lực chưa bị ảnh hưởng chứ không thể hồi phục thị lực như ban đầu.

Tuy nhiên việc chẩn đoán, phát hiện bệnh lý càng sớm sẽ giúp cho người bệnh giữ gìn thị lực càng tốt, làm chậm tiến trình phát triển của bệnh. Vậy mắt bị cườm nước có mổ được không? Tùy vào tình trạng bệnh glocom bạn mắc phải sẽ có các biện pháp điều trị thích hợp, bao gồm: Thuốc, laser, phẫu thuật. Và mổ glocom thường được chỉ định sau cùng khi không đáp ứng với thuốc và laser hoặc bệnh nhân kém tuân thủ điều trị thuốc.

1. Hỗ trợ điều trị bằng thuốc

Các thuốc điều trị nội khoa thường được áp dụng trong điều trị glocom góc mở. Có nhiều nhóm thuốc khác nhau để người bệnh có thể kết hợp điều trị hoặc điều trị thay đổi, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn bệnh lý.

Thuốc nhỏ mắt trị cườm nước có tác dụng làm giảm áp lực trong mắt bằng 2 cơ chế: giảm tiết thuỷ dịch và tăng cường thoát lưu thuỷ dịch. Các loại thuốc này phải được chỉ định dùng từ bác sĩ chuyên khoa về liều dùng cũng như cách sử dụng để đạt hiệu quả hạ nhãn áp tốt nhất.

dùng thuốc điều trị glcom
Glocom giai đoạn nhẹ có thể được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt

Bệnh nhân dùng thuốc cần phải đi kiểm tra mắt định kỳ, thường xuyên để theo dõi tình trạng tiến triển của bệnh. Khi thuốc nhỏ đạt hiệu quả hạ nhãn áp như mong muốn, bệnh nhân sẽ được chỉ định đổi thuốc phối hợp thuốc hoặc các phương pháp can thiệp khác.

2. Điều trị bằng Laser

Điều trị bằng Laser được áp dụng tốt nhất cho người bệnh glocom góc đóng nếu phát hiện ra bệnh lý ở giai đoạn đầu. Đây là một phương pháp khá nhẹ nhàng, không hề có can thiệp dao, kéo vào mắt.

Với phương pháp điều trị bằng Laser, bệnh nhân có thể được về nhà ngay sau khi thực hiện thủ thuật. Phương pháp này có thể lại biến chứng tăng nhãn áp tạm thời và có thể được kết hợp với thuốc nhỏ mắt giúp hạ nhãn áp.

điều trị glocom bằng laser
Điều trị bằng laser là phương pháp tốt nhất với bệnh glocom góc đóng giai đoạn đầu

3. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Điều trị glocom bằng phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng ở giai đoạn nặng của bệnh, khi nhãn áp không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc laser. Có nhiều cách phẫu thuật khác nhau có thể được áp dụng tùy vào tình trạng người bệnh như: Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, phẫu thuật củng mạc sâu, phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng, phẫu thuật mở bè hay thậm chí phẫu thuật thay thuỷ tinh thể.

phẫu thuật điều trọ glocom
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh cườm nước tiến triển giai đoạn nặng

Tìm hiểu 8 Cách phòng ngừa bệnh glocom bạn nên biết

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp cụ thể nào có thể giúp phòng ngừa bệnh cườm nước. Tuy nhiên, nếu glocom được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời có thể giúp người bệnh bảo vệ được thị lực tốt, hạn chế sự tiến triển của bệnh gây mù lòa. Bạn có thể dự phòng được bệnh lý này bằng việc ghi nhớ các điều sau đây:

  1. Khám mắt định kỳ: Khuyến cáo tất cả mọi người, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ, có tiền sử gia đình có người mắc bệnh glocom nên đi thăm khám mắt định định 1 năm/ lần đề kiểm tra, phát hiện sớm tình trạng bệnh glocom.
  2. Kiểm soát tốt bệnh lý toàn thân: Người có tiền sử bệnh lý toàn thân như tiểu đường, cao huyết áp cần phải kiểm soát tốt để không gây ra những biến chứng nguy hiểm cho mắt.
  3. Không được sử dụng thuốc bừa bãi: Đặc biệt là các loại thuốc có thành phần corticoid, cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng.
  4. Không làm động tác cúi đầu quá nhiều vào buổi tối: Các động tác cúi đầu như gội đầu, tập yoga... vào buổi tối rất nguy hiểm vì về mặt sinh lý, ban đêm nhãn áp của chúng ta thường cao hơn trong ngày, tư thế cúi đầu sẽ làm cho góc tiền phòng - một cấu trúc ở trong mắt hẹp hơn nữa, dễ gây ra cơn glocom cấp.
  5. Không làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng: Không đọc sách, truyện, tư liệu trong điều kiện ánh sáng yếu vì lúc này đồng tử sẽ giãn nửa với dễ gây ra cơn glocom cấp.
  6. Khắc phục tình trạng stress: Khi bạn căng thẳng, lo âu quá nhiều, thức đêm, ngủ thiếu giấc khiến mắt không được nghỉ ngơi đủ dễ gây ra tăng nhãn áp.
  7. Hạn chế tối đa các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá... là những chất kích thích dễ sản sinh những gốc tự do nguy hại, nó có thể đẩy cao nguy cơ mắc bệnh glocom ở người bình thường lên gấp 2,3 lần, vì vậy bạn không nên lạm dụng quá nhiều.
  8. Chú ý các dấu hiệu bất thường ở mắt: Khi thấy mắt có các dấu hiệu bất thường như nhìn mờ, lóa mắt, đau nhức mắt lan lên nửa đầu... cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được thăm khám, tư vấn.
Thăm khám định kỳ thường xuyên để phòng bệnh cườm nước
Thăm khám định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh lý cườm nước

Trên đây là một vài thông tin tổng quan về bệnh lý glocom. Nếu bệnh được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời sẽ mang lại những kết quả khả quan, giúp bảo vệ thị lực cho người bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ với mù lòa vĩnh viễn. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu bạn còn vấn đề thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN