Video ngắn lý giải thắc mắc tại sao chúng ta khóc của TED- Ed (kênh giáo dục trực tuyến)
Tại sao chúng ta lại khóc?
Khóc là một trạng thái cảm xúc của con người được thể hiện ra ngoài khi không thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân nữa. Có rất nhiều nguyên nhân khiến chúng ta phải khóc sưng mắt, rơi lệ thật nhiều. Sau đây là 7 yếu tố phổ biến nhất, lý giải cho vấn đề tại sao chúng ta khóc?
1. Do không thể kiềm chế cảm xúc
Khi cảm xúc bị dồn nén, không thể giải toả được chúng ta sẽ bật khóc như là một cách để xử lý xúc cảm của bản thân. Khi suy nghĩ trong lòng trở nên cực đoan mà bạn không thể nào thoát ra, khống chế hay đối phó với chúng, khóc lúc này như một cách giải toả để bày tỏ những bộn bề, nghĩ suy ra ngoài.
Những tiêu cực trong tinh thần khiến ta cảm thấy đau khổ sâu sắc, buồn bã, tuyệt vọng, tội lỗi hay lo lắng thật nhiều. Và não bộ của chúng ta lúc này sẽ nhanh chóng nhận diện được cảm xúc, truyền thông tin tới tuyến lệ ở mắt và đẩy nước mắt tiết ra ngoài.
Và loại hormone cortisol là nguyên nhân chính khiến căng thẳng giảm dần, hệ thống thần kinh trung ương nhờ đó được xoa dịu. Từ đó giúp chúng ta thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực, cân bằng lại trạng thái.
Và ngay cả những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, tình yêu, niềm vui lớn, khao khát mãnh liệt hay lòng biết ơn khi lên tới đỉnh điểm cũng có thể khiến cho bạn phải khóc. Rơi nước mắt lúc này chính là giúp bạn điều chỉnh lại những cảm xúc mãnh liệt.
2. Do đau khiến ta bật khóc
Khi bạn vô tình bị vấp ngã hay bị một vật sắc nhọn đâm vào da thịt... cơn đau đột ngột tác động từ bên ngoài có thể khiến bạn phản ứng chảy nước mắt ngay sau đó. Khi trải qua một cơn đau kéo dài, bất lực vì cảm giác đau đớn giằng xé, và nhất là không thể làm gì để khắc phục tình trạng có thể khiến bạn phải khóc thực sự.
Với những cơn đau đớn khiến cho bạn phải bật khóc như vậy sẽ chẳng mang lại lợi ích nào. Những giọt nước mắt lúc này có thể khiến bạn dịu bớt cảm giác đau đớn từ thể xác. Theo nghiên cứu, khi ta khóc, cơ thể sẽ tiết ra endorphin và oxytocin là 2 hormone tự nhiên có thể giúp ta giảm bớt cơn đau, trấn an tinh thần hay có thể nhận định khóc là hành vi tự xoa dịu nỗi đau của bản thân.
3. Do muốn được giúp đỡ
Khóc có thể là tín hiệu mong cầu sự giúp đỡ của người khác, để họ biết bạn đang gặp phải khó khăn. Khi bạn thấy khó có thể mở lời trực tiếp để nhờ vả sự giúp đỡ, nước mắt tuôn rơi lúc này có thể giúp cho bạn truyền tải thông điệp mà không cần phải cất lời. Đây hoàn toàn không phải sự cố tình, nó là phản ứng tự nhiên của cơ thể mà đa phần chúng ta đều gặp khó khăn khi kiểm soát.
4. Do đồng cảm với người khác
Khóc khi thương cảm, đồng cảm với hoàn cảnh của người khác cũng là tình trạng thường thấy trong cuộc sống. Nó cũng tương tự khi bạn khóc để thu hút sự quan tâm, giúp đỡ của người khác. Thấy người khác khóc, đau khổ, bản thân bạn cũng có thể thấy đồng cảm, chứng kiến nỗi đau họ đang gặp phải cũng có thể khiến bạn không cầm được nước mắt.
Khóc thương cảm, đáp lại nỗi đau của người khác không hề xấu, điều này chứng tỏ bạn là người giàu cảm xúc, tình thương người, biết quan tâm, đồng cảm với những nỗi đau của người khác.
5. Do muốn được đáp ứng nhu cầu
Có những trường hợp cố tình khóc để thu hút sự quan tâm của người khác nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân. Và những hành vi này không phải lúc nào cũng xấu xa. Nhiều người đang ở trạng thái bất lực, không biết làm sao để cải thiện, đáp ứng nhu cầu, tình hình bản thân cũng có thể có xu hướng bật khóc. Nói cách khác, khóc có thể được xem như một công cụ để bạn sử dụng.
Cảm giác bất lực, thất vọng khi không thể tự mình tạo ra sự thay đổi có thể khiến bạn bật khóc để kiếm tìm sự cảm thông, giúp đỡ của người khác để được hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của bản thân. Trong trường hợp này khóc có thể là gượng ép, không thật. Cảm giác bất lực cùng tuyệt vọng đa phần sẽ khiến chúng ta đau buồn mà bật khóc.
6. Do muốn thúc đẩy các mối quan hệ xã hội
Đôi khi việc bộc lộ cảm xúc, những điểm yếu như khóc có thể khiến bạn lấy được thiện cảm của đối phương từ đó giúp hình thành cũng như thúc đẩy, củng cố các mối quan hệ xã hội. Tất cả chúng ta đều cần có sự hỗ trợ và đồng hành của nhừng người khác trong cuộc sống hàng ngày. Nhất là ở những thời điểm đang gặp phải tổn thương.
Khi bản thân bạn cho phép người khác nhìn thấy yếu điểm của mình rất có thể là để họ đáp ứng lại với bạn bằng lòng tốt, sự trắc ẩn , sự cảm thông. Và những hình thức hỗ trợ tinh thần, an ủi cảm xúc này sẽ kiến tạo ra những kết nối đầy ý nghĩa giữa người với người.
7. Do hạnh phúc ngập tràn
Không chỉ khi buồn mới khiến chúng ta bật khóc, những cảm xúc vui mừng, hạnh phúc ngập tràn cũng có thể khiến cho chúng ta rơi nước mắt. Tại sao ngay cả những tình huống tích cực như vậy cũng có thể khiến chúng ta khóc?
Khi ở trong trạng thái sung sướng tột độ, hạnh phúc tràn ngập có thể khiến bạn cảm động phát khóc. " Sung sướng đến phát khóc" lúc này chính là sự đáp trả của cơ thể khi chúng ta đang ngập tràn trong những cảm xúc tích cực. Những xúc cảm vốn bị đè nén trong lòng lâu ngày bất chợt bộc phát ra bằng những giọt nước mắt. Rơi nước mắt lúc này giúp bạn cân bằng lại trạng thái cảm xúc của mình.
Phân loại nước mắt
Căn cứ vào nguyên nhân, mục đích khiến chúng ta khóc có thể phân nước mắt làm 3 loại với những công dụng khác nhau. Cụ thể như sau:
- Những giọt nước mắt bình thường: Đây là những giọt nước mắt cơ bản, phục vụ quá trình điều tiết của mắt, nó giúp bôi trơn bề mặt nhãn cầu của bạn cả ngày. Việc bạn chớp mắt thường xuyên giúp nước mắt dàn đều bên trên bề mặt nhãn cầu. Loại nước mắt bình thường này giúp bạn cải thiện tầm nhìn, bảo vệ đôi mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường, cải thiện tầm nhìn sáng, rõ.
- Những giọt nước mắt phản xạ: Loại nước mắt này thường được sản sinh rất nhiều khi mắt gặp phải kích ứng từ các tác nhân gây hại bên ngoài môi trường. Điển hình nhất là khi bạn thái hành tây hay bị cay, bụi bay vào mắt... Những giọt nước mắt biểu thị sự khó chịu tuôn rơi lúc này là sự phản xạ của mắt giúp bạn loại bỏ bớt các chất gây kích ứng cũng như bảo vệ mắt khỏi sự thương tổn do các chất kích ứng gây ra.
- Những giọt nước mắt của cảm xúc dâng trào: Đây là những giọt nước mắt được sản sinh ra khi cảm xúc dâng trào, không thể kìm nén được nữa. Buồn đau, đồng cảm hay thậm chí cả vui mừng, hạnh phúc tột độ cũng có thể khiến chúng ta bật khóc. Nước mắt loại này giúp bạn thể hiện cảm xúc với người khác, từ đó giúp cải thiện các mối quan hệ, gắn kết con người với con người thêm gần nhau hơn.
Khóc cũng có thể được coi là một phương pháp trị liệu, một liều thuốc giảm đau tự nhiên. Nhà tâm lý học thần kinh Jodi Dacula của Mỹ đã đưa ra nhận định: " Khóc mang lại lối thoát, giảm stress và rất tốt cho sức khoẻ tinh thần". Các chuyên gia luôn khuyến khích chúng ta hãy khóc thay vì nín nhịn và đặc biệt người hay khóc còn có khả năng mạnh khoẻ hơn những người khác.
Tự nhiên khóc không rõ nguyên nhân?
Khóc sẽ là một việc hết sức bình thường nếu chúng ta biết được nguyên nhân hay ở trong một tình huống nhất định. Tuy nhiên nếu bạn đang gặp phải tình trạng tự nhiên rơi nước mắt mà không rõ nguyên nhân thì có thể là biểu hiện của một tình trạng nghiêm trọng hơn trên cơ thể.
Khóc nhiều trong một khoảng thời gian dài, khóc mỗi ngày ở những hoạt động bình thường rất có thể đây là triệu chứng của bệnh trầm cảm. Một số biểu hiện đi kèm của chứng bệnh này như: :Luôn ở trạng thái bất lực, tuyệt vọng, không thấy hứng thú với cuộc sống, chán ăn hoặc ăn nhiều bất thường, mất ngủ kéo dài...Trầm cảm cần được điều trị sớm, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh.
Đôi khi, chảy nước mắt không kiểm soát hay tự nhiên thấy mắt ướt có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh mắt như:
- Khô mắt: Xảy ra khi cơ thể không sản sinh đủ nước mắt, mất cân bằng trong việc điều tiết nước mắt gây ra phản ứng rơi nước mắt nhiều.
- Đau mắt đỏ: Bệnh nhiễm trùng ở mắt này là nguyên nhân phổ biến khiến nước mắt rơi không kiểm soát đi kèm với một số biểu hiện như đỏ mắt, đổ ghèn nhiều, sưng, nhức mắt...
- Tắc tuyến lệ: Nước mắt chúng ta thường xuất phát từ tuyến lệ bên trên mắt, tràn ra bề mặt của nhãn cầu và thoát ra ngoài nhờ các tuyến ở khoé mắt. Vì nguyên nhân nào đó khiến tuyến lệ này bị tắc làm nước mắt không thoát ra được, bị đọng lại khiến cho mắt ướt. Có lúc hết tắc lại thoát ra ngoài ồ ạt gây ra tình trạng nước mắt rơi không kiểm soát.
- Xước giác mạc: Các tác nhân gây hại từ môi trường vô tình bay vào mắt khiến chúng ta cộm, phát sinh hành động dụi mắt có thể khiến cho giác mạc bị xước. Biểu hiện đặc trưng của tình trạng này là đỏ mắt, đau nhức ở mắt, chảy nước mắt liên tục không kiểm soát...
Ngoài ra, nguyên nhân khiến bạn tự nhiên khóc có thể do bạn đang gặp phải vấn đề với lông mi, viêm mi mắt, lẹo... Khi thấy nước mắt rơi không kiểm soát đi kèm với những dấu hiệu bất thường khác ở mắt không rõ nguyên nhân, bạn nên đến ngay bệnh viện khám mắt để được kiểm tra, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực.
Khóc nhiều có sao không?
Người khóc nhiều có khả năng khoẻ mạnh hơn những người khác, khóc giúp mang lại nhiều lợi ích như:
Khóc giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn.
- Cảm xúc dịu bớt.
- Giảm đau tốt.
- Giúp bạn giải toả căng thẳng trong cuộc sống.
- Khóc để chống lại vi khuẩn, kích ứng, dị vật vô tình bay vào mắt.
- Giúp bạn cải thiện tầm nhìn.
- Khóc giúp bạn ngủ ngon.
Có một số người lại dễ khóc hơn người khác. Theo nghiên cứu, phụ nữ khóc nhiều hơn đàn ông đến 60%. Tuy nhiên, nếu bạn thường khóc rất nhiều, khóc thường xuyên, hay tự nhiên đang vui vẻ lại có những suy nghĩ tiêu cực khiến bạn rơi nước mắt thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Vậy khóc nhiều có ảnh hưởng đến mắt của bạn không? Khóc sưng mắt khiến bạn có gương mặt thiếu thẩm mỹ, không tươi tắn. Đôi mắt của chúng ta vốn rất dễ tổn thương, những người khóc quá nhiều có thể làm cho mắt kém thị lực do phải điều tiết nhiều, thậm chí có thể gây mù loà.
Khóc nhiều khiến cho đôi mắt của bạn sưng húp, thiếu tự tin, ngại giao tiếp với người đối diện. Sau khi khóc, bạn có thể cải thiện tình trạng ở mắt bằng một số cách giảm sưng mắt đơn giản tại nhà như: Chườm lạnh, đắp túi trà, đắp dưa chuột, massage mắt, thoa dầu dừa...
Tóm lại, bài viết trên đây đã giúp bạn lý giải thắc mắc tại sao chúng ta khóc? Khóc có thể giúp chúng ta giảm đau, lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Nhưng nếu khóc quá nhiều, khóc không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Hy vọng bài viết sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu bạn còn vấn đề cần được giải đáp nhé!