THÔNG TIN CẦN BIẾT

Tìm hiểu về hạ nhãn áp, 7 cách làm giảm nhãn áp hiệu quả

19-11-2022 - Tác giả:   Hoàng Huyền Trang   - Tham vấn y khoa:   PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu
Hạ nhãn áp là phương pháp hỗ trợ người bệnh tăng nhãn áp ổn định lại áp lực nội nhãn, kịp thời ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Vậy phải làm như nào để giảm nhãn áp trong mắt? Cùng tìm hiểu về các cách hỗ trợ hạ nhãn áp an toàn, hiệu quả giúp khắc phục bệnh lý tăng nhãn áp ở mắt trong bài viết sau đây nhé!
Hạ nhãn áp
Hạ nhãn áp là phương pháp hỗ trợ người bệnh ổn định lại nhãn áp

4 cách hỗ trợ hạ nhãn áp hiệu quả tại nhà

Với những trường hợp bệnh nhân tăng nhãn áp được phát hiện ở giai đoạn đầu, chưa cần phải phẫu thuật, thường bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để ổn định nhãn áp. Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, một số cách giúp hạ nhãn áp, thư giãn cho mắt đơn giản tại nhà sau đây sẽ rất hữu ích với bạn:

Cách 1. Tập chớp mắt giúp hạ nhãn áp

Bài tập chớp mắt là phương pháp đơn giản nhất giúp bạn hạ nhãn áp trong mắt. Bạn chỉ cần chớp mắt liên tục với khoảng cách giữa các lần chớp là 3 - 4 giây. Duy trì bài tập này trong khoảng 2 phút, nếu cần thiết bạn có thể sử dụng đồng hồ để theo dõi thời gian chớp mắt. Việc làm đơn giản này có thể giúp bạn giảm nhãn áp trong mắt hiệu quả.

Nên duy trì bài tập chớp mắt này 3 - 4 lần mỗi ngày sẽ cải thiện hiệu quả tình trạng nhãn áp ở mắt, nhờ đó giúp cho cửa sổ tâm hồn sẵn sàng xử lý các thông tin, hình ảnh mới tốt hơn. Chúng ta khi tập trung làm một việc gì đó trên máy tính, điện thoại hay tivi thường quên chớp mắt. Điều này sẽ khiến cho mắt gia tăng tình trạng mỏi mệt, căng thẳng, khô mắt... không hề tốt cho bệnh nhân tăng nhãn áp.

Tập chớp mắt giúp hạ nhãn áp
Bài tập chớp mắt có thể giúp bạn ổn định nhãn áp

Cách 2. Lấy tay úp lên mắt

Dùng bàn tay úp lên mắt sẽ được thực hiện lần lượt cho từng bên mắt, mắt trái sử dụng tay trái, mắt phải dùng tay phải. Các hạ nhãn áp này cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần đặt bàn tay trái lên mắt trái sao cho các ngón tay chạm lên trán còn gang bàn tay thì chạm vào gò má. Chú ý không được dùng lực bàn tay ấn sâu vào bên trong mắt.

Thực hiện tư thế úp bàn tay lên mắt này trong khoảng 30 phút hoặc nhiều hơn càng tốt. Hãy chớp mắt thật thoải mái trong suốt khoảng thời gian này. Sau đó hãy bỏ tay trái ra khỏi mắt trái và thực hiện tương tự như vậy với bên mắt phải của bạn.

Cách này nên được thực hiện ở tư thế nằm sẽ giúp cơ thể thư giãn, mắt được nghỉ ngơi tốt hơn và tâm trí sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Biện pháp này cũng sẽ giúp bạn xả stress, mắt chớp thoải mái sẽ giúp điều tiết tốt hơn, hạ nhanh nhãn áp trong mắt.

Lấy tay úp lên mắt
Lấy tay úp lên mắt giúp bạn thư giãn, giảm nhãn áp trong mắt

Cách 3: Di chuyển mắt theo hình số 8

Với cách này phải đảm bảo đầu được giữ nguyên, không di chuyển. Di chuyển mắt giống như hành động vẽ hình số 8 nằm ngang vậy. Thực hiện bài tập này liên tục trong vòng 2 phút sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng nhãn áp trong mắt. Di chuyển mắt theo hình số 8 giúp tăng cường sức khỏe cho cơ mắt cũng như tăng độ linh hoạt, hạn chế thương tổn ở mắt.

Cách 4. Tập trung cho mắt nhìn gần, nhìn xa

Với cách này, bạn hãy tìm một vị trí ngồi thật thoải mái và không tồn tại các yếu tố khiến cho bạn bị xao nhãng. Tiếp sau đó bạn sẽ giơ ngón cái của mình lên phía trước mặt, tạo thành một khoảng cách 25cm với mắt và để mắt tập trung nhìn vào ngón cái này. Duy trì nhìn trong khoảng 10 giây rồi di chuyển mắt sang một tiêu diểm khác với khoảng cách từ 3 - 6m, cũng tập trung nhìn trong 10 giây rồi lại nhìn tay.

Cứ luân phiên để mắt tập trung nhìn gần và nhìn xa như vậy liên tục trong khoảng 2 phút. Bài tập đơn giản này sẽ hỗ trợ bạn hạ nhãn áp nhanh chóng, đồng thời tăng cường sức mạnh cho cơ mắt, cải thiện thị lực, tầm nhìn hiệu quả.

Các cách hỗ trợ hạ nhãn áp trên đây nếu được thực hiện thường xuyên có thể giúp bạn ổn định tình trạng nhãn áp trong mắt. Tuy nhiên các phương pháp này không thể thay thế thuốc chữa bệnh, người bệnh tăng nhãn áp vẫn cần duy trì dùng thuốc hàng ngày để giữ nhãn áp ổn định. Duy trì thói quen khám mắt định kỳ, thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe mắt.

Tập trung cho mắt nhìn gần, nhìn xa
Tập trung cho mắt nhìn xa, nhìn gần giúp ổn định nhãn áp trong mắt

Cách hạ nhãn áp bằng 3 phương pháp phẫu thuật

Tăng nhãn áp là một thể bệnh của cườm nước (glocom) - nhóm bệnh gây thương tổn không phục hồi thị thần kinh. Tăng nhãn áp hiện nay là nguyên nhân gây mù lòa thứ 2 trên thế giới và chưa có phương pháp nào được y khoa công nhận có thể giúp điều trị bệnh lý nguy hiểm ở mắt này. Mọi can thiệp, phẫu thuật chỉ giúp người bệnh bảo vệ phần thị lực còn lại chưa bị bệnh "đánh cắp" chứ không thể phục hồi thị lực như ban đầu.

Thông thường với những bệnh nhân khi thăm khám mắt được chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp ở giai đoạn đầu sẽ được chỉ định dùng thuốc theo đường nhỏ mắt hoặc đường uống hay kết hợp cả 2. Phẫu thuật giúp hạ nhãn áp chỉ được chỉ định ở những trường hợp bệnh nặng, dùng thuốc không mang lại hiệu quả như mong muốn nữa.

Vì vậy, phẫu thuật sẽ là cách sau cùng giúp bệnh nhân cải thiện lại dòng chảy của thủy dịch ở trong mắt, hạ nhãn áp cho mắt. Hiện nay có nhiều loại phẫu thuật giúp giảm nhãn áp trong mắt, tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp khắc phục phù hợp. Dưới đây sẽ là x phương pháp phẫu thuật giúp hạ nhãn áp phổ biến nhất:

Cách 1. Chiếu tia Laser không xâm lấn

Hạ nhãn áp bằng Laser là một phương pháp khá nhẹ nhàng, an toàn không phải can thiệp bằng dao kéo, xâm lấn sâu nguy hiểm cho mắt. Đồng thời chiếu tia Laser còn mang lại hiệu quả trong thời gian dài, giúp thị lực bệnh nhân duy trì tốt.

Phẫu thuật tăng nhãn áp bằng Laser thường được áp dụng và mang lại hiệu quả cao nhất cho những bệnh nhân ở thể góc đóng, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và cũng là phương pháp khắc phục của tình trạng tăng nhãn áp góc mở. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ chiếu tia laser và tạo ra nhiều lỗ nhỏ bên trên khu vực thoát thuỷ dịch của mắt để thủy dịch dễ dàng thoát ra ngoài, hạ nhãn áp cho mắt.

Ưu điểm: Quá trình giảm nhãn áp bằng laser chỉ kéo dài trong khoảng 15 phút, không gây cảm giác đau hay khó chịu cho người bệnh. Bạn có thể sẽ được về nhà ngay sau khi áp dụng thủ thuật này. Vì là phương pháp không gây xâm lấn nên cũng giúp hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm xảy ra ở mắt sau mổ.

Hạn chế: Chiếu tia laser có thể gặp biến chứng tăng nhãn áp tạm thời nên người bệnh sẽ được kết hợp dùng thuốc sau điều trị để giúp hạ nhãn áp. Đây hoàn toàn không phải phương pháp điều trị triệt để giúp hạ nhãn áp hoàn toàn. Sau khi áp dụng phương pháp này trong khoảng thời gian từ 2 - 5 năm nếu bệnh tái phát, bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật lần 2 hoặc có thể được chỉ định điều trị bằng một loại thuốc thay thế khác.

Chiếu tia Laser không xâm lấn
Hạ nhãn áp bằng Laser là một phương pháp khá nhẹ nhàng

Cách 2. Cắt bè củng giác mạc

Phương pháp cắt bè củng giác mạc giúp hạ nhãn áp trong mắt thường được áp dụng ở giai đoạn nặng của bệnh. Nhãn áp của người bệnh lúc này thường tăng cao nguy hiểm, sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả nữa. Lúc này, mắt sẽ được mổ để cắt bè củng giác mạc, từ đó tạo kênh thoát thuỷ dịch ra ngoài giúp giảm nhãn áp cho mắt.

Cắt bè củng giác mạc được bác sĩ thực hiện bằng cách cắt bỏ đi một phần cực nhỏ của mống mắt, giúp thuỷ dịch dư thừa bên trong mắt thoát ra ngoài. Sau khi phẫu thuật tăng nhãn áp bằng phương pháp này, bệnh nhân có thể không cần dùng thêm thuốc trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên cần đi thăm khám mắt định kỳ, thường xuyên để theo dõi tình trạng nhãn áp trong mắt.

Thông thường, phẫu thuật cắt bè củng giác mạc sẽ được bác sĩ thực hiện ở một mắt trước, sau vài tuần sẽ thực hiện phẫu thuật nốt bên mắt còn lại. Và bệnh nhân tăng nhãn áp sẽ phải thực hiện điều trị sau thủ thuật nếu lỗ hở bị đóng lại hoặc bị tắc nghẽn.

Cắt bè củng giác mạc
Phương pháp cắt bè củng giác mạc giúp hạ nhãn áp trong mắt

Cách 3. Đặt van dẫn lưu trong mắt

Hạ nhãn áp bằng phương pháp đặt van dẫn lưu trong mắt nhằm dẫn lưu thuỷ dịch thoát ra ngoài cũng thường được áp dụng trong điều trị bệnh ở giai đoạn nặng. Các ống thuỷ dịch ở đây được làm bằng chất liệu silicon, có chiều dài khoảng 1,3cm và được cấy vào phần phía trước của mắt người bệnh giúp dẫn lưu thủy dịch. và từ đó sẽ giúp hạ áp suất nội nhãn khi thủy dịch thoát ra ngoài.

Thông thường sau mổ mắt tăng nhãn áp bằng phương pháp này, trong ngày đầu tiên, người bệnh sẽ phải băng mắt để giữ an toàn cho mắt. Quá trình cấy ghép ống thoát thuỷ dịch thường kéo dài trong khoảng 8 tuần và còn phụ thuộc vào tình trạng người bệnh cũng như sức khoẻ của đôi mắt.

Đặt van dẫn lưu trong mắt
Giảm nhãn áp bằng phương pháp đặt van dẫn lưu trong mắt

Cùng với những cách giúp hạ nhãn áp phổ biến trên đây, người bệnh tăng nhãn áp cần thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học, điều độ, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Bổ sung thêm các thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, dưỡng chất cần thiết cho mắt. Đồng thời cũng phải nắm được người bị tăng nhãn áp kiêng ăn gì, kiêng làm gì để kiểm soát bệnh lý tốt hơn.

Như vậy, với 7 cách hạ nhãn áp trên đây có thể hỗ trợ bạn giảm nhãn áp hiệu quả cho mắt, hạn chế các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Hãy liên lạc ngay với chúng tôi nếu bạn cần được tư vấn, hỗ trợ nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN