Nước mắt được tiết ra thường xuyên trên bề mặt mắt giúp bôi trơn và dinh dưỡng giác mạc mắt. Lượng nước mắt này được dẫn lưu thường xuyên xuống mũi bằng hệ thống lệ đạo gồm các ống dẫn nhỏ chạy từ điểm lệ vùng góc trong mắt xuống mũi. Trong trường hợp đường ống này bị tắc nghẽn làm nước mắt không thoát xuống mũi được và chảy ra ngoài được gọi là tắc lệ đạo.
Tắc lệ đạo là gì?
Do đặc điểm giải phẫu của tuyến lệ là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc lệ đạo. Khi bị tắc lệ đạo người bệnh có thể khóc nhưng nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường, gây tình trạng chảy nước mắt dẫn tới nhiễm khuẩn đường lệ gây viêm nhiễm, đau nhức. Tắc lệ đạo có thể bị tắc 1 phần hoặc hoàn toàn.
Ngyên nhân lệ đạo bị tắc?
Tắc lệ đạo có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên hay người lớn tuổi, tuy nhiên thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới.
Tắc lệ đạo có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
Tắc lệ đạo bẩm sinh: Xuất hiện từ khi trẻ mới đẻ được 1 – 2 tuần hoặc có thể muộn hơn. Nguyên nhân thường do ứ đọng chất dịch trong lòng lệ đạo, hoặc do tồn tại một màng mỏng che lấp đầu dưới của ống lệ mũi nơi đổ vào ngách mũi. Khoảng 20% trẻ em bị tắc tuyến lệ bẩm sinh, hầu hết tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi.
Các bệnh viêm nhiễm lâu ngày: Viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính, viêm kết mạc. Sưng nề, căng phần góc trong mắt, khi massage hoặc day ấn vào có thể làm trào mủ nhầy trong mắt (từ lỗ ghèn) và xẹp xuống, một thời gian sau lại phồng lên trở lại.
Khối u, sẹo tại mắt gây co kéo chèn ép đường dẫn lệ.
Bỏng, chấn thương (chấn thương mắt mũi, phẫu thuật xoang hàm) gây tắc, đứt lệ quản, co kéo điểm lệ bị lệch đi.
Thay đổi do tuổi tác: hẹp điểm lệ ở người lớn tuổi.
Bất thường phát triển sọ và mắt: Hội chứng Down hoặc các rối loạn khác có thể tăng nguy cơ bị tắc lệ đạo.
Dấu hiệu nhận biết khi tắc lệ đạo
Tắc lệ đạo có thể sẽ gây ứ đọng vi trùng trong ống lệ mũi và viêm túi lệ. Các triệu chứng của nhiễm trùng ở mắt bao gồm:
Bệnh nhân chảy nước mắt liên tục trong nhiều ngày
Đóng vảy ở lông mi
Góc mắt trong hoặc khu vực giữa mắt và mũi đỏ, sưng nề trong nhiều ngày
Xuất tiết nhầy (chảy mủ) ở khóe mắt
Nhìn mờ, ảnh hưởng thị lực.
Nước mắt có lẫn vệt máu.
Sốt
Hướng điều trị tắc lệ đạo
1. Điều trị bảo tồn.
Điều trị bảo tồn tắc lệ đạo là phương pháp điều trị không làm thay đổi cấu trúc giải phẫu và sinh lý bình thường của lệ đạo. Thường áp dụng cho tắc lệ đạo bẩm sinh, còn tắc lệ đạo mắc phải ít có kết quả.
Điều trị bảo tồn gồm có:
Nhỏ thuốc kháng sinh, day nắn túi lệ
Bơm rửa lệ đạo, thông lệ đạo
Đặt ống Silicon, nong ống lệ mũi, điện đông ống lệ mũi.
Cách làm:
Dùng bơm tiêm có gắn kim lệ đạo đưa vào lệ quản dưới hoặc lệ quản trên để bơm dung dịch nước muối sinh lý vào đường lệ. Bơm rửa có tác dụng rửa sạch các chất dịch ứ đọng trong lệ đạo.
Một tay kéo da mi dưới xuống dưới và ra ngoài để cố định mi và điểm lệ. Tay kia cầm bơm tiêm, đưa kim thẳng góc từ trên xuống vào qua điểm lệ 1mm. Quay bơm tiêm 900 vào lệ quản ngang, song song bờ mi đến túi lệ, khi chạm vào thành xương thì lùi lại 1mm và từ từ bơm nước vào.
Sau khi rửa sạch lệ đạo, tiến hành bơm kháng sinh vào lệ đạo dưới áp lực bằng cách dùng một miếng gạc chèn điểm lệ đối diện hoặc dùng que nong đầu tù để bịt lệ quản đối diện nhằm mục đích không cho dung dịch kháng sinh trào ngược ra. Ngoài tác dụng đưa kháng sinh vào lệ đạo để điều trị viêm nhiễm, phương pháp này còn có thể giải phóng chỗ tắc nhờ áp lực bơm từ ngoài vào.
Kết quả:
Nước chảy xuống miệng chứng tỏ lệ đạo thông.
Phải bơm thật mạnh nước mới xuống miệng hoặc nước vừa xuống miệng vừa trào điểm lệ trên chứng tỏ lệ đạo thông nhưng bị hẹp.
Nước trào tại chỗ là tắc lệ đạo ở lệ quản dưới.
Nước trào ra lệ quản trên: tắc đoạn nào đó từ cổ túi lệ trở xuống ống lệ mũi.
Khi lệ đạo tắc có nhiều mủ thì cần rửa sạch sau đó mới tiến hành thông lệ đạo.
2. Thông lệ đạo
Thông điểm lệ: dùng 1 tay kéo da mi để bộc lộ điểm lệ. Trường hợp điểm lệ quá nhỏ có thể tra xanh metylen hoặc thuốc đỏ để phát hiện dễ hơn. Tay kia cầm que nong đầu nhọn đưa vào điểm lệ vuông góc với bờ mi, khi que nong vào được 1mm, xoay ngang que nong 900 sao cho song song với bờ mi và đẩy vào trong vừa đẩy vừa xoay tròn que nong để nong rộng điểm lệ. Khi que không vào được nữa rút que nong ra.
Thông lệ quản ngang: dùng que nong nong rộng điểm lệ. Đưa que thông vào điểm lệ 1mm sau đó vào lệ quản ngang sau khi xoay ngang 900 cho đến khi đầu que thông chạm vào túi lệ và thành xương. Khi que thông đi qua chỗ chít hẹp thì xoay tròn que thông và đẩy từ từ vào trong.
Thông ống lệ mũi: dùng que nong nong rộng điểm lệ. Đưa que thông vào điểm lệ 1mm vuông góc với bờ mi, sau đó xoay ngang que thông 900 và tiếp tục đẩy que thông đi song song với bờ mi. Nếu khó đẩy que thông thì cần kéo căng da mi ra phía ngoài để lệ quản ngang nằm thẳng, que thông sẽ vào dễ hơn. Khi đầu que thông chạm vào thành xương (que vào khoảng 1 - 1,5cm) xoay que thông lên phía trên một góc 90º sau đó đẩy từ từ xuống phía dưới theo hướng ống lệ mũi (khi đẩy đầu que thông luôn luôn chạm vào thành xương). Rút que thông ra, bơm nước lệ đạo để kiểm tra. Nếu thông chưa được thì khoảng thời gian giữa hai lần thông ít nhất là 1 tuần.
3. Điều trị phẫu thuật
Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều trị tắc lệ đạo. Tuỳ thuộc vào từng vị trí tắc, từ đơn giản đến phức tạp.
Tắc trước túi lệ:
– Mở rộng điểm lệ.
– Cắt chỗ hẹp lệ quản.
– Nối thông hồ lệ – miệng: Tạo một đường hầm từ hồ lệ xuống miệng.
– Nối thông kết mạc – xoang hàm.
– Nối thông kết mạc – túi lệ.
– Nối thông kết mạc – túi lệ – mũi.
Tắc sau túi lệ:
Chủ yếu là phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.
Nguyên lý là tạo một đường dẫn nước mắt mới từ túi lệ sang hốc mũi không qua ống lệ mũi bị tắc. Đây là phương pháp chính điều trị tắc ống lệ mũi mắc phải. Có hai phương pháp phẫu thuật, đó là: Phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường mũi và phẫu thuật nối thông túi lệ mũi qua đường rạch da.
Chấn thương đứt lệ quản.
Phẫu thuật khâu nối lệ quản và đặt ống Silicon trong lòng lệ quản. Có thể tiến hành phẫu thuật ngay sau khi xảy ra chấn thương hoặc mổ trì hoãn trong vòng 48h để chuẩn bị các dụng cụ phẫu thuật cần thiết vì đây là khoảng thời gian quá trình tăng sinh xơ – tổ chức hạt chưa bắt đầu. Ống Silicon được để lưu từ 3 – 12 tháng tùy theo mức độ nặng nhẹ của tổn thương.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể để phòng ngừa tắc lệ đạo bẩm sinh. Riêng trường hợp tắc lệ đạo do chấn thương hoặc phẫu thuật thì biện pháp tốt nhất là tránh bị những tổn thương này.
Một số dịch vụ điều trị bệnh tắc lệ đạo tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Bơm rửa lệ đạo
Bơm thông lệ đạo
Đặt nút điểm lệ điều trị tắc hẹp điểm lệ
Phẫu thuật mở rộng điểm lệ
Cố định tuyến lệ chính điều trị sa tuyến lệ chính
Đóng lỗ dò đường lệ
Đặt ống Silicon điều trị tắc lệ quản ngang( chưa bao gồm ống Silicon)
Tạo hình đường lệ có hoặc không có điểm lệ
Nếu không được điều trị, tắc lệ đạo mạn tính có thể tiến triển thành viêm cấp tính gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây rò, chảy mủ ra ngoài. Bệnh nhân bị tắc lệ đạo thường đau nhức nhiều, góc trong mắt bị sưng nề tấy đỏ. Vì vậy khi có triệu chứng bị kích ứng, chảy nước mắt hoặc viêm nhiễm kéo dài, người bệnh nên sớm đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám và điều trị kịp thời.
DỊCH VỤ
CẢM NHẬN KHÁCH HÀNG
BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 THĂM KHÁM MẮT MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI CAO TUỔI HUYỆN HẢI HẬU, NAM ĐỊNH