DỊCH VỤ

Danh mục gói dịch vụ

Test sắc giác

28-03-2023

1. Sắc giác là gì?

Sắc giác là một chức năng thị giác cho phép một người nhận thức được các dải màu sắc khác nhau trong cuộc sống hằng ngày dựa vào các bước sóng ánh sáng khác nhau của quang phổ nhìn thấy.

Sắc giác bình thường: Người bình thường có 3 loại tế bào nón ở võng mạc chứa các sắc tố để hấp thụ các bước sóng ánh sáng của quang phổ nhìn thấy.

  • Sắc tố đỏ hấp thụ bước sóng màu đỏ.
  • Sắc tố lục hấp thụ bước sóng màu lục.
  • Sắc tố lam hấp thụ bước sóng màu lam

2. Kiểm tra sắc giác là gì?

Kiểm tra sắc giác được thực hiện nhằm phát hiện chứng rối loạn sắc giác hay thường được gọi là bệnh mù màu. Biểu hiện đặc trưng của bệnh này là giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng phân biệt các màu sắc khác nhau.

Nguyên nhân gây bệnh:

  • Do bẩm sinh, di truyền: Người bệnh mất khả năng phân biệt các màu sắc cơ bản như xanh, vàng,...
  • Do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có khả năng làm ảnh hưởng sắc giác như thuốc tim mạch, huyết áp, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh...
  • Do biến chứng khi mắc một số bệnh mạn tính : đái tháo đường, tim mạch, alzheimer…
  • Do tuổi tác, tình trạng lão hóa: thị lực và khả năng phân biệt màu sắc cũng giảm dần khi độ tuổi tăng gây ra tình trạng mù màu ở người cao tuổi.

Rối loạn sắc giác được chia thành ba mức độ là:

  • Mù màu một phần: Người bệnh không phân biệt được một số màu sắc nhất định, trong khi những màu khác thì vẫn phân biệt được. Bao gồm ba dạng là không phân biệt được giữa màu lục, màu đỏ và màu lam.
  • Mù màu hoàn toàn: Người bệnh sẽ không có 2 hoặc cả 3 tế bào nón. Người bệnh hoàn toàn không phân biệt được giữa các màu và thậm chí thị lực của bệnh nhân còn bị suy giảm rất nhiều.
  • Loạn sắc: Tế bào nón ở những bệnh nhân này không bị ảnh hưởng hoàn toàn nên cảm nhận về màu sắc chỉ khác hơn một chút so với người bình thường.

Rối loạn sắc giác thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ. Bởi các gen gây ra các dạng mù màu phổ biến nhất nằm trên nhiễm sắc thể X. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X, do đó, khiếm khuyết ở một nhiễm sắc thể thường được nhiễm sắc thể còn lại bù đắp. Theo điều tra của một bệnh viện mắt cho thấy bệnh mù màu gặp ở 3-5% nữ và 8-10% nam giới đến khám. Trong đó chủ yếu là rối loạn sắc giác dạng mù màu một phần, mù màu hoàn toàn rất hiếm gặp.

DỊCH VỤ

3. Kiểm tra sắc giác được thực hiện như thế nào?

Để kiểm tra sắc giác, người bệnh sẽ được thực hiện các test bao gồm test định tính và test định lượng. Trong đó, test định tính giúp phát hiện bệnh nhân có các vấn đề về thị lực màu, còn test định lượng giúp xác định loại mù màu, mức độ mù màu của người bệnh.

3.1. Test mù màu định tính

Test định tính mù màu được sử dụng phổ biến nhất là Ishihara. Test này dùng để phát hiện mù màu đỏ-lục. Bao gồm những mẫu vẽ hình tròn gồm nhiều chấm xuất hiện ngẫu nhiên về màu sắc và kích thước. Một số dấu chấm trong hình vẽ tạo thành hình dạng hoặc số có từ một đến hai chữ số mà người bình thường có thể dễ dàng nhận ra được, trong khi người mù màu không thể nhìn ra hoặc nhìn ra thành một con số khác với người có sắc giác bình thường.

Để thực hiện test thị lực màu Ishihara, người bệnh sẽ được nhìn các mẫu vẽ trong điều kiện ánh sáng bình thường khi đang đeo kính chỉnh tối đa. Do test Ishihara đòi hỏi người tham gia phải nhận biết và xác định được các con số nên test này không phù hợp với trẻ còn quá nhỏ.

Các chấm tròn ngẫu nhiên xuất hiện tạo thành số hoặc hình mà người bình thường nhìn được.

3.2. Test mù màu định lượng

Test mù màu định lượng được sử dụng khi người bệnh không đo được bằng test định tính hoặc khi muốn xác định rõ hơn tình trạng mù màu. Phổ biến nhất là Lanthony D-15 và test màu Farnsworth-Munsell 100. Các test này giúp nhận định được mù màu bẩm sinh hay mù màu mắc phải. Bao gồm các khay chứa nhiều đĩa nhỏ với các màu sắc khác nhau. Mỗi khay có nhiều đĩa với một dãy màu liên quan. Người tham gia test phải sắp xếp các đĩa màu trong khay sao cho màu sau phải gần giống với màu trước nhất, tạo thành một dãy liên tục tăng dần về màu sắc. Thứ tự màu sắc người thực hiện sắp xếp càng giống với mẫu thì khả năng nhận biết màu sắc của người đó càng cao.

Test màu Farnsworth-Munsell 100.

Test màu D15 là phiên bản rút gọn của test Farnsworth-Munsell 100 nhằm mục đích phân loại mù màu, tiết kiệm thời gian hơn. Trong khi đó test Farnsworth-Munsell 100 giúp phân tích chi tiết hơn bệnh mù màu, không những phát hiện người tham gia có bị mù màu hay không mà còn xác định được loại và mức độ nghiêm trọng sự rối loạn sắc giác của họ.

Test màu Farnsworth-Munsell 100 được thực hiện ở nơi có ánh sáng gần với ánh sáng tự nhiên, người bệnh đeo kính chỉnh tối đa và được thực hiện trên nền đen để tránh môi trường xung quanh ảnh hưởng đến nhận thức về màu sắc. Các đĩa màu phải được thay thế ít nhất 2 năm/lần để tránh hiện tượng phai màu làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.

Sau khi thực hiện xong, người khám sẽ ghi lại trật tự sắp xếp màu lên tờ kết quả. Test được coi là không đạt kết quả nếu có 2 đường cắt nhau ở giữa, yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi rồi thực hiện lại. Sau khi nối các điểm với nhau, nếu xuất hiện các đường song song với trục thể hiện loại mù màu cho trước (protan, deutan, tritan) thì chứng tỏ bệnh nhân có rối loạn sắc giác màu đỏ, lục hoặc lam.

Hiện nay, các test mù màu online rất phổ biến trên mạng internet. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh của các test mù màu này có thể không đảm bảo. Do đó, để được đánh giá chính xác tình trạng rối loạn sắc giác, người bệnh nên đến khám mắt bởi bác sĩ chuyên khoa và làm test mù màu với dụng cụ chuyên nghiệp trong điều kiện ánh sáng đủ tiêu chuẩn.

Cách kiểm tra mù màu bằng hình ảnh.

4. Khi nào nên thực hiện test mù màu?

Sự ảnh hưởng của bệnh mù màu đối với khả năng làm việc của một người tùy thuộc vào công việc đối với phân biệt màu sắc. Kiểm tra sắc giác vô cùng cần thiết đối với những người làm những công việc đòi hỏi khả năng nhận biết chính xác màu sắc như nghệ sĩ thương mại, nhà thiết kế, kỹ thuật viên, nhân viên sản xuất và tiếp thị, họa sĩ, thợ điện, marketing...

Khám mắt, kiểm tra mắt định kỳ luôn là việc làm cần thiết của.

Ngoài nguyên nhân rối loạn sắc giác do bẩm sinh thì môi trường làm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, mắc các bệnh mạn tính, sử dụng lâu dài một số loại thuốc cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận biết màu sắc. Do đó, kiểm tra sắc giác trong những đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ là vô cùng cần thiết, giúp phát hiện sớm rối loạn sắc giác, người bệnh sẽ được điều trị kịp thời, tránh sự phát triển nặng của bệnh.

Đây là những test đánh giá quan trọng khả năng nhận biết màu sắc trong cuộc sống. Vì vậy bạn nên kiểm tra mắt tổng quát định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện ra mình có bị rối loạn nhận biết màu sắc không.

CẢM NHẬN KHÁCH HÀNG

Bài viết hữu ích?

Chương trình ưu đãi đang có:

 

ĐẶT HẸN NGAY HÔM NAY

HOẶC GỌI VỀ 1900 277227

DỊCH VỤ KHÁC