DỊCH VỤ

Danh mục gói dịch vụ

Tiêm nội nhãn là gì? Tại sao cần thực hiện thủ thuật tiêm nội nhãn?

15-05-2023

Tiêm nội nhãn là hình thức đưa thuốc trực tiếp vào trong mắt, thuốc xuyên qua củng mạc vào tiền phòng hoặc tiêm thuốc vào buồng dịch kính. Thuốc thấm đến võng mạc (lớp bên trong ở phía sau mắt) và đến các cấu trúc khác trong mắt của bệnh nhân.

Mô phỏng nội nhãn
Mô phỏng nội nhãn

Tiêm nội nhãn trong trường hợp nào?

Tiêm nội nhãn được bác sĩ chỉ định trong các bệnh lý về đáy mắt như:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh
  • Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc thoái hóa điểm vàng do cận thị
  • Bệnh phù hoàng điểm do tắc mạch võng mạc
  • Bệnh Glôcôm tân mạch
  • Polip hắc mạc
  • Bệnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc
  • Người mắc các bệnh lý viêm bán phần trước, viêm nội nhãn, viêm hắc võng mạc do virus
  • Viêm màng bồ đào sau kéo dài
  • Một số bệnh lý đặc biệt khác theo chỉ định của bác sĩ
Phù hoàng điểm do đái tháo đường tăng sinh
Phù hoàng điểm do đái tháo đường tăng sinh

Các loại thuốc tiêm nội nhãn

  • Các nhóm thuốc thường được dùng tiêm nội nhãn hiện nay là:
  • Nhóm kháng sinh: vancomycin, ceftazidim, amikacin, amphotericin B…
  • Nhóm chống viêm: dexamethason, triamcinolon…
  • Thuốc chống tăng sinh tân mạch: bevacizumab, pegaptanib, ranibizumab…

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng. Trong những trường hợp nặng như nhiễm trùng dịch kính (viêm nội nhãn), thuốc được tiêm vào mắt để trì hoãn sự khởi phát của tình trạng viêm nội nhãn và tiệt trùng trong khoang dịch kính.

Chống viêm

  • Dexamethasone (ozurdex) là loại corticoid được chế dạng mảnh cấy hình que, dùng một lần. Hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến 180 ngày và đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong điều trị phù hoàng điểm dạng nang (CME), phù hoàng điểm tiểu đường, và viêm màng bồ đào mắt.
  • Triamcinolone acetonide là một corticoid. Đây là thuốc dùng ngoài danh mục. Hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến 120 ngày.

Chống tăng sinh tân mạch

  • Bevacizumab (avastin) là loại thuốc kháng VEGF “ngoài danh mục” mà các bác sĩ Khoa mắt sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già và các bệnh lý đáy mắt khác.
  • Ranibizumab (lucentis) là một loại thuốc kháng VEGF; thành phần là một mảnh của kháng thể đơn dòng và đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho điều trị bệnh phù hoàng điểm tiểu đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt, và phù hoàng điểm do các bệnh lý mạch máu.

Thủ thuật tiêm thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (kháng-VEGF) hoặc corticoid vào dịch kính có thể giúp điều trị bệnh lý hoàng điểm. Bệnh nhân thường phải qua một quá trình tiêm trong hơn một năm hoặc lâu hơn nữa để việc điều trị có hiệu quả.

Mô phỏng tiêm nội nhãn
Mô phỏng tiêm nội nhãn

Đối tượng chống chỉ định tiêm nội nhãn

  • Người có tiền sử tắc mạch, đột quỵ, tăng huyết áp
  • Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng cấp tính ở mắt (trừ trường hợp tiêm khám sinh để điều trị viêm nội nhãn)
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú
  • Tùy thuộc vào loại thuốc tiêm nội nhãn mà sẽ có chống chỉ định riêng.
  • Thuốc chống viêm: chống chỉ định với bệnh nhân glôcôm nhãn áp chưa điều chỉnh.
  • Thuốc chống tăng sinh tân mạch: chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch.

Ưu và nhược điểm của phương pháp tiêm nội nhãn

Ưu điểm

  • Phương pháp này mang lại kết quả rất tích cực và đầy triển vọng, đặc biệt đối với những người bệnh ở giai đoạn sớm.
  • Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh (Anti-VEGF) còn dễ dàng thực hiện khi có các yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị bằng laser như: sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể hoặc xuất huyết dịch kính.
  • Bệnh nhân có thể thực hiện tiêm và ra về trong cùng một ngày

Nhược điểm

  • Với phương pháp điều trị tiêm nội nhãn, bệnh nhân thường phải trải qua một quá trình tiêm lâu dài với nhiều mũi tiêm để việc điều trị đạt được hiệu quả.
  • Mặc dù hiếm gặp, nhưng một số biến chứng tại mắt có thể xảy ra đối với bệnh nhân tiêm nội nhãn như chảy máu, mắt đỏ nhẹ, tuy nhiên triệu chứng này có thể tự khỏi sau khoảng 5 ngày. Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn gây viêm mắt, lúc này bác sĩ sẽ dùng thuốc kháng viêm để điều trị. Ngoài ra còn có thể làm tăng nhãn áp, viêm nội nhãn nhưng với tỉ lệ hiếm.

Quy trình tiêm nội nhãn

  • Bước 1: Sát trùng mắt bằng dung dịch sát khuẩn
  • Bước 2: Nhỏ tê bề mặt
  • Bước 3: Sử dụng dụng cụ để cố định mắt
  • Bước 4: Sử dụng kim tiêm và kỹ thuật tiêm tương ứng để bơm thuốc vào tiền phòng hoặc vào buồng dịch kính
  • Bước 5: Rút kim, có thể dùng tăm bông vô trùng ấn ngay tại vết tiêm để tránh thuốc trào ngược ra ngoài.

Thời gian thực hiện tiêm nội nhãn chỉ trong khoảng 1 phút, tuy nhiên trước đó bệnh nhân cần thực hiện các bước chuẩn bị trước tiêm, do đó toàn bộ quá trình sẽ kéo dài khoảng 30 phút.

Quá trình tiêm diễn ra nhanh chóng, bệnh nhân có thể về ngay trong ngày
Quá trình tiêm diễn ra nhanh chóng, bệnh nhân có thể về ngay trong ngày

Tiên lượng sau tiêm nội nhãn

Sau tiêm, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng tại mắt như sau:

Hiện tượng không nguy hiểm

  • Mắt hơi tức nhẹ: hết sau 1 giờ
  • Mắt mờ tạm thời: ngày hôm sau sẽ nhìn lại như trước khi tiêm
  • Xuất huyết kết mạc: chảy máu tại vị trí kim tiêm đâm vào mắt. Hết trong 2-3 tuần.
  • Bong bóng trong mắt: hết sau 3-5 ngày

Hiện tượng nguy hiểm

Người bệnh cần liên hệ ngay với bệnh viện để được hỗ trợ hoặc tái khám ngay để kiểm tra kịp thời khi có một trong các biểu hiện dưới đây:

  • Đau nhức trong mắt không hết sau 1-2h
  • Nhìn mờ kéo dài
  • Chói mắt, sợ ánh sáng
  • Ruồi bay nhiều
  • Mắt đỏ kèm nhiều dử mắt

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng đối với thuốc của từng bệnh nhân mà thuốc có thể phát huy hiệu quả sau 1 tuần hoặc lâu hơn. Hiệu quả điều trị chỉ có thể duy trì và đạt mức độ tối ưu nhất khi bệnh nhân tuân thủ lộ trình điều trị. Lộ trình bao gồm nhiều mũi tiêm được lên lịch tùy thuộc vào diễn biến bệnh và mức độ của bệnh.

Lập tức đi khám khi có dấu hiệu đau nhức không thuyên giảm
Lập tức đi khám khi có dấu hiệu đau nhức không thuyên giảm

Lưu ý trước và sau khi tiêm

Lưu ý trước tiêm

  • Do tác dụng của thuốc nhỏ giãn đồng tử và phản ứng sau tiêm, bệnh nhân có thể sẽ khó nhìn trong một khoảng thời gian. Vì vậy, người bệnh được khuyến cáo không tự lái xe trong ngày tiêm.
  • Không trang điểm vùng mắt trong ngày tiêm.
  • Không uống rượu trong ngày tiêm.
  • Nếu đang sử dụng kính áp tròng, vui lòng ngừng đeo tối thiểu 03 ngày trước khi tiêm nội nhãn.
  • Người bệnh có thể ăn uống và duy trì các loại thuốc đang sử dụng bình thường.

Lưu ý sau khi tiêm

  • Bệnh nhân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tắm gội và rửa mặt: bệnh nhân được khuyến cáo tránh để nước rơi vào mắt trong ngày tiêm, do vậy không nên gội đầu, rửa mặt để nước rơi vào mắt, nên tắm từ cổ xuống trong ngày tiêm. 01 ngày sau tiêm, bệnh nhân có thể tắm gội, rửa mặt bình thường.
  • Trang điểm: bệnh nhân có thể trang điểm phấn nền và lông mày vào 1 ngày sau tiêm, trang điểm vùng mắt chỉ nên thực hiện sau 3 ngày kể từ ngày tiêm.
  • Đọc sách, xem TV: sau tiêm người bệnh có thể đọc sách và xem TV bình thường, lưu ý cho mắt nghỉ ngơi hợp lý để tránh mỏi mắt.
  • Làm việc: với các công việc bàn giấy, bệnh nhân có thể làm việc bình thường ngay ngày hôm sau. Hạn chế làm các công việc nặng nhọc có thể khiến bạn phải gắng sức.
  • Thể dục: ngay sau ngày tiêm, người bệnh có thể tập thể dục nhẹ nhàng. Với các hoạt động nặng như tập gym, bơi lội, tennis, yoga, chạy bộ… chỉ nên thực hiện sau 3 ngày kể từ ngày tiêm.
  • Ăn uống: người bệnh có thể ăn uống và sử dụng các loại thuốc đang dùng như bình thường, hạn chế uống rượu bia trong vòng 4 ngày kể từ ngày tiêm.

Tiêm nội nhãn là phương pháp được sử dụng để điều trị các bệnh lý võng mạc. Cơ chế tiêm trực tiếp vào nội nhãn giúp đạt nồng độ thuốc tối đa trong nhãn cầu và hạn chế các tác dụng của thuốc lên toàn thân. Tại bệnh viện Mắt Hà Nội 2, các bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá và cho bệnh nhân biết là bệnh nhân có phù hợp với thủ thuật tiêm nội nhãn hay không. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ là người quyết định chấp thuận hoặc từ chối việc tiến hành thủ thuật này. Vì vậy người bệnh cần thăm khám kĩ lưỡng để có hướng xử trí phù hợp.

DỊCH VỤ

CẢM NHẬN KHÁCH HÀNG

Bài viết hữu ích?

Chương trình ưu đãi đang có:

ĐẶT HẸN NGAY HÔM NAY

HOẶC GỌI VỀ 1900 277227

DỊCH VỤ KHÁC