DỊCH VỤ

Danh mục gói dịch vụ

Viêm kết mạc có giả mạc? Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị

28-04-2023

Kết mạc mắt bao gồm kết mạc nhãn cầu (là lớp màng mỏng trong suốt ở bề mặt lòng trắng) và kết mạc mi (là lớp niêm mạc lót bên trong mi trên và mi dưới). Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân gây ra gọi là bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân hè, có thể lây lan thành dịch. Bệnh có thể điều trị và phòng tránh được.

Viêm kết mạc có giả mạc là một trong những bệnh lý về mắt phổ biến có thể bắt gặp ở mọi đối tượng. Bệnh tiến triển nặng có thể ảnh hưởng đến thị lực và việc điều trị thường không dễ dàng. Nhiều trường hợp phải thực hiện bóc tách giả mạc, khiến không ít người bệnh hoang mang, lo lắng. Vậy viêm kết mạc giả mạc là gì? Dấu hiệu bệnh ra sao? Điều trị bệnh như thế nào? Cùng tham khảo những chia sẻ trong bài viết dưới đây để rõ hơn.

Viêm kết mạc có giả mạc là gì?

Bệnh viêm kết mạc có giả mạc là tình trạng khi bệnh viêm kết mạc có chiều hướng nặng thêm. Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt, lật mi lên có thể quan sát được. Giả mạc có thể gây chảy máu, sưng mắt, khiến bệnh sẽ diễn biến phức tạp nếu không được bóc tách. Do đó, một khi bị viêm kết mạc có giả mạc người bệnh không nên chủ quan, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Viêm kết mạc có giả mạc thực chất là bệnh viêm kết mạc nặng

Các nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc có giả mạc bao gồm:

  • Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là Adenovirus. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân.
  • Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, Hemophilus influenza,... bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vận dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.
  • Do tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phân hoa, thuốc,...): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa. Không lây và muốn điều trị dứt điểm phải tìm được tác nhân gây dị ứng.

Dấu hiệu nhận biết viêm kết mạc có giả mạc

  • Mắt đỏ nhiều, kèm theo ghèn mắt, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do gỉ dính chặt
  • Cộm trong mắt
  • Bệnh nhân bị viêm kết mạc có giả mạc thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai.
  • Trẻ nhỏ bị viêm kết mạc có giả mạc thường kèm ho sốt, viêm đường hô hấp trên. Kết mạc đỏ ngầu, mắt ra gỉ nhiều, đôi khi ứa nước hồng như máu làm các bậc cha mẹ rất hoảng sợ. Khi lật mi lên thấy có một lớp màng trắng bao phủ, đây chính là giả mạc.

Viêm kết mạc có giả mạc nguy hiểm không?

Viêm kết mạc có giả mạc khiến mắt của người bệnh sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc tra không ngấm vào được, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém. Trong khoảng thời gian mắc bệnh, đời sống, công việc bị ảnh hưởng rất nhiều do sức khỏe của mắt bị suy giảm.

Bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu giả mạc không được bóc đi, khi giả mạc bị xơ hóa, co rút lại làm cho bề mặt kết mạc mi dúm dó, gây cạn cùng đồ làm mắt khó liếc nhìn về các phía. Do vậy cần có sự can thiệp của bác sĩ giúp bóc lớp màng giả mạc. Sau khi lớp giả mạc được bóc ra, thuốc nhỏ mắt sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khiến bệnh nhanh khỏi hơn.

Không dừng lại ở đó, viêm kết mạc có giả mạc nếu không được điều trị đúng cách, để bệnh kéo dài có thể gây biến chứng loét giác mạc dễ để lại sẹo gây giảm thị thực. Do đó, người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám sớm, điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị viêm kết mạc có giả mạc

Khi bị viêm kết mạc có giả mạc, những biểu hiện ở mắt cùng cảm giác khó chịu do bệnh gây ra khiến không ít người bệnh mệt mỏi, cảm thấy lo lắng. Viêm kết mạc có giả mạc có thể khỏi sau khoảng 10 ngày can thiệp điều trị bóc giả mạc, nhiều trường hợp có thể can thiệp bóc giả mạc 2 - 3 lần. 

Bóc lớp màng giả mạc là cách hỗ trợ điều trị viêm kết mạc có giả mạc tối ưu nhất hiện nay. Vì lớp giả mạc thường bít vào mặt sau mắt làm cho thuốc không ngấm vào được, có thể khiến bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài và lâu khỏi nếu không được bóc đi.

  • Bác sỹ cần nhỏ thuốc tê sau đó bóc giả mạc. Giả mạc nên được lấy ra để rút ngắn thời gian điều trị, giúp mắt mau lành hơn. 
  • Trong khi tiến hành bóc giả mạc có thể chảy máu nhẹ khi lột, cảm giác khó chịu hay cộm xốn trong vài ngày. Bệnh nhân được cho nhỏ thuốc kháng sinh và kháng viêm cho đến khi bề mặt mắt lành hoàn toàn. 

Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc không đúng chỉ định vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Đã có không ít trường hợp chỉ vì dùng thuốc không đúng mà mắt sau đó bị biến chứng thành viêm loét giác mạc, thị lực ảnh hưởng nặng nề.

Phòng ngừa viêm kết mạc nói chung và viêm kết mạc có giả mạc nói riêng

  • Do mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường vài ngày nên cần cách ly người bị mắc bệnh. Người bệnh có thể là nguồn lây tiếp tục sau khi khỏi bệnh một tuần.
  • Che miệng và mũi khi hắt hơi, không dụi mắt.
  • Tránh chạm vào vùng mắt và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi sử dụng các loại thuốc để nhỏ mắt.
  • Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay, vứt bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Trẻ nhỏ cần được vệ sinh tắm rửa bằng chậu riêng, khăn riêng. Lưu ý khăn mặt, khăn tắm cần giặt sạch bằng xà phòng, đem phơi nắng để tiêu diệt vi khuẩn, virus gây bệnh.
  • Súc miệng hàng ngày bằng nước muối hoặc các nước súc miệng khác. Nhỏ nước muối 0,9% vào mắt hàng ngày.
  • Khử trùng các bề mặt như bàn ăn, bồn tắm, bồn rửa mặt và tay nắm cửa để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.
  • Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc dùng thuốc của người khác để nhỏ mắt khi bị bệnh. Không tự đắp lá dâu, lá trầu,… vào mắt vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.
  • Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi bệnh viêm kết mạc đã được chữa khỏi. Việc trang điểm mắt và sử dụng các loại kem mỹ phẩm cũng nên tránh vùng mắt cho đến khi các triệu chứng của đau mắt đỏ không còn.
  • Khi có triệu chứng bất thường ở mắt như cộm, ra nhiều ghèn, đỏ mắt… cần đi khám ngay. Sử dụng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, không dùng chung thuốc với người khác, tránh lây nhiễm chéo.
  • Ăn uống đủ chất, uống đủ nước, tăng cường bổ sung dinh dưỡng như các vitamin C, vitamin A từ rau quả.
  • Nên mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài đường, đặc biệt là những nơi ô nhiễm khói bụi.
Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài đường tránh viêm nhiễm mắt

Bệnh nhân bị viêm kết mạc có giả mạc sẽ được các bác sĩ chỉ định bóc giả mạc. Tại bệnh viện Mắt Hà Nội 2, chi phí cho dịch vụ này là 200.000 VNĐ cho 1 lần sử dụng.

Viêm kết mạc là bệnh phổ biến thường gặp hiện nay. Nhìn chung thường không ảnh hưởng đến thị lực, tuy nhiên nếu không điều trị đúng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc dễ để lại sẹo dẫn tới giảm thị lực lâu dài.Vì vậy khi phát hiện có các triệu chứng hay dấu hiệu lạ ở mắt, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có thể điều trị kịp thời và nhanh chóng, tránh bệnh nặng hơn hoặc lây lan ra người xung quanh.

DỊCH VỤ

CẢM NHẬN KHÁCH HÀNG

Bài viết hữu ích?

Chương trình ưu đãi đang có:

 

ĐẶT HẸN NGAY HÔM NAY

HOẶC GỌI VỀ 1900 277227

DỊCH VỤ KHÁC