THÔNG TIN CẦN BIẾT

Trẻ em bị mắt lác: Cách nhận biết, phương pháp điều trị

13-05-2023 - Tác giả:   Đình Quang Huy   - Tham vấn y khoa:   BsCK1 Nguyễn Thị Thúy Nga
Lác mắt ở trẻ em có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, sức khỏe, khả năng tập trung cũng như tính thẩm mỹ trên khuôn mặt trẻ. Bệnh mắt lác ở trẻ càng được phát hiện sớm và có hướng can thiệp y khoa phù hợp thì cơ hội khỏi bệnh, khả năng gìn giữ thị lực tốt càng cao.

Tìm hiểu về bệnh mắt lác ở trẻ em

Lác mắt ở trẻ em là bệnh nhãn khoa thường gặp khiến cho hai mắt không thể nhìn sự vật cân đối theo cùng một hướng. Nhãn cầu bị lệch không về được chính giữa khi trẻ nhìn thẳng hay nói cách khác là mắt không thể tập trung vào cùng một vật thể ở một thời điểm. Trẻ bị mắt lác đa phần liên quan đến di truyền từ người thân trong gia đình.

Mắt lác ở trẻ em không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực của trẻ. Theo thống kê ở Việt Nam có tới 70% trẻ bị lác kèm theo các tật khúc xạ khác.

Mắt lác ở trẻ em
Trẻ bị mắt lác đa phần liên quan đến di truyền từ người thân trong gia đình

Khi trẻ bị lác, hiện tượng ức chế một mắt xuất hiện, dù hai mắt vẫn mở bình thường nhưng thực tế chỉ có một mắt nhìn được, mắt kia không được điều tiết sẽ kém dần đi. Mắt lác ở trẻ nếu được phát hiện quá muộn, mọi can thiệp y tế, phẫu thuật chỉ giúp bé tìm lại sự cân bằng hai mắt chứ không thể giúp phục hồi thị lực như ban đầu.

Trẻ bị mắt lác có nguy hiểm không?

Mắt lác ở trẻ không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây suy giảm thị lực, biến chứng sang nhược thị, thậm chí là mù lòa vĩnh viễn nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp. Trẻ bị mắt lác có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm như:

  • Suy giảm thị lực, mắt kém gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
  • Gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt, trẻ đi học sẽ thiếu tự tin, ngại giao tiếp với bạn bè.
  • Lác mắt khiến khả năng tập trung của trẻ kém đi, tiếp thu kiến thức kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
  • Ở giai đoạn nặng, lác mắt có thể biến chứng sang nhược thị là một trong các bệnh về mắt ở trẻ em có thể gây suy giảm thị lực không thể điều chỉnh được bằng việc dùng kính.
  • Mất thị lực hai mắt là hậu quả sau cùng của lác mắt mà trẻ có thể phải đối diện.
Trẻ bị mắt lác có nguy hiểm không?
Mắt lác ở trẻ không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mĩ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây suy giảm thị lực

Ngoài ra, hiện tượng mắt lác còn khiến cho trẻ cảm thấy tự ti về bản thân, e ngại những ánh nhìn hay khi giao tiếp với người khác, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, tâm lý của trẻ. Cha mẹ cần nắm bắt, động viên, chia sẻ, giúp tâm lý trẻ về đúng quỹ đạo.

Nguyên nhân khiến trẻ bị mắt lác

Mắt lác ở trẻ xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ vận nhãn. Theo giải phẫu học, mắt của chúng ta có tất cả sáu cơ vận nhãn gồm bốn cơ thẳng và hay cơ chéo bám xung quanh mắt. Khi quan sát sự vật, các cơ này sẽ phối hợp nhịp nhàng, đống bộ, di chuyển đều theo các hướng.

Vì một nguyên do nào đó khiến cơ vận nhãn bị thương tổn, mất đi sự phối hợp nhịp nhàng khiến cho hai mắt mất đi sự cân bằng, không nhìn về được cùng một hướng. Chuyên gia lý giải, hiện tượng trẻ bị mắt lác có thể do:

  • Bẩm sinh, di truyền, trẻ sinh ra đã xuất hiện bất thường này ở mắt, các biểu hiện rõ rệt trong vòng sáu tháng đầu. Nếu tiền sử gia đình có người thân, đặc biệt là cha mẹ bị lác hay rối loạn thị giác thì đứa trẻ sinh ra sẽ đối diện với nguy cơ cao.
  • Lác mắt ở trẻ có thể là biến chứng của các tật khúc xạ khác ở mắt như cận thị hay viễn thị. Do yếu tố điều tiết, quy tụ ở mắt bị rối loạn, lâu dần khiến mắt trẻ bị lác.
  • Trẻ sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân thường có nguy cơ gặp phải các bệnh ở mắt cao hơn bình thường.
  • Một số hội chứng, bệnh lý do di truyền ở trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ như: Hội chứng Down, não úng thủy... có thể gây ra các bất thường ở mắt như bệnh lác.
  • Trẻ gặp phải thương tổn ở dây thần kinh sọ não 3, 4, 6.
  • Sự phân bố, phát triển của nhóm cơ vận nhãn không đều, gây ra những bất thường trong cấu trúc mắt.
  • Trẻ bị dị dạng hốc mắt hoặc cơ yếu...
Nguyên nhân khiến trẻ bị mắt lác
Vì một nguyên do nào đó khiến cơ vận nhãn bị thương tổn, mất đi sự phối hợp nhịp nhàng

Dấu hiệu và cách phát hiện trẻ bị mắt lác

Dấu hiệu điển hình của tình trạng mắt lác ở trẻ là quan sát thấy hai mắt của bé lệch nhau, cùng với đó là những biểu hiện lâm sàng đặc trưng khác có thể nhận biết bằng cách quan sát hoặc thực hiện một số bài test để kiểm tra.

Biểu hiện mắt lác ở trẻ

  • Trẻ hay nheo mắt hoặc phải liếc mắt khi quan sát vật thể ngay phía trước mắt.
  • Trẻ thường than mỏi mắt, nhức mắt.
  • Hai mắt trẻ có thị lực không đều, mắt lác thường nhìn mờ hơn mắt bình thường.
  • Có biểu hiện nhìn lệch, nhìn nghiêng, nghiêng đầu sang một bên khi quan sát sự vật.
  • Quan sát trực diện thấy hai mắt trẻ không đối xứng
Dấu hiệu điển hình của tình trạng mắt lác ở trẻ
Dấu hiệu điển hình của tình trạng mắt lác ở trẻ là quan sát thấy hai mắt của bé lệch nhau

Cách nhận biết trẻ bị lác mắt

Trẻ em thường ít than phiền về vấn đề thị lực, nhất là trẻ nhỏ chưa thể ý thức được những bất thường về thị giác của mình nên cha mẹ cần tập trung, quan sát con thông qua những hoạt động, sinh hoạt thường ngày để kịp thời phát hiện những bất thường ở mắt trẻ. Một số cách nhận biết mắt lác ở trẻ như:

  • Khả năng tập trung của trẻ kém, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu kiến thức, kết quả học tập giảm sút
  • Bé đi lại hay bị vấp ngã, hậu đậu.
  • Trẻ không có phản ứng với ánh sáng, không thể tập trung được vào một món đồ chơi, quan sát thấy mắt bé bị lệch sang một bên.
  • Bạn có thể quan sát mắt con bằng cách đưa bé một món đồ chơi mà bé thích. Khi trẻ tập trung nhìn vào món đồ chơi đó, bạn để ý nếu thấy hai mắt con lệch nhau thì nguy cơ cao trẻ đã bị lác.
  • Bạn có thể thử bằng bài test khác là đưa cho trẻ hai cây bút chì và hướng dẫn con xếp thẳng hàng dọc. Nếu việc đơn giản này gây khó khăn cho bé thì rất có thể mắt trẻ đã có vấn đề.
Dấu hiệu điển hình của tình trạng mắt lác ở trẻ là quan sát thấy hai mắt của bé lệch nhau

Trẻ không có phản ứng với ánh sáng, không thể tập trung được vào một món đồ chơi

Mắt lác ở trẻ em có chữa được không?

Mắt lác ở trẻ em được phát hiện càng sớm và có biện pháp y khoa can thiệp phù hợp với từng trường hợp cụ thể thì khả năng hồi phục càng cao. Mục tiêu trị lác mắt ở trẻ là nhằm bảo toàn chức năng hợp thị của hai mắt, ngăn chặn nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn ở mắt trẻ.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa uy tín, để bác sĩ khám mắt cho bé, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, mỗi trẻ sẽ có phác đồ trị bệnh khác nhau. Cụ thể:

Luyện tập cơ mắt, che mắt

Các bài tập, luyện cơ mắt có tác dụng phục hồi chức năng thị giác của hai mắt. Chỉ cần 30 phút mỗi ngày, thực hiện một số bài tập đơn giản có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng lác mắt hiệu quả. Một số bài tập như:

  • Cho trẻ tập trung nhìn vào một vật gì đó, sau đó để bé nhìn vào khoảng không rộng lớn. Thực hiện liên tiếp khoảng 10 đến 15 phút. Bài tập này giúp mắt trẻ đỡ mỏi, kích thích thị giác.
  • Che một bên mắt tốt của trẻ lại trong một khoảng thời gian nhất định để mắt bị lác tập trung hoạt động, tránh tình trạng lười nhìn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho trẻ dưới 7 tuổi, trẻ lớn hơn không mang lại hiệu quả nữa do bé đã quen và thích nghi với việc không nhìn bên mắt đó nữa.
Luyện tập cơ mắt, che mắt
Các bài tập, luyện cơ mắt có tác dụng phục hồi chức năng thị giác của hai mắt

Đeo kính hoặc dùng lăng kính

Trường hợp trẻ bị lác nhẹ hoặc mới bị lác do biến chứng của tật khúc xạ ở mắt có thể hỗ trợ tầm nhìn cho trẻ bằng việc đeo kính. Nếu trẻ đã đeo kính rồi cần chỉnh độ ở mắt kính cho phù hợp.

Đeo kính hoặc dùng lăng kính
Trường hợp trẻ bị lác nhẹ hoặc mới bị lác do biến chứng của tật khúc xạ ở mắt

Phẫu thuật để chỉnh lại cơ vận động mắt

Trường hợp trẻ bị lác nặng hoặc bé trên 7 tuổi mới phát hiện bệnh cần được tiến hành phẫu thuật để tránh nhược thị hoặc rối loạn thị giác ở hai mắt. Mổ lác giúp điều chỉnh lại cơ vận nhãn không cân bằng. Đặc biệt ở những trẻ bị lác dai dẳng, phẫu thuật càng sớm cơ hội phục hồi thị lực hoặc tăng cường thị lực cho đôi mắt trẻ càng lớn.

Trước khi mổ lác, trẻ cần được điều chỉnh tật khúc xạ đầy đủ (nếu có). Nếu lác mắt đã biến chứng sang nhược thị thì cần phải khắc phục tình trạng nhược thị trước đến khi thị lực hai mắt bằng nhau, lác chuyển thành lác luân phiên mới có thể tiến hành phẫu thuật lác. Nếu trẻ bị lác bẩm sinh, nên tiến hành phẫu thuật khi trẻ ở độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi.

Phẫu thuật để chỉnh lại cơ vận động mắt
Trường hợp trẻ bị lác nặng hoặc bé trên 7 tuổi mới phát hiện bệnh cần được tiến hành phẫu thuật

Phẫu thuật giúp chỉnh lại độ lệch của trục nhãn cầu tuy lâu dài và tương đối tốn kém nhưng là phương pháp hiệu quả hàng đầu giúp trị lác mắt ở trẻ em. Sau mổ lác, trẻ cần tích cực tập luyện giúp khôi phục thị lực hai mắt, có chế độ chăm sóc, bảo vệ mắt tốt, tránh nguy cơ bị tái lác.

Ngoài ra, các phương pháp can thiệp y khoa với lác mắt có thể khiến trẻ thấy đau và sợ hãi, phụ huynh nên thường xuyên an ủi, vỗ về giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phẫu thuật giúp chỉnh lại độ lệch của trục nhãn cầu

Tóm lại, bài viết trên đây đã tổng hợp cho bạn đọc các kiến thức liên quan đến bệnh lác mắt ở trẻ em. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Nếu còn thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp thêm hãy nhắn tiên hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN