THÔNG TIN CẦN BIẾT

Mắt kém: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị

09-05-2023 - Tác giả:   Hải Yến   - Tham vấn y khoa:   PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu
Mắt kém là vấn đề về thị lực phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân có thể do đôi mắt của bạn đang mắc phải tật khúc xạ hoặc các bệnh lý khác về mắt, ở một số người còn do biến chứng của các bệnh lý toàn thân gây nên. Khi nhận thấy tình trạng mắt kém dần bạn cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để thăm khám mắt, tìm ra nguyên nhân để có các biện pháp điều trị kịp thời, phục hồi thị lực.
mắt kém
Mắt kém là một vấn đề về thị lực phổ biến

Mắt kém là gì?

Mắt kém là tình trạng suy giảm thị lực, khả năng nhìn bị giảm sút, mờ dần đến một mức độ nào đó. Mắt lúc này sẽ nhìn mờ, không rõ hoặc không thể nhìn tập trung được vào một vật thể.

mắt kém là gì?
Mắt kém làm khả năng nhìn bị giảm sút

Mắt kém là tình trạng phổ biến nhất ở những người mắc phải các tật khúc xạ về mắt như: Cận thị, loạn thị, viễn thị hay lão thị. Những rối loạn về mắt này có thể được khắc phục bằng cách đeo kính, uống thuốc hay phẫu thuật.

Mắt kém có thể là cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm khác về mắt như: Đục thủy tinh thể, glocom, thoái hóa điểm vàng, bong võng mạc... Các bệnh lý về mắt khiến mắt nhìn kém dần theo thời gian. Các bệnh lý về mắt này nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, tùy vào loại bệnh có thể giúp phục hồi thị lực hoàn toàn hoặc giúp duy trì khả năng thị lực còn lại.

Mắt kém cũng có thể là biến chứng của bệnh lý toàn thân khác để lại như: U não, tiểu đường, huyết áp, viêm xoang... Ở nhiều người thường bắt gặp tình trạng mắt phải kém hơn mắt trái hoặc ngược lại, 2 mắt bị kém không đều nhau.

Dấu hiệu mắt nhìn kém có nguy hiểm không?

Mắt bị suy giảm thị lực cần phải được để ý, theo dõi thường xuyên. Nếu tình trạng ngày càng gia tăng nặng, mắt nhìn mờ dần theo thời gian bạn cần đi khám mắt tổng quát về mắt để tìm ra nguyên nhân, có cách điều trị phù hợp. Vì thực tế, tình trạng mắt kém dần nếu không do quá trình lão hóa tự nhiên thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nên bạn phải cẩn thận.

Vì mắt kém vốn là tình trạng phổ biến thường gặp nên tâm lý nhiều người rất chủ quan và không để ý. "Dạo này mắt mũi kém quá" câu nói quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn thường nghe từ những người cao tuổi, đôi khi ở cả những người trẻ tuổi cũng thấy những lời than vãn này. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là do tuổi tác, do đề mắt làm việc nhiều quá... nên mắt bị kém đi là điều bình thường.

mắt kém có nguy hiểm không?
Dấu hiệu mắt nhìn kém cần được để ý, theo dõi thường xuyên

Không chỉ là cảnh báo những bệnh về mắt mà mắt kém còn có thể do những bệnh lý toàn thân khác gây nên. Vì vậy bạn không được chủ quan, cần theo dõi mắt cẩn thận, để mắt được nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu tình trạng không thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng cấp độ nặng hơn bạn cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được tư vấn, điều trị kịp thời.

11 nguyên nhân phổ biến khiến mắt nhìn kém

Tình trạng mắt kém có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau cấu thành nên. Việc phát hiện ra nguyên nhân chính xác khiến mắt nhìn kém rất quan trọng, nó sẽ giúp người bệnh khắc phục hiệu quả tình trạng khó chịu này, có phương pháp điều trị phù hợp để không làm bệnh gia tăng cấp độ nặng, ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Dưới đây sẽ là 11 nguyên nhân phổ biến nhất làm mắt kém thị lực.

1. Do mắc các tật khúc xạ

Các tật khúc xạ mắt như: Cận thị, loạn thị, viễn thị, lão thị... thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng mắt kém. Khi ánh sáng không thể hội tụ hoàn toàn trên võng mạc, đường cong của mắt cản trở ánh sáng đi vào võng mạc khiến mắt nhìn mờ.

Các tật khúc xạ về mắt này có thể được khắc phục đơn giản bằng phương pháp đeo kính hoặc phẫu thuật. Bạn chỉ cần đi thăm khám định kỳ, thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh, đeo kính, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, việc đeo kính thường gây nhiều bất tiện nên xu hướng nhiều người bệnh lựa chọn điều trị các tật khúc xạ mắt bằng phương pháp phẫu thuật Laser LASIK để khắc phục tình trạng mắt kém.

mắt kém do tật khúc xạ
Các tật khúc xạ thường làm mắt nhìn kém

2. Do đục thủy tinh thể

Bệnh lý đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới. Mắt nhìn kém dần đi do thể thủy tinh bị vẩn đục giống như một tấm kính trong suốt bị bám đầy bụi hoặc sương mù bao phủ. Khi thủy tinh thể bị đục, ánh sáng khó truyền qua để đi vào võng mạc khiến hình ảnh thu về bị mờ, nhòe, thị lực giảm sút.

Bệnh lý này phần lớn do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra có thể do biến chứng của các bệnh lý toàn thân khác, môi trường sống, rối loạn di truyền, chấn thương mắt... Đục thủy tinh thể thường diễn biến chậm,giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ, mắt nhìn kém đi nhưng không nhiều nên rất ít người phát hiện ra.

đục thủy tinh thể khiến mắt nhìn kém
Mắt nhìn kém do bạn đang mắc bệnh đục thủy tinh thể

Khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng, mắt kém dần người bệnh mới phát hiện ra. Hiện nay phương pháp phẫu thuật thay thế thủy tinh thể bị đục bằng thủy tinh thể nhân tạo là phương pháp phổ biến nhất có thể điều trị dứt điểm bệnh lý này, giúp khôi phục thị lực cho người bệnh.

3. Do tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp thường được bác sĩ gọi là kẻ trộm thầm lặng vì nó có thể đánh cắp dần thị lực của người bệnh. Bệnh lý này có thể khiến mắt nhìn kém đi đột ngột, và mất thị lực dần thậm chí là vĩnh viễn mà không thể khôi phục lại được.

Tăng nhãn áp xảy ra khi áp suất trong nhãn cầu tăng cao gây ra những thương tổn cho dây thần kinh thị giác khiến mắt nhìn kém dần. Bệnh lý này thường cũng diễn biến chậm, hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, dùng thuốc hay phẫu thuật cũng chỉ giúp duy trì sự ổn định của nhãn áp, hạn chế sự gia tăng cấp độ nặng của bệnh mà thôi.

tăng nhãn áp làm mắt kém
Tăng nhãn áp khiến mắt kém dần

4. Do thoái hóa điểm vàng

Bệnh lý này thường gặp ở những người cao tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Những người già trên 65 tuổi thường có nguy cơ cao mắc phải. Thoái hóa điểm vàng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực trung tâm của mắt, khiến mắt bệnh nhân nhìn kém đi, đặc biệt là vùng nhìn thấy ở trung tâm sẽ bị mờ, méo mó và có thể thay đổi về màu sắc của đồ vật gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.

Thoái hóa điểm vàng không có cách điều trị dứt điểm, mọi biện pháp điều trị như uống thuốc hay phẫu thuật chỉ giúp làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh lý. Trong một số trường hợp có thể giúp cải thiện tình trạng mắt kém.

mắt kém do thái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng khiến mắt kém thị lực

5. Do bị đau mắt đỏ

Bệnh lý này có tên gọi theo y khoa là viêm kết mạc, thường do virus Adenovirus hoặc nhiễm trùng gây nên khiến lớp màng bao phủ xung quanh nhãn cầu và mí mắt bên trong bị viêm. Bệnh lý này có nguy cơ lây nhiễm với tất cả mọi người nếu vô tình tiếp xúc với dịch mắt tiết ra của người bệnh.

Bệnh lý này thường gặp nhiều nhất vào thời điểm mùa mưa, nếu nhiễm trùng có thể lây lan tạo thành dịch tại những khu vực tập trung đông người. Triệu chứng thường gặp là mắt kém, sưng đỏ, nước mắt liên tục chảy, nhức mắt khiến người bệnh khó chịu vô cùng. Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, nếu được điều trị kịp thời, đúng cách có thể hết trong 7- 10 ngày.

đau mắt đó làm mắt kém
Viêm kết mạc là một trong những nguyên nhân khiến mắt kém

6 Do bị nhiễm trùng mắt

Nhiễm trùng mắt có thể được cấu thành từ rất nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như đeo kính áp tròng sai cách, vệ sinh không đúng cách cũng dễ khiến mắt bị nhiễm trùng, thậm trí làm hỏng giác mạc. Hoặc nhiễm trùng mắt có thể do virus herpes gây ra, khi bạn vô tình chạm vào một vết loét ở trên da rồi đưa vào mắt có thể hình thành bệnh rồi.

Khi mắt bị chấn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập vào cơ thể cũng có thể gây nhiễm trùng cho mắt. Và mắt nhìn kém, sưng, đau thường là những biểu hiện rõ nét của tình trạng nhiễm trùng. Với bệnh lý này, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt kết hợp với kháng sinh để điều trị dứt điểm.

mắt kém do nhiễm trùng
Mắt nhìn kém đi do bị nhiễm trùng

7. Do mắt bị dị ứng

Tình trạng mắt bị dị ứng thực chất là phản ứng lại của hệ miễn dịch để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như: Thời tiết, khói bụi, vi khuẩn, hóa chất, phấn hoa...hay khi bạn ăn phải một đồ ăn lạ nào đó gây nên. Phản ứng của cơ thể lúc này đều nhằm chống lại các dị nguyên có hại trên và vô tình để lại cảm giác khó chịu cho mắt.

Dị ứng mắt có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào với các triệu chứng phổ biến như: Ngứa ngày, bỏng rát, chảy nước mắt nhiều, sưng tấy... khiến cho mắt nhìn kém. Tình trạng này nếu không được kịp thời xử lý, điều trị có thể tiến triển thành một số bệnh lý nguy hiểm hơn như: Viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng...

mắt bị dị ứng nên nhìn kém
Mắt bị dị ứng khiến bạn nhìn kém

Khi gặp phải các triệu chứng trên không nên tự xử lý y tế tại nhà, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.

8. Do biến chứng của các bệnh lý toàn thân khác

Một số bệnh lý toàn thân có nguy cơ cao gây ra tình trạng mắt kém như:

  • Tiểu đường: Lượng đường trong máu tăng cao dần theo thời gian có thể gây ra các biến chứng, bệnh lý nguy hiểm ở mắt như: Đục thủy tinh thể, võng mạc đái tháo đường... Đường huyết cao sẽ làm hỏng các mạch máu nhỏ ở võng mạc, cuối cùng dẫn đến mù lòa. Người bị bệnh tiểu đường nên đi thăm khám mắt định kỳ, thường xuyên để phòng tránh các nguy cơ biến chứng hoặc kịp thời điều trị để phòng tránh thương tổn vĩnh viễn.
  • Huyết áp: Bệnh lý huyết áp cao có thể gây ra một số cơn đột quỵ nhỏ còn được gọi là tắc tĩnh mạch võng mạc ở mắt của chúng ta. Mắt nhìn kém chính là biểu hiện rõ nhất. Những người có tiền sử huyết áp cao nên đi khám mắt định kỳ thường xuyên để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm ở mắt có thể xảy ra.
  • Viêm xoang: Các bệnh lý viêm nhiễm ở xoang sàng có thể làm dây thần kinh thị giác bị ảnh hưởng gây ra tình trạng mắt kém. Người bệnh có thể bị nhìn mờ ở một mắt hoặc cả 2 mắt. Đi kèm với nhìn kém là các biểu hiện như: Liếc mắt bị đau, đồng tử bị giãn,...
  • Đột quỵ: Mắt kém đột ngột là một trong những dấu hiệu quan trọng cảnh báo cơn đột quỵ sắp ập đến. Thị lực lúc này sẽ bị thay đổi đột ngột nhưng không kèm theo đau đớn. Cùng với mắt nhìn kém, người bệnh có thể gặp thêm tình trạng song thị, hoặc mất thị giác đột ngột.

Ngoài ra, một số bệnh khác cũng đi kèm triệu chứng mắt kém như: U hốc mắt, u não, bạch tạng...

tiểu đường nằm mắt kém
Mắt người bệnh có thể kém dần do tiểu đường

9. Do bạn nằm ngủ sai tư thế

Nhiều người có thói quen nằm sấp khi ngủ hoặc nằm ngủ áp mặt lên gối cùng với những cử động trong giấc ngủ khiến mí mắt của bạn bị chà lên gối, có thể khiến mắt bị khô, gây ra tình trạng mắt kém. Việc bạn đè cánh tay lên mắt khi đi ngủ cũng là thói quen không tốt, nó có thể gây áp lực, chèn ép lên các mô ở mắt, khiến quá trình lưu thông máu bị hạn chế gây ra tình trạng mắt kém thị lực.

nằm ngủ sai tư thế làm mắt kém
Nằm ngủ sai tư thế có thể khiến mắt bạn bị kém

10. Do bạn sử dụng thuốc gây tác dụng phụ ở mắt

Một số bệnh lý liên quan đến khớp, hen suyễn... sử dụng nhóm thuốc corticoid hay thuốc chống dị ứng thuộc các nhóm kháng histamin có thể gây ra các tác dụng phụ ở mắt như: Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể... khiến mắt nhìn kém đi.

11. Do đeo kính áp tròng sai cách

Kính áp tròng hiện đang được rất nhiều người ưa chuộng vì độ tiện lợi, thẩm mỹ. Nhưng nếu bạn dùng kính áp tròng không đúng cách có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng giác mạc. Mỗi khi bạn chớp mắt, kính áp tròng sẽ di chuyển khắp quanh mắt có thể tạo nên các vết xước nhỏ trên bề mặt nhãn cầu gây ra tình trạng nhiễm trùng.

Đặc biệt khi bạn ngủ mà không bỏ kính áp tròng ra sẽ làm giác mạc thiếu oxi các vi khuẩn trong kính dễ xâm nhập, phát triển gây ra tình trạng viêm, loét giác mạc. Các vết thương hở này có thể làm cho mắt nhìn kém đi.

Do đeo kính áp tròng không đúng làm mắt kém
Mắt bị kém do đeo kính áp tròng không đúng cách

Dấu hiệu mắt kém khi nào cần đi thăm khám?

Đa phần các lý do gây ra tình trạng mắt kém đều không đe dọa nghiêm trọng đến thị lực của bệnh nhân. Nếu tình trạng mắt kém chỉ là thoáng qua trong chốc lát, chỉ cần để mắt nghỉ ngơi, thư giãn sẽ hết thì bạn chưa cần đi khám. Nếu mắt kém đi kèm với một số triệu chứng như:

  • Thị lực đột ngột thay đổi, giảm hẳn, tệ hơn sau những lần chớp mắt.
  • Mắt kém đi cùng với đau, sưng nhức mắt.
  • Nhìn thấy ảo ảnh trước mắt, các chấm đen hay những vật thể trôi nổi ngay trước mắt, chớp sáng bên trong mắt.
  • Nhìn 1 vật thành 2, hình ảnh thu về bị méo mó, lệch lạc.
dấu hiệu mắt kém cần đi khám
Cần đi khám khi mắt kém xuất hiện cùng nhiều bất thường khác về mắt

Gặp phải những tình trạng trên bạn cần tới các cơ sở chuyên nhãn khoa uy tín càng sớm càng tốt. Tại đây các bác sĩ sẽ thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng mắt kém để có các biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.

Cách khắc phục, điều trị tình trạng mắt kém

Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng mắt kém, trong quá trình thăm khám mắt bác sĩ sẽ đưa ra những cách khắc phục, điều trị thích hợp giúp người bệnh cải thiện thị lực, khắc phục tình trạng mắt nhìn kém. Một số biện pháp cụ thể như:

  • Cắt kính, phẫu thuật Lasik: Với bệnh nhân bị các tật khúc xạ mắt thường sẽ được bác sĩ chỉ định cắt kính và dùng thêm thuốc hỗ trợ để giúp thị lực sáng rõ. Hoặc có thể phẫu thuật Lasik để cải thiện tình trạng mắt kém. Mọi biện pháp chỉ là hỗ trợ thị lực chứ hiện nay chưa có phương pháp giúp điều trị triệt để các tật về mắt này.
  • Phẫu thuật Phaco: Phương pháp này được áp dụng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, thay thủy tinh thể tự nhiên bị đục bằng thủy tinh thể nhân tạo. Đây là phương pháp có thể giúp điều trị dứt điểm bệnh lý nguy hiểm này, hồi phục hoàn toàn tình trạng mắt nhìn kém.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt: Với những bệnh nhân mắt kém do tăng nhãn áp thường sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt để làm giảm nhãn áp trong mắt, kiểm soát bệnh lý. Ở những trường hợp nặng hơn, không thể cải thiện bằng thuốc nữa bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để giúp hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
  • Kết hợp thuốc nhỏ mắt và kháng sinh, kháng viêm: Với những tình trạng mắt kém do bị viêm, nhiễm sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt kết hợp với các loại thuốc uống kháng sinh, kháng viêm để điều trị dứt điểm tình trạng bệnh lý.
  • Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị: Các phương pháp này giúp cải thiện tình trạng mắt kém, kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư mắt, ung thư não...
Dùng thuốc nhỏ mắt khắc phục tình trạng mắt kém
Tùy vào nguyên nhân gây ra tình trạng mắt kém sẽ có cách điều trị thích hợp

Bạn còn có thể nhờ vào sự hỗ trợ của một số thiết bị trực quan để cải thiện tình trạng mắt kém như: Kính lúp, kính thiên văn, kính lúp trên màn hình các thiết bị điện tử bạn sử dụng.

Đặc biệt chú ý không để mắt làm việc với cường độ cao trong khoảng thời gian lâu dài sẽ khiến tình trạng mắt kém ngày càng gia tăng cấp độ nặng. Khi thấy mắt kém cùng nhiều biển hiện bất thường khác tuyệt đối không được chủ quan, cần đi thăm khám ngay. Đa phần các bệnh gây ra tình trạng mắt kém nếu được phát hiện và điều trị kịp thời đều giúp thị lực cải thiện tốt.

Ngoài ra cần thiết lập thói quen sinh hoạt điều độ, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, mắt kém ăn gì hay kiêng gì để giúp hồi phục thị lực tốt nhất.

tránh để mắt làm việc thường xuyên
Làm việc với cường độ cao, liên tục sẽ làm tình trạng mắt kém nặng thêm

Trên đây là toàn bộ những thông tin chi tiết và đầy đủ giải đáp về tình trạng mắt kém. Bạn tuyệt đối không được chủ quan khi gặp phải tình trạng khó chịu này, cần theo dõi mắt và đi thăm khám nếu mắt kém dần kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác. nếu Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chia sẻ với người thân, bạn bè để có thêm nhiều kiến thức quan trọng nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN