THÔNG TIN CẦN BIẾT

Hướng dẫn chăm sóc người thân bị glocom Từ A-Z

19-11-2022 - Tác giả:   Hoàng Huyền Trang   - Tham vấn y khoa:   PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu
Tìm hiểu và nắm bắt được cách chăm sóc người thân bị glocom (cườm nước) sẽ giúp cho bạn đồng hành tốt hơn cùng họ trên chặng đường sống chung với bệnh lý thương tổn không phục hồi thị thần kinh này. Bệnh cườm nước hiện nay là nguyên nhân thứ 2 gây mù loà trên toàn thế giới và được mệnh danh là "kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng". Được người thân chăm sóc đúng cách sẽ giúp bệnh nhân glocom kiểm soát tốt hơn tình trạng thương tổn ở mắt.
chăm sóc người thân bị glocom
Bệnh nhân glocom sẽ kiểm soát tốt bệnh lý tốt hơn nếu được người thân chăm sóc đúng cách

Cần làm gì khi phát hiện người thân bị Glocom

Bệnh cườm nước thường xuất hiện âm thầm, từ từ, giai đoạn đầu gần như không có biểu hiện đặc trưng gì, không gây đau đớn và thị lực của người bệnh không hề bị ảnh hưởng. Vì vậy, đa phần bệnh nhân đều bỏ qua "thời điểm vàng" giúp gìn giữ thị lực tốt nhất. Khi bệnh đã sang giai đoạn nặng, thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người bệnh mới đi thăm khám khiến việc trị bệnh vô cùng phức tạp, và thị lực đã mất đi không thể lấy lại được nữa.

Các chuyên gia luôn khuyến cáo mọi người nên đi khám mắt định kỳ là vì thế. Việc kiểm tra mắt thường xuyên giúp bạn và người thân tầm soát sớm các bệnh lý nguy hiểm ở mắt để có biện pháp khắc phục kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm. Khi người thân của bạn không may bị bệnh glocom, lúc này bạn cần làm một số việc sau:

  • Tìm hiểu thông tin bệnh: Nắm được những điều cơ bản về bệnh sẽ giúp bạn hiểu được tình hình hiện tại của người thân đang ở giai đoạn nào và nắm rõ hơn những chỉ định của bác sĩ về việc trị bệnh.
  • Động viên bệnh nhân: Khi mới biết mình gặp phải bệnh glocom và có nguy cơ phải đối diện với mù loà vĩnh viễn thì ai cũng sẽ lo sợ và hoang mang. Người thân lúc này cần ở bên để động viên tinh thần, an ủi người bệnh tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc cũng như tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
  • Khuyên người thân thân đi khám mắt định kỳ: Không chỉ người bệnh, những người có cùng huyết thống khác lúc này cũng cần phải duy trì thói quen đi khám mắt định kỳ. Khi đã tìm hiểu về bệnh chắc hẳn bạn hiểu rõ nguy cơ mình có thể đối diện vì glocom có đặc tính di truyền giữa những người có cùng huyết thống tương đối cao. Thăm khám định kỳ, thường xuyên giúp mọi người phát hiện và khắc phục bệnh sớm nếu có.
  • Giúp người bệnh chăm sóc, bảo vệ mắt: Bạn có thể giúp người thân bảo tồn thị lực, hạn chế nguy cơ mù loà vĩnh viễn bằng việc giúp họ thiết lập một chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, sinh hoạt điều độ, vận động nhẹ nhàng. Đồng thời quan tâm, sát sao và nhắc nhở họ thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt tránh khỏi các nguy cơ, tác nhân gây hại cho mắt khiến bệnh chuyển biến nặng thêm.
Cần làm gì khi phát hiện người thân bị Glocom
Động viên, khuyên người thân bị bệnh đi tái khám, thăm khám mắt định kỳ

Cách chăm sóc người thân bị glocom

Glocom không chỉ gây ảnh hưởng đến thị lực, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo thống kê có đến hơn 80% người bệnh glocom còn bị ảnh hưởng đến tinh thần, rối loạn lo âu khi biết mình có nguy cơ bị mù loà vĩnh viễn. Vì vậy, hơn bao giờ hết những lúc này họ rất cần những người thân ở bên cạnh, động viên, an ủi. quan tâm, lưu ý trong sinh hoạt khi bị glaucoma để khắc phục tốt bệnh lý.

Một số mẹo dưới đây sẽ giúp bạn chăm sóc người bệnh glocom tốt hơn, hạn chế bệnh gia tăng cấp độ nặng thêm:

Lập kế hoạch giúp bệnh nhân dùng thuốc đúng chỉ định

Dùng thuốc giúp hạ nhãn áp, ổn định áp lực nội nhãn thường là những chỉ định ban đầu của bác sĩ với những bệnh nhân bị cườm nước giai đoạn đầu. Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng thuốc để bảo tồn thị lực rất quan trọng. Vì vậy bạn có thể quan tâm, giúp người thân dùng thuốc hiệu quả để hạn chế bệnh chuyển biến phức tạp theo chiều hướng xấu bằng cách:

  • Theo dõi, nhắc nhở người bệnh dùng thuốc đúng giờ:Để ghi nhớ, bạn có thể giúp họ đặt nhắc nhở hàng ngày trên điện thoại hay đồng hồ để tránh việc quên lãng, dùng thiếu liều.
  • Để ý việc dùng thuốc của người bệnh: Đảm bảo họ tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách sử dụng.
  • Kiểm tra thuốc: Bạn hãy giúp người bệnh ghi chú thời gian mở lọ thuốc, kiểm tra lại chai thuốc để đảm bảo dùng đúng thuốc cũng như thuốc còn đạt chất lượng. Đồng thời loại bỏ những lọ thuốc nhỏ mắt hết hạn sử dụng sau 15 ngày mở không dùng hết.
  • Hướng dẫn người bệnh nhỏ thuốc đúng cách: Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi dùng thuốc, duy trì tư thế ngồi ngửa đầu ra sau hoặc nằm, một tay cầm lọ thuốc, tay kia kéo nhẹ mí mắt xuống. Đảm bảo lọ thuốc phải có một khoảng cách nhất định, không được chạm mắt, nhỏ mỗi lần từ 1 - 2 giọt.
  • Bảo quản thuốc đúng cách: Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản tthốc để giúp người thân của bạn bảo quản thuốc thật tốt trong quá trình sử dụng. Có những loại thuốc cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, có những loại chỉ cần để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời...
Lập kế hoạch giúp bệnh nhân dùng thuốc đúng chỉ định
Tìm hiểu và giúp người thân sử dụng thuốc đúng cách

Theo sát lịch tái khám mắt của người bệnh

Việc tái khám định kỳ với người bệnh Glocom rất quan trọng, bạn cần theo sát lịch khám của người thân, nhắc nhở hoặc sắp xếp thời gian để đưa họ đi tái khám đúng theo lịch hẹn, Trong những lần khám này, bác sĩ chuyên nhãn khoa sẽ kiểm tra tình trạng tăng nhãn áp, diễn tiến của bệnh lý, điều chỉnh lại thuốc hoặc chỉ định sử dụng phương pháp khắc phục khác phù hợp hơn nên người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối.

Nếu bệnh nhân không nhớ được lịch tái khám định kỳ của mình, bạn có thể giúp họ đánh dấu, ghi chú lên lịch hay đặt lời nhắc nhở trên điện thoại. Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, tốt nhất người thân nên sắp xếp thời gian để hỗ trợ, đưa họ đi khám. Thị lực của người bệnh lúc này không còn sáng rõ nữa nên việc đi lại cần cẩn thận để không vấp té hay xảy ra sự việc ngoài mong muốn.

Theo sát lịch tái khám mắt của người bệnh
Theo sát lịch tái khám của người thân bị bệnh glocom

Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh

Dinh dưỡng đầy đủ trong các bữa ăn hàng ngày đóng 1 vai trò hết sức quan trọng đối với sức khoẻ đôi mắt của chúng ta nói chung và đặc biệt quan trọng với người bệnh glocom nói riêng. Bị cườm nước nên ăn gì hay phải kiêng gì bạn cần tìm hiểu thật kỹ và xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho người bệnh để giúp họ bảo tồn thị lực cũng như hạn chế những biến chuyển xấu của bệnh lý.

Các thực phẩm tốt cho mắt thường được chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân sử dụng như: Các loại rau màu xanh đậm, củ quả mọng có màu đỏ hoặc màu cam, thịt đỏ, các loại cá béo... thường chứa nhiều vitamin và các dưỡng chất tốt cho mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân glocom cần hạn chế ăn các thực phẩm cay nóng, nhiều đường, nhiều tinh bột, đồ ăn chiên rán... và không được sử dụng chất kích thích rượu, bia, thuốc lá...

Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh
Giúp người thân thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh

Sắp xếp gọn các vật dụng trong nhà

Glocom thường là bệnh tiến triển mạn tính, người bệnh phải sống chung cả đời và trị bệnh cũng có thể kéo dài suốt đời như vậy. Vì thế, người thân trong gia đình cần điều chỉnh, sắp xếp lại không gian sống cho phù hợp để người bệnh dễ dàng hơn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày khi mắt kém không được tinh tường nữa.

Nhất là ở giai đoạn nặng, thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bạn có thể giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn bằng cách:

  • Giữ gìn không gian sống thoáng mát, dễ chịu, đảm bảo luôn đầy đủ ánh sáng để phục vụ sinh hoạt, công việc, ưu tiên nhiều hơn các nguồn ánh sáng tự nhiên.
  • Sắp xếp gọn gàng, hợp lý các đồ đạc trong nhà để người bệnh thuận tiện sử dụng hay tránh va chạm, té ngã khi thị lực của họ bị hạn chế, không quan sát rõ nữa.
  • Hãy đánh dấu vào một số vị trí đặc biệt trong nhà và thiết lập biện pháp phòng tránh cũng như để nhắc nhở người bệnh di chuyển cẩn thận để không té ngã, va đập như: Cầu thang, nhà tắm, vệ sinh, nhà bếp...
  • Nếu người bệnh thường xuyên ở nhà một mình, nhất là những người cao tuổi, bạn nên dán số điện thoại liên hệ khẩn cấp của mình hay mọi người trong nhà, bác sĩ, y tế... ở nơi dễ nhìn thấy, đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra.
Sắp xếp gọn các vật dụng trong nhà
Sắp xếp gọn gàng đồ đạc trong nhà giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn

Duy trì thói quen sinh hoạt tốt

Bạn có thể bên cạnh, giúp đỡ hoặc nhắc nhở người bệnh duy trì một số thói quen sinh hoạt tốt hàng ngày để giúp bảo tồn thị lực như:

  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Dành 30 - 45 phút hàng ngày để tập thể dục cùng ngời bệnh với những động tác nhẹ nhàng hoặc đi bộ cùng họ. Thể dục đều đặn hàng ngày giúp máu lưu thông tốt hơn, người bệnh ổn định nhãn áp trong mắt.
  • Ngủ đủ giấc: Nhắc nhở người bệnh đi ngủ trước 11 giờ đêm, ngủ đủ giấc từ 6 - 8 tiếng/ngày để mắt được nghỉ ngơi, trao đổi chất, duy trì các hoạt động tốt nhất.
  • Hạn chế điều tiết mắt nhiều: Không để người bệnh tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử chứa ánh sáng xanh nguy hại như TV, máy tính, điện thoại... hay làm việc gì đó quá lâu khiến mắt phải điều tiết nhiều dễ gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến bệnh.
  • Bảo vệ mắt: Chuẩn bị kính mắt cho người bệnh glocom để đeo khi ra ngoài, hạn chế các tác nhân gây hại từ môi trường xâm nhập vào mắt gây thương tổn nặng nề hơn.
Duy trì thói quen sinh hoạt tốt
Giúp người thân bị bệnh glocom duy trì những thói quen sinh hoạt tốt

Lưu ý khi có người thân mắc bệnh glocom

Ngoài việc quan tâm, chăm sóc cho sức khoẻ của người thân, bạn cũng nên quan tâm đến sức khoẻ đôi mắt của chính mình hay những người thân khác trong gia đình. Y khoa đã khuyến cáo, glocom là bệnh lý có liên quan nhiều đến yếu tố gia đình và dễ di truyền giữa các người thân trong gia đình.

Thực tế đã chứng minh những người có cùng huyết thống với người bệnh glocom thường có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn tới 5 - 10 lần so với người bình thường. Vì thế những người thân của bệnh nhân cần đi thăm khám mắt định kỳ, thường xuyên để giữ gìn sức khoẻ đôi mắt cũng như tầm soát sớm bệnh lý nguy hiểm này để có biện pháp can thiệp kịp thời, giữ gìn thị lực.

Lưu ý khi có người thân mắc bệnh glocom
Người thân của bệnh nhân glocom cần duy trì thói quen khám mắt định kỳ để tầm soát bệnh lý

Tuy chưa có cách điều trị dứt điểm bệnh lý cườm nước nhưng y học hiện đại đã có nhiều máy móc giúp phát hiện sớm bệnh lý ngay ở giai đoạn đầu. Và các nhà khoa học cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa các tổn thương chức năng ở mắt do glocom gây ra với cấu trúc để từ đó đánh giá giai đoạn bệnh lý, cảnh báo nguy cơ và các thương tổn người bệnh có thể gặp phải, đề ra phương án trị bệnh phù hợp.

Vì vậy bạn tuyệt đối không được chủ quan khi trong gia đình có người thân mắc bệnh cườm nước, nhất là cha mẹ ruột của bạn đang mắc phải bệnh này. Hãy đi kiểm tra mắt càng sớm càng tốt, duy trì thói quen khám mắt định kỳ hàng năm chính là cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ thị lực của mình.

Tóm lại, trên đây là một số hướng dẫn chi tiết giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho người thân bị glocom, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, ổn định tinh thần và bảo tồn thị lực tốt, hạn chế đáng kể chuyển biến xấu của bệnh. Hy vọng bài viết sẽ mang đến nhiều thông tin cần thiết, hữu ích cho bạn. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu bạn còn thắc mắc cần được chúng tôi tư vấn, hỗ trợ thêm nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN