Điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em như thế nào?
Khi nhận thấy con có các biểu hiện triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện mắt uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách nhằm hạn chế các biến chứng đau mắt đỏ đồng thời bảo vệ sức khỏe mắt của con.
Những phương pháp tự điều trị đau mắt đỏ ở trẻ theo cách truyền miệng dân gian như: xông lá trầu không, xông lá dâu, nhỏ sữa mẹ vào mắt,.... là những cách thức điều trị có thể ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến mắt trẻ, tuyệt đối không thực hiện.
Ngoài ra, không tự điều trị đau mắt đỏ ở trẻ bằng cách tự mua thuốc trị đau mắt đỏ cho trẻ em khi chưa có chỉ định từ bác sĩ vì khi sử dụng sai thuốc sẽ làm bệnh lý biến chuyển càng trở nên trầm trọng hơn.
Trẻ bị đau mắt đỏ nếu không được điều trị đúng cách có thể là nguy cơ dẫn đến các biến chứng gây viêm giác mạc, loét giác mạc, suy giảm thị lực và thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Nhằm hạn chế các biến chứng mắt, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt tại các cơ sở uy tín để đảm bảo sức khỏe mắt tốt nhất cho trẻ.
Làm gì khi trẻ bị đau mắt đỏ?
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, mắt trẻ sẽ đau, cộm, gây cảm giác khó chịu cho trẻ. Do đó, bố mẹ cần thực hiện các biện pháp chăm sóc mắt hợp lý để mắt trẻ dễ chịu hơn. Dưới đây là 4 cách chăm sóc đau mắt đỏ cho trẻ, bố mẹ có thể tham khảo thực hiện chăm mắt tại nhà cho con.
1. Sử dụng thuốc nhỏ mắt
Thuốc nhỏ mắt bố mẹ có thể nhỏ cho con là thuốc nhỏ mắt natri clorid 0.9% (nước muối sinh lý) nhằm rửa sạch bụi bẩn, gỉ mắt (ghèn) có trong mắt trẻ, giữ mắt luôn sạch sẽ. Thực hiện nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý cho trẻ từ 6 - 7 lần mỗi ngày. Sau đó, dùng bông sạch hoặc khăn mềm thấm khô và vứt bỏ trong túi bóng kín để tránh lây sang người khác.
Ngoài ra khi trẻ bị đau mắt đỏ, người thân và gia đình cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý từ 4 - 5 lần rửa mắt để phòng ngừa đau mắt đỏ lây lan. Tuy nhiên, không được sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người khác, mỗi người sử dụng một lọ riêng kể cả đối với trẻ bị đau mắt đỏ
Có thể nhỏ kháng sinh cho trẻ khi có sự chỉ định của bác sĩ để làm thuyên giảm các triệu chứng của đau mắt đỏ. Khi nhỏ thuốc mắt chứa kháng sinh nên nhỏ khi trẻ ngủ để thuốc có thể tiếp cận được vào trong mắt.
2. Đắp khăn ấm cho mắt
Đắp khăn ấm cho mắt là một trong những cách giúp làm giảm cảm giác đau nhức ở mắt trẻ mà bố mẹ có thể thực hiện cho ngay tại nhà, đạt được hiệu quả giảm đau cao khi trẻ đau mắt đỏ.
Đầu tiên, ngâm khăn sạch có chất liệu mềm mịn vào trong nước nóng và vắt khô nước trong khăn sau đó, nhẹ nhàng đặt khăn lên vùng mắt đau của trẻ trong khoảng 10 phút sẽ giúp mắt bớt cộm, khó chịu hơn.
Nhiệt độ cao từ nước ấm có tác dụng làm giãn các mạch máu, tăng khả năng lưu thông của máu đến khu vực chường nóng nhằm giảm sự đau đớn và kích ứng của mắt trẻ. Thực hiện massage mắt nhẹ nhàng tăng lượng chất lỏng tiết ra trên mí mắt, giữ đôi mắt không bị khô.
Lưu ý khi thực hiện đắp khăn ấm cho mắt trẻ không nên sử dụng nước quá nóng bởi vùng da xung quanh mắt trẻ thường rất mỏng manh và nhạy cảm. Nhiệt độ quá nóng có thể làm bỏng, ảnh hưởng đến mắt trẻ.
3. Đắp khăn lạnh cho mắt
Bên cạnh biện pháp đắp khăn nóng để chăm sóc đau mắt đỏ cho trẻ, thực hiện đắp khăn lạnh cho mắt cũng là biện pháp dễ dàng giúp làm giảm đau mắt, bố mẹ có thể thực hiện cho trẻ ngay tại nhà.
Các bước thực hiện đắp khăn lạnh cho mắt trẻ cũng thực hiện tương tự giống như chườm nóng. Đầu tiên, ngâm khăn sạch có chất liệu mềm mịn vào trong nước lạnh và vắt khô nước trong khăn sau đó, nhẹ nhàng đặt khăn lên vùng mắt đau của trẻ trong khoảng 10 phút.
Chườm khăn lạnh có tác dụng làm dịu tức thì các vết sưng cũng như làm giảm bớt các cơn ngứa gây ra do kích ứng ở mắt trẻ.
Lưu ý khi thực hiện đắp khăn lạnh cho mắt trẻ không nên sử dụng nước quá lạnh bởi vùng da xung quanh mắt trẻ thường rất mỏng manh và nhạy cảm. Nhiệt độ quá lạnh có thể làm ảnh hưởng đến mắt trẻ.
4. Chế độ ăn uống hợp lý
Khi trẻ đau mắt đỏ, bố mẹ cần chuẩn bị cho con chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp lý nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cơ thể trẻ khỏe mạnh sẽ tự chống lại được sự xâm nhập của vi khuẩn, virus,... từ đó điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em mà không cần sử dụng các biện pháp can thiệp khác.
Ăn nhiều rau củ quả, trái cây, các thực phẩm tốt cho mắt, chứa nhiều vitamin, các loại hạt và đậu, uống nhiều nước,... để cơ thể trẻ được hấp thụ những thực phẩm tốt.
Đối với trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, vẫn còn đang bú mẹ thì mẹ nên cho con bú càng nhiều càng tốt. Chất dinh dưỡng từ sữa mẹ sẽ giúp trẻ có thêm nhiều sức kháng cho sức khỏe của trẻ, chống lại được các vi khuẩn, virus xâm nhập gây nên tình trạng đau mắt đỏ.
Đặc biệt tuyệt đối không được nhỏ sữa non vào mắt trẻ sơ sinh để điều trị đau mắt đỏ theo phương pháp dân gian bởi sẽ làm ảnh hưởng đến mắt trẻ. Mẹ nên ăn nhiều thực phẩm tốt để tăng sức đề kháng cho bản thân, gián tiếp tăng sức đề kháng cho bé thông qua sữa mẹ.
Phòng bệnh đau mắt đỏ cho trẻ
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ là cách thực hiện đơn giản và tốt nhất để phòng tình trạng đau mắt đỏ cho trẻ đồng thời cũng hạn chế được khả năng lây lan của bệnh.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Không chỉ cho trẻ đau mắt đỏ rửa tay mà cả người thân, gia đình, những ai thường xuyên tiếp xúc với trẻ cũng nên rửa tay đều đặn
- Quan sát trẻ, không để trẻ dụi mắt hay chạm tay vào mắt thường xuyên
- Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm của trẻ đau mắt đỏ với các những người xung quanh
- Thường xuyên giặt gối, phơi khô ngoài nắng, thay gối hoặc khăn trải nệm cho trẻ
Trên đây là những thông tin về cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em và cách để phòng bệnh này. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin cần thiết cho bố mẹ để có thêm cách giúp bé cải thiện được tình trạng mắt. Hãy chia sẻ với bạn bè, người thân nếu thấy bài viết hữu ích nhé.