Khó phát hiện
Đức Nghĩa – con chị Hiền, năm nay 9 tuổi, bị viêm mắt dị ứng 4 mùa từ bé. Cứ mỗi khi ra nắng, mắt Nghĩa lại bị ngứa, đỏ, chảy nước mắt. Chị Hiền cho biết: “Từ nhỏ Nghĩa đã thường xuyên phải tra thuốc nhỏ mắt nên chị đều đặn 6 tháng một lần hoặc lâu nhất thì một năm đưa con đi kiểm tra mắt định kỳ”.
Năm Nghĩa lên 5 tuổi, mắt con bắt đầu kém hơn, chị Hiền cho con đi khám thì phát hiện con bị viễn loạn thị và bắt đầu sử dụng kính. Đến đầu năm 2023, đưa con đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thì chị Hiền nhận được câu hỏi của bác sĩ khiến chị vô cùng hoảng hốt: “Sao lại để mắt con bị lác đến -20 độ thế này”.
Cứ nghĩ bác sĩ nói đùa nhưng khi nhìn kỹ mắt con theo hướng dẫn, chị Hiền như chết lặng rồi tự hỏi mình “Mắt con bị lác từ bao giờ?”. Mang câu hỏi đó về đặt ra trong gia đình thì tiền sử không có người nào bị mắt lác. Nhà chật, con ngồi xem ti vi hay ngồi học bài không đúng tư thế cũng không phải là nguyên nhân làm cho mắt Nghĩa bị lác.
Chị Hiền chia sẻ: “Mãi cho đến hôm nay, khi con đã chuẩn bị vào phòng phẫu thuật chỉnh lác tôi mới dám tin đây là sự thật. Trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có một ngày con mình bị lác. Nếu nhìn thật kỹ vào mắt Nghĩa thì mới phát hiện ra”.

Bác sĩ Thiều Hoa thăm khám cho bệnh nhân sau ca phẫu thuật
… Khó chấp nhận
Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Trẻ khi mắc tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị khiến cho mắt phải điều tiết nhiều hơn, 6 cơ xung quanh mắt không phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau, tăng nguy cơ làm cho mắt bị lác và khó nhìn hơn.
Bệnh nhân Đức Nghĩa nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ tật khúc xạ viễn loạn thị nặng dẫn tới bị lác. Khi đó tầm nhìn, thị lực của bệnh nhân không chỉ bị ảnh hưởng mà còn làm mất thẩm mĩ, khiến người bệnh dần cảm thấy mất tự tin khi lớn lên. Mặc dù Nghĩa được phát hiện bị lác muộn với số độ nặng nhưng việc điều trị, phẫu thuật sớm sẽ tăng khả năng phục hồi cho bệnh nhân.
Trên thực tế, rất nhiều cha mẹ không biết, thậm chí là không tin chẩn đoán của bác sĩ khi biết mắt con bị lác, đặc biệt đối với trường hợp bệnh nhân bị lác nhẹ. Vì vậy, Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa đã hướng dẫn một số dấu hiệu để nhận biết trẻ bị mắt lác như sau:
- Thường xuyên mỏi mắt, khả năng tập trung kém
- Hậu đậu, thường xuyên bị vấp, té ngã, làm việc không chính xác như người bình thường
- Song thị (nhìn thấy hai hình ảnh) xảy ra đột ngột ở người có chức năng thị giác đã hoàn thiện
- Tự nhìn vào gương hoặc người xung quanh nhìn thấy hai mắt không bình thường.
Cũng theo Bác sĩ Thiều Hoa, không phải tất cả các bệnh nhân khi bị lác mắt đều được chỉ định phẫu thuật. Ở trẻ nhỏ, điều trị lác sẽ giúp bảo toàn chức năng thị giác của hai mắt, còn với người trưởng thành thì chỉ có mục đích thẩm mĩ. Mỗi người bệnh có lộ trình điều trị khác nhau, quan trọng là cần phải được thăm khám sớm tại các cơ sở chuyên khoa để có phương án điều trị nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
*Tên người bệnh đã được thay đổi