Sự cố đáng tiếc
Ngay sau sự cố, Phương được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu. "Mấy ngày đầu mắt em quấn băng kín mít nên không nhìn thấy gì, chỉ có cảm giác đau nhức, thỉnh thoảng buốt lên tận đầu. Điều trị một thời gian mắt không đỡ mà còn có dấu hiệu phù nề, em bị sốt, mất ngủ", Phương cho biết.
Khi thăm khám, bác sĩ cho biết, mắt Phương đã xuất hiện dấu hiệu của tình trạng viêm nội nhãn, khả năng giữ lại được thị lực là rất thấp. "Nghe kết luận của bác sĩ mà như sét đánh ngang tai. Em mới có 32 tuổi còn chưa lập gia đình, lại là anh cả trên 3 đứa em, bố mẹ đều làm nông. Nếu bị mù liệu công ty em đang làm còn nhận em nữa không", Phương nói trong sự bất lực.
Phương cho biết thêm, trong xưởng mỗi công nhân có một chiếc kéo thường dùng để cắt chỉ thừa và được cố định bởi các dây chằng. Hôm xảy ra sự cố có thể do dây căng, lực kéo mạnh nên mới dẫn tới hậu quả như vậy. Điều Phương mong mỏi duy nhất lúc này là bằng mọi giá phải giữ lại được thị lực.
Bỏ qua thời điểm vàng
ThS.BS Mai Thị Anh Thư - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 - cho biết: Bệnh nhân bị vật nhọn va đập mạnh vào mắt gây rách giác mạc, vỡ thủy tinh thể. Lúc này mắt đã bị tổn thương có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng viêm nội nhãn. Đây là một tình trạng nhiễm trùng mắt nặng nề, khả năng phục hồi phụ thuộc nhiều vào thời điểm chẩn đoán cùng với phương pháp điều trị thích hợp.
Bệnh nhân Phương đã chuyển biến nặng buộc phải cắt dịch kính, sử dụng kháng sinh, phẫu thuật bỏ thủy tinh thể và tiếp tục theo dõi. Tình trạng nặng nề nhất có thể là mất đi thị lực vĩnh viễn.
Cũng theo Ths.Bs Mai Thị Anh Thư, rất nhiều bệnh nhân gặp tai nạn lao động trong quá trình sơ cứu và điều trị ban đầu không đúng cách dẫn tới tình trạng bệnh chuyển biến nặng hơn. Vì vậy, ngay sau khi có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần được thăm khám chuyên khoa để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị.
Triệu chứng của tình trạng viêm nội nhãn:
Mắt nhìn mờ, đau nhức Đau đầu, buồn nôn, sợ ánh sáng hoặc xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ. Mi mắt sưng nề, đỏ, kết mạc, cương tự, giác mạc phù nề thậm chí còn bị thâm nhiễm, có mủ tiền phòng, viêm dịch kính. Mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn.
Giai đoạn đầu bị viêm nội nhãn thường âm thầm không gây đau, không xuất hiện mủ. Tùy theo từng hợp, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng bệnh cùng với việc soi đáy mắt, siêu âm để đưa ra phác đồ điều trị cho phù hợp.