Viêm màng bồ đào là gì?
Màng bồ đào là một trong những lớp quan trọng trong cấu tạo của mắt, bao gồm ba phần chính: mống mắt, thể mi và hắc mạch. Đây là lớp chứa nhiều mạch máu, bao gồm các tĩnh mạch và động mạch, có vai trò cung cấp máu và dưỡng chất nuôi dưỡng các cấu trúc trong mắt.
Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong lớp có sắc tố của mắt, tức màng bồ đào. Bệnh này có thể ảnh hưởng không chỉ đến màng bồ đào mà còn lan rộng và gây tổn thương cho các cấu trúc khác trong mắt như thủy tinh thể, võng mạc và dây thần kinh thị giác. Điều này có thể dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. (1).
Cấu tạo màng bồ đào
Màng bồ đào bao gồm 03 thành phần chính:
- Mống mắt: Đây là phần vòng màu bao quanh con ngươi, có chức năng điều tiết lượng ánh sáng vào mắt bằng cách mở và đóng tương tự như cơ chế của cửa trập máy ảnh.
- Thể mi: Đây là tập hợp các cơ có chức năng điều tiết thủy tinh thể. Khi các cơ này co lại, thủy tinh thể trở nên dày hơn để mắt có thể tập trung vào các vật thể ở gần. Ngược lại, khi các cơ giãn ra, thủy tinh thể trở nên mỏng hơn, giúp mắt tập trung vào các vật thể ở xa.
- Hắc mạc: Đây là lớp kéo dài từ rìa thể mi đến dây thần kinh thị giác ở phía sau mắt. Hắc mạc nằm giữa võng mạc (ở bên trong) và củng mạc (ở bên ngoài), chứa các tế bào sắc tố và mạch máu, có nhiệm vụ nuôi dưỡng các cấu trúc bên trong mắt, đặc biệt là võng mạc.
Phân loại viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ màng bồ đào, và được phân loại dựa trên vị trí viêm:
- Viêm màng bồ đào trước: Tình trạng viêm xảy ra ở phía trước của màng bồ đào, bao gồm cả mống mắt.
- Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm ở giữa màng bồ đào, thường liên quan đến thể pha lê, chất giống như lòng trắng trứng lấp đầy nhãn cầu.
- Viêm màng bồ đào sau: Tình trạng viêm ở phía sau của màng bồ đào, có thể ảnh hưởng đến võng mạc và hắc mạc.
- Viêm toàn màng bồ đào: Viêm ảnh hưởng đến toàn bộ màng bồ đào.
Trong số 04 loại này, viêm màng bồ đào trung gian, sau và toàn phần thường có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng hơn so với viêm màng bồ đào trước. Đôi khi, viêm màng bồ đào được gọi tên theo bộ phận cụ thể bị viêm, chẳng hạn như viêm mống mắt hoặc viêm hắc mạc. Bệnh có thể chỉ ảnh hưởng đến một mắt, nhưng cũng có khả năng liên quan đến cả hai mắt.
Nguyên nhân gây bệnh viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào có thể có nguyên nhân nằm trong mắt hoặc là kết quả của các rối loạn toàn thân có ảnh hưởng đến mắt. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây viêm màng bồ đào không thể xác định được và được gọi là viêm màng bồ đào vô căn hoặc viêm màng bồ đào không rõ nguyên nhân.
Một số bệnh nhân bị viêm màng bồ đào có thể đi kèm với các rối loạn hệ thống khác trong cơ thể, bao gồm các bệnh viêm nhiễm và tự miễn. Những bệnh này có thể gây viêm màng bồ đào như:
- Hội chứng Behçet: Một bệnh viêm mạch có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
- Viêm cột sống dính khớp: Một bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống.
- Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên: Một dạng viêm khớp ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên.
- Bệnh sarcoidosis: Một bệnh viêm đa cơ quan với sự hình thành các nốt sần (granulomas).
- Viêm khớp phản ứng: Một dạng viêm khớp thường xảy ra sau khi nhiễm trùng.
- Bệnh viêm ruột: Bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
- Bệnh Vogt-Koyanagi-Harada: Một bệnh viêm mạch có thể ảnh hưởng đến mắt, da và hệ thần kinh.
Ngoài các bệnh hệ thống, một số nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm màng bồ đào, bao gồm:
- Nhiễm trùng herpes: Do virus herpes simplex gây ra.
- Bệnh zona: Do virus varicella-zoster gây ra.
- Toxoplasmosis: Một nhiễm trùng do ký sinh trùng Toxoplasma gondii.
- Cytomegalovirus (CMV): Chủ yếu xảy ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người nhiễm HIV hoặc những người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Chấn thương mắt là nguyên nhân phổ biến của viêm màng bồ đào trước. Mặc dù hiếm gặp, một số loại thuốc có thể gây viêm màng bồ đào như pamidronate, rifabutin, kháng sinh sulfonamide, và cidofovir (2).
>> Có thể bạn quan tâm: CẨN THẬN - Bị viêm màng bồ đào do mực xăm
Triệu chứng của viêm màng bồ đào
Các triệu chứng của viêm màng bồ đào có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào vị trí bị ảnh hưởng trong màng bồ đào.
- Viêm màng bồ đào trước: Triệu chứng điển hình bao gồm đau mắt dữ dội, đỏ mắt, cảm giác đau tăng lên khi tiếp xúc với ánh sáng chói, và giảm thị lực. Khi thăm khám, bác sĩ có thể quan sát thấy các mạch máu nổi rõ trên bề mặt của mắt gần rìa giác mạc, sự hiện diện của các tế bào nổi trong phần trước của mắt (thủy dịch), và sự lắng đọng trên bề mặt bên trong của giác mạc.
- Viêm màng bồ đào trung gian: Thường không gây đau, nhưng có thể làm giảm thị lực và gây cảm giác nhìn thấy các đốm đen bất thường, hay còn gọi là ruồi bay.
- Viêm màng bồ đào sau: Thường gây giảm thị lực và cảm giác nhìn thấy ruồi bay. Viêm có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực, từ một điểm mù nhỏ đến mù hoàn toàn.
- Viêm toàn màng bồ đào: Có thể kết hợp các triệu chứng của viêm màng bồ đào trước, trung gian và sau.
Viêm màng bồ đào có thể gây tổn thương mắt nhanh chóng và dẫn đến các biến chứng lâu dài đe dọa đến thị lực, chẳng hạn như phù điểm vàng, tổn thương võng mạc, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Một số bệnh nhân chỉ trải qua một đợt viêm, trong khi những người khác có thể gặp phải tái phát định kỳ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, hoặc bị viêm mãn tính cần điều trị lâu dài.
Cách điều trị viêm màng bồ đào
Điều trị viêm màng bồ đào cần được bắt đầu sớm để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn. Phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm việc sử dụng corticosteroid, thường được áp dụng dưới dạng thuốc nhỏ mắt. Trong một số trường hợp, corticosteroid cũng có thể được sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào hoặc quanh mắt. Thuốc làm giãn đồng tử, như homatropine hoặc cyclopentolate, cũng thường được sử dụng để giảm đau và hạn chế co thắt đồng tử.
Ngoài corticosteroid và thuốc giãn đồng tử, các loại thuốc khác có thể được sử dụng tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây viêm màng bồ đào. Nếu nguyên nhân là nhiễm trùng, thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng vi-rút có thể được chỉ định để loại bỏ tác nhân gây bệnh (3).
Đôi khi, các phương pháp điều trị viêm màng bồ đào khác là cần thiết, chẳng hạn như phẫu thuật, sử dụng tia laser, hoặc các loại thuốc uống hoặc tiêm qua tĩnh mạch hoặc vào da làm ức chế hệ thống miễn dịch (thuốc ức chế miễn dịch)
Để đặt lịch khám mắt và điều trị tại Bênh viện Mắt Hà Nội 2, Quý khách vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
|
Nguồn tham khảo: |