Suy giảm thị lực sau phẫu thuật thủy tinh thể, nguyên nhân do đâu?
Sau phẫu thuật thủy tinh thể một thời gian người bệnh tự nhiên nhìn mờ trở lại, thậm chí mờ hơn trước khi phẫu thuật?
Bản chất của phẫu thuật Phaco
Hiện nay, phẫu thuật Phaco thay thế thủy tinh thể nhân tạo là phương pháp tối ưu nhất được áp dụng rộng rãi để khôi phục thị lực cho bệnh nhân đục thủy tinh thể. Với những tiến bộ kỹ thuật y học ngày nay, các thao tác thực hiện cũng trở nên chuyên nghiệp hơn nhiều nên việc thủy tinh thể nhân tạo bị đặt lệch hay sai độ là rất hiếm gặp.
Trong phẫu thuật Phaco, thủy tinh thể tự nhiên bị đục sẽ được nạo, hút ra bên ngoài, sau đó thay thế thủy tinh thể nhân tạo vào. Riêng bao sau và một phần bao trước sẽ được giữ lại để cố định thấu kính nhân tạo này.
Bản chất của phẫu thuật thuỷ tinh thể chỉ là giúp bệnh nhân hồi phục thị lực chứ không thể loại bỏ các yếu tố gây bệnh ban đầu. Theo thời gian, các tế bào biểu mô gây đục tiếp tục phát triển, cản trở ánh sáng đi vào võng mạc khiến bệnh nhân bị suy giảm thị lực, thậm chí nhìn kém hơn so với trước phẫu thuật.
Suy giảm thị lực sau mổ do gặp phải một số biến chứng
Một số yếu tố gây bệnh đục thủy tinh thể như: Quá trình lão hóa tự nhiên, các bệnh lý toàn thân: cao huyết áp, tiểu đường.. Sau phẫu thuật, chính những yếu tố này lại tiếp tục tấn công gây ra biến chứng đục thủy tinh thể dưới bao sau khiến thị lực suy giảm chứ không phải do bệnh nhân bị đục trở lại.
Tình trạng đục bao sau này ở mỗi người mỗi khác, nó phụ thuộc vào quá trình chăm sóc mắt của bệnh nhân, thường gặp ở người bệnh sau phẫu thuật từ vài tháng đến một năm, thậm chí vài năm.
Một số rủi ro khác có thể gặp sau mổ như: Bong võng mạc, nhiễm trùng, đục dịch kính, tăng nhãn áp… hay các bệnh lý về mắt khác như glocom…. Và cũng không thể loại trừ khả năng thủy tinh thể nhân tạo bị lệch, sai độ khiến người bệnh nhìn mờ.
Phẫu thuật thay thủy tinh thể được mấy lần?
Thay thủy tinh thể bình thường chỉ tiến hành 1 lần trên mỗi mắt. Ngoại trừ trường hợp thủy tinh thể nhân tạo bị đặt lệch hay sai độ làm mắt không điều tiết tốt hoặc xảy ra vấn đề nghiêm trọng ở mắt mới cần mổ đục thủy tinh thể lần 2.
Hơn nữa, thủy tinh thể nhân tạo được thay thế trong phẫu thuật hiện nay thường được làm từ chất liệu PMMA, acrylic hay silicone có tuổi thọ vĩnh viễn nên người bệnh có thể sử dụng suốt đời mà không cần phải thay thế.
Mắt bị mờ sau phẫu thuật có cần phải mổ thay thủy tinh thể lần 2?
Theo những nguyên nhân đã xác định ở trên thì mắt bị mờ sau phẫu thuật ngoài lỗi kỹ thuật thì thường không liên quan gì đến thấu kính nhân tạo được thay thế cả. Vì vậy, khi gặp những biến chứng sau mổ sẽ có các biện pháp khắc phục khác nhau và không cần phải mổ đục thủy tinh thể lần 2 nữa.
Khi gặp phải các bất thường về mắt, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám mắt và được tư vấn điều trị đúng cách:
- Với mắt bị biến chứng đục bao sau: Bác sĩ chỉ cần sử dụng năng lượng cao của tia laser chiếu vào vùng bao sau để làm tan các vết đục, trả lại môi trường trong suốt, khôi phục thị lực cho người bệnh.
- Với mắt bị các biến chứng tăng nhãn áp: Bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt chuyên dụng để giúp giảm áp lực cho mắt, nếu nặng có thể điều trị bằng Laser mở kênh thoát dịch cho mắt để khắc phục tình trạng này.
Mỗi biến chứng gặp phải sau phẫu thuật thay thủy tinh thể lại có cách điều trị khác nhau. Nếu không phải lỗi do thủy tinh thể nhân tạo bị đặt lệch, sai độ thì bệnh nhân hoàn toàn không phải mổ đục thủy tinh thể lần 2.
Vậy thay thủy tinh thể được mấy lần? Thông thường chỉ được thực hiện 1 lần thôi. Với những trường hợp hy hữu phải mổ thay thủy tinh thể lần 2, trước đó bác sĩ đều phải cân nhắc rất cần thận vì có thể gặp phải rủi ro nhất định.
Sau mổ người bệnh nên làm gì giúp tăng cường thị lực?
Để giữ đôi mắt sáng khỏe lâu dài, hạn chế biến chứng có thể gặp phải sau mổ bạn cần lưu ý để mắt nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, thiết lập chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho mắt.
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Trong quá trình chăm sóc mắt tại nhà sau phẫu thuật bạn phải thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ về vệ sinh mắt hàng ngày, sử dụng thuốc nhỏ mắt theo đúng liều lượng.
- Bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài: Đeo kính ra ngoài và ngay cả khi ở nhà để giúp mắt tránh được tia cực tím nguy hiểm từ mặt trời, khói bụi ô nhiễm.
- Hạn chế dùng thiết bị điện tử: Laptop, điện thoại, TV có các tia sáng xanh rất nguy hiểm, bạn nên hạn chế sử dụng để bảo vệ mắt.
- Sinh hoạt khoa học: Nên ngủ trước 10h tối để mắt có thời gian nghỉ ngơi, trao đổi chất. Nên vận động thể dục mỗi ngày để tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Áp dụng 1 số bài tập mắt theo hướng dẫn của bác sĩ để năng cao sức khỏe mắt.
- Ăn uống lành mạnh, đủ chất: Bổ sung nhiều dưỡng chất cho mắt trong các bữa ăn hàng ngày. Nên ăn nhiều loại hoa quả, rau củ chứa các loại vitamin, chất chống oxy hóa, chống lão hóa như: Cam, chuối, dâu, đu đủ, súp lơ, bông cải xanh, nấm, cà chua, bí ngô…
- Khám mắt định kỳ: Sau phẫu thuật bạn nên đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi quá trình phục hồi của mắt, đề phòng các biến chứng có thể xảy ra.
Bài viết trên đã giải đáp các thắc mắc xung quanh vấn đề thay thủy tinh thể được mấy lần? Ngoại trừ trường hợp sai độ, sai, lệch vị trí người bệnh mới cần mổ đục thủy tinh thể lần 2. Hãy chia sẻ bài viết với người thân, bạn bè để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!