Hoa mắt chóng mặt là gì
Nhiều người vẫn bị nhầm lẫn hoa mắt, chóng mặt là cùng một biểu hiện. Thực tế, xét về phương diện y khoa, hoa mắt và chóng mặt là hai cảm giác với những biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Trong đó:
- Hoa mắt là cảm giác mặt mày bị xây xẩm, tối sầm; như sắp bị té xỉu khi bạn thay đổi tư thế hoạt động. Triệu chứng này có thể kéo dài trong khoảng thời gian từ vài giây đến vài phút. Tình trạng hoa mắt có thể mất dần khi người bệnh được nằm nghỉ ngơi. Ở trường hợp nặng hơn có thể gây ra bất tỉnh. Ở một số bệnh nhân sẽ có thêm cảm giác buồn nôn và ói mửa.
-
Chóng mặt là cảm giác quan sát thấy đồ vật xung quanh mình chuyển động, quay tròn theo nhiều hướng khác nhau. Người bệnh cảm giác như mình bị xoay vòng vòng, mất thăng bằng và có thể bị té ngã. Khi gặp cơn chóng mặt nặng, người bệnh sẽ thấy buồn nôn và ói mửa, khó khăn trong việc di chuyển, đi lại, nhiều trường hợp bị mất cân bằng và té ngã.
Vì sao có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt đột ngột?
Hoa mắt chóng mặt xảy ra đột ngột khi bạn thay đổi tư thế hoạt động là do sự suy giảm lưu lượng máu cung cấp oxy cùng các chất dinh dưỡng lên não bộ một cách đột ngột, tạm thời hay kéo dài gây nên. Các tế bào thần kinh bị thiếu đi năng lượng nên các hoạt động cùng chức năng của cơ thể đều bị ảnh hưởng rất nhiều gây nên nhiều triệu chứng bất thường trong đó có chóng mặt hoa mắt.
Đối tượng mắc chứng hoa mắt chóng mặt
Hoa mắt, chóng mặt là tình trạng phổ biến có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi. Nhưng nó thường xuất hiện nhiều nhất ở nhóm người già.
- Người cao tuổi: Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể kéo theo nhiều bệnh lý toàn thân ở những người già có thể gây ra tình trạng hay bị hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt; mày.
-
Người trẻ tuổi: Do áp lực học tập, công việc và cả những áp lực trong đời sống, chế độ sinh hoạt,ăn uống thiếu khoa học với những thói quen sống vội có thể gây ra nhiều bệnh lý có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt.
Cả 2 nhóm đối tượng trên đều có thể mắc chứng hoa mắt chóng mặt nếu mắc phải các bệnh lý mạn tính nguy hiểm như tim mạch, suy nhược thần kinh, cao huyết áp....
Đặc biệt là những ai làm công việc lao động trí óc. Một ngày làm việc liên tục 8 tiếng trong môi trường máy lạnh dễ làm cột sống nhiễm lạnh khiến cho máu lưu thông lên não kém. Cùng với đó, áp lực công việc cùng thói quen ngồi làm việc một chỗ trong thời gian dài khiến bạn bị căng thẳng đầu óc dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não gây hoa mắt, chóng mặt.
Phân loại mức độ hoa mắt chóng mặt
Hoa mắt, chóng mặt thường được phân loại theo mức độ bị nhẹ hay nặng của người bệnh. Cụ thể có 3 loại như sau:
1. Hoa mắt, chóng mặt cấp độ nhẹ
Người bệnh lúc này có cảm giác hoa mắt, đầu óc hơi choáng váng, nặng nề khi nằm xuống, ngồi dậy hay đứng lên đi lại, vận động gặp phải khó khăn, không thể diễn ra bình thường được.
2. Hoa mắt chóng mặt cấp độ vừa
Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, khó khăn trong việc thay đổi tư thế hoạt động. Khi di chuyển, đi lại sẽ thấy người bị lảo đảo như say rượu, mọi vật xung quanh không còn ở trạng thái cố định nữa. Lúc này hoa mắt, chóng mặt có thể đi kèm triệu chứng buồn nôn và nôn mửa.
3. Hoa mắt chóng mặt cấp độ nặng
Biểu hiện của người bệnh lúc này rất khó chịu, thay đổi tư thế rất khó khăn, thậm chí không thể thay đổi tư thế: Không thể nhấc người lên được, không thể ngồi dậy, đi lại. Đầu óc cảm thấy như bị đè, ép. Di chuyển cần phải có người đỡ, kèm cặp không sẽ bị té ngã.; Bị quay cuồng khi nhìn mọi vật xung quanh. Nhiều người gặp phải tình trạng nôn mửa dữ dội.
Dấu hiệu hoa mắt chóng mặt có nguy hiểm không?
Thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt khiến cho nhiều người cao tuổi luôn ở trong trạng thái hạn chế tối đa những hoạt động thể chất và cả hoạt động xã hội.
Nếu tình trạng kéo dài và không thể cải thiện được có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm ở cơ thể như: Rối loạn tiền đình, huyết áp thấp, suy nhược thần kinh, viêm tai giữa…
- Nếu dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt chỉ xuất hiện thoáng qua và biến mất nhanh chóng: Thi thoảng các triệu chứng này có thể bị lặp lại nhưng chỉ trong thời gian ngắn thì thường sẽ là lành tính. Bạn không cần quá lo lắng, chỉ cần chú ý để cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ, thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học hàng ngày, dần dần tình trạng này sẽ được cải thiện và biến mất hoàn toàn.
- Nếu dấu hiệu hoa mắt chóng mặt xuất hiện kéo dài (trên 30 phút): Thậm chí các cơn đau cấp độ nặng tăng dần, diễn ra ngày càng thường xuyên, liên tục mà bạn không thể lý giải nguyên nhân, hãy cẩn trọng vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm.
Hoa mắt chóng mặt còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm khác như chấn thương. Khi cơ thể trong trạng thái mất cân bằng, bất ổn có thể làm người bệnh bị té, ngã. Tùy mức độ có thể dẫn tới tổn thương những bộ phận khác trên cơ thể. Thậm chí thể để lại những hiệu quả nghiêm trọng, nặng nề cho cơ thể. Nên bạn tuyệt đối không được chủ quan khi bị hoa mắt chóng mặt.
Khi gặp phải tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên nhất là ở những người già thì cần phải đi kiểm tra sức khỏe tổng quát ngay để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
7 nguyên nhân gây ra hoa mắt chóng mặt thường gặp
Nguyên nhân gây hoa mắt chóng mặt chủ yếu bắt nguồn từ các bệnh lý toàn thân gây ra cùng chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh. Dưới đây sẽ là 7 nguyên nhân thường gặp
1. Do tụt huyết áp
Hoa mắt, chóng mặt khiến cho đầu óc bạn thấy quay cuồng, khó chịu khi thay đổi tư thế hoạt động theo nghiên cứu đa phần do tình trạng huyết áp giảm đột ngột. Kéo theo tình trạng não không nhận được lượng máu cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng, suy giảm lượng máu đột ngột, tạm thời hoặc kéo dài.
2. Do các bệnh lý liên quan đến tiền đình
Chóng mặt hoa mắt thường là biểu hiện bất thường của hệ tiền đình. Ở đây tiền đình là một hệ thống thần kinh nằm sau tai giúp duy trì sự thăng bằng của cơ thể trong các hoạt động hàng ngày. Các nhóm thần kinh trong não bộ sẽ điều khiển sự hoạt động của hệ thống tiền đình.
Khi cơ thể gặp phải sự rối loạn trong hoạt động của hệ thống tiền đình khiến não không thể nhận biết tư thế của đầu, gây ra mất cân bằng cơ thể, xuất hiện tình trạng chóng mặt, hoa mắt.
Một số bệnh lý liên quan đến tiền đình có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
- Rối loạn tiền đình: Bao gồm bệnh Meniere, viêm tiền đình ốc tai…
- Suy giảm tưới máu lên hệ thống tiền đình: Thường do bệnh lý viêm hay xơ vữa hệ tuần hoàn sau của não gây ra.
3. Do nhịp tim bất thường, các bệnh lý về tim
Tuy nguyên nhân này ít phổ biến nhưng vẫn có thể xảy đến. Đau đầu có thể gặp ở những bệnh nhân có nhịp tim bất thường, có thể gây ra bất tỉnh. Với những trường hợp đau đầu kèm theo nhịp tim không ổn định, bất tỉnh không tìm được nguyên do cần phải đi gặp bác sĩ để thăm khám và kiểm tra.
Ở những bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý về tim như: Hẹp động mạch chủ, suy tim,... cũng dễ bị hoa mắt, chóng mặt.
4. Do thiếu máu
Một nguyên nhân khác, nghiêm trọng hơn được nghiên cứu ở biểu hiện hoa mắt chóng mặt có thể là do tình trạng cơ thể chúng ta bị thiếu máu.
Mất máu ở cơ thể nếu trong trường hợp quan sát được, chúng ta có biện pháp can thiệp kịp thời để cầm máu. Nhưng cũng có những trường hợp bị chảy máu trong cơ thể mà chúng ta không thể phát hiện được bằng mắt thường như chảy máu dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa…
Máu ra nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ cũng có thể gây ra hiện tượng hoa mắt.
5. Do các bệnh lý khác
Hoa mắt chóng mặt còn có thể do bạn đang mắc phải một số bệnh như:
- Tiêu chảy
- Cảm cúm
- Sốt
- Bị dị ứng
Các bệnh lý trên thường dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước, thở gấp, thở sâu sẽ đi kèm với hiện tượng hoa mắt.
Một số bệnh lý mạn tính khác có thể gặp phải tình trạng hoa mắt chóng mặt ở mức độ ít hơn như: Người có bướu nhỏ mọc ở phía sau của màng nhĩ, bướu não, ung thư di căn, đột quỵ… Ở những người thường xuyên trong trạng thái lo âu, căng thẳng cũng có thể gặp phải tình trạng này
6. Do sử dụng chất kích thích quá mức
Ở những người thường xuyên sử dụng các chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá hay các loại thuốc gây ảo giác khác… Tác động trực tiếp đến dây thần kinh thị giác cũng có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, đau đầu.
7. Do dùng thuốc
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dược phẩm có tác dụng phụ gây chóng mặt, hoa mắt ở người sử dụng. Hoặc sử dụng quá nhiều một loại dược phẩm cũng có thể gây ra tình trạng xây xẩm mặt mày, choáng váng cho cơ thể.
Đôi khi gặp ở những người thường xuyên uống bia rượu, khi sử dụng các loại dược phẩm sẽ gây tương tác dẫn tới tình trạng chóng mặt, hoa mắt. Vì vậy cần phải tránh xa rượu bia khi đang sử dụng dược phẩm.
Khi bệnh nhân sử dụng dược phẩm mà thấy bị chóng mặt hay hoa mắt cần ngưng sử dụng và thông báo ngay với bác sĩ chỉ định để được tư vấn, hỗ trợ.
3 biện pháp khắc phục triệu chứng hoa mắt chóng mặt hiệu quả tại nhà
Với những trường hợp chóng mặt hoa mắt cấp độ nhẹ bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục được ở nhà mà không cần sử dụng đến thuốc. Có thể áp dụng 3 phương pháp phổ biến sau đây:
1. Nghỉ ngơi thư giãn, kết hợp bấm huyệt
Khi gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt bạn nên lập tức dừng ngay các công việc đang làm, ngồi hoặc nằm nghỉ luôn sau đó. Nơi nghỉ ngơi cần phải thoáng mát và yên tĩnh. Trong trường hợp nhẹ, kết hợp dùng cao dán, day bấm huyệt… sẽ làm triệu chứng giảm dần và biến mất.
2. Tự xoa bóp các bộ phận trên mặt và quanh đầu
Trong lúc nằm nghỉ bạn có thể tự mình xoa bóp để làm dịu cơn đau đầu chóng mặt. Bạn hãy lần lượt thực hiện các động tác:
- Xoa, miết trán dọc 2 bên lông mày để điều hòa khí huyết.
- Xoa lên xuống 2 bên sau gáy để giúp máu lưu thông lên não,
- Xoa hai ổ mắt thật nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ để khai thông khí huyết.
- Xoa chính giữa đỉnh đầu để giúp dịu bớt cơn đau, ổn định cảm xúc.
3. Uống nước gừng tươi
Khi bị hoa mắt chóng mặt cấp độ nặng, bấm huyệt, cao dán hay tự xoa bóp không cải thiện được tình trạng bạn có thể uống nước gừng tươi để cải thiện tình hình. Công thức như sau:
- 10g gừng tươi
- 150ml nước sôi ở 100 độ C
- 1 thìa đường kính
Cách thực hiện: Làm sạch gừng, giã nhỏ, đổ 150ml nước sôi vào khuấy đều rồi gạn lấy nước. Thêm vào hỗn hợp 1 thìa đường kính, khuấy đều, uống ngay lúc hỗn hợp còn nóng. Nước gừng tươi có tác dụng giảm hoa mắt, chóng mặt, chống buồn nôn rất tốt.
Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài, gia tăng cấp độ nặng, bạn cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám mắt và tư vấn.
Dùng thuốc trong trường hợp này cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân tuyệt đối không tự xử lý y tế tại nhà vì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bị hoa mắt, chóng mặt là những triệu chứng cực kỳ khó chịu, có thể khiến người bệnh thấy sợ hãi, là nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nên khi gặp phải tình trạng này kéo dài bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát để tìm ra nguyên nhân để có phương án giúp điều trị dứt điểm.
Phải làm gì để phòng tránh hoa mắt chóng mặt?
Tùy thuộc vào từng bệnh lý cụ thể sẽ có cách phòng ngừa và điều trị dứt điểm triệu chứng chóng mặt hoa mắt. Việc thiết lập một lối sống khoa học, lành mạnh có thể phòng tránh hoặc góp phần đẩy lùi tình trạng khó chịu này.
Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh
- Uống đủ nước: Bạn cần uống đủ nước mỗi ngày, khi vận động nhiều bị khát nước, nhất là trong điều kiện trời nóng cần phải bổ sung thêm nước.
- Ăn uống lành mạnh: Hoa mắt chóng mặt nên ăn gì? Bạn hãy thêm nhiều rau xanh cùng trái cây tươi trong khẩu phần ăn mỗi ngày của bạn để cung cấp thêm dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày, đẩy lùi bệnh tật.
- Kiêng ăn thực phẩm không tốt: Hạn chế ăn các loại thực phẩm chiên rán, đường cùng các chế phẩm từ đường, đồ ăn nhanh, đóng hộp sẵn… Các loại đồ ăn quá ngọt hay quá mặn có nguy cơ làm gia tăng các gốc tự do có hại cho cơ thể, gây ra các bệnh lý nguy hiểm với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt.
- Tránh xa các chất kích thích: Những chất có cồn như rượu, bia… các chất kích thích như cà phê, thuốc lá nên tránh xa vì chúng tác động mạnh mẽ đến hệ thống thần kinh của chúng ta, có thể gây chóng mặt, hoa mắt và nhiều bệnh lý toàn thân khác.
Hạn chế việc đột ngột thay đổi tư thế
Bạn nên tránh việc thay đổi tư thế hoạt động đột ngột, đặc biệt là chuyển tư thế nằm sang ngồi dậy hoặc đứng lên. Các tư thế chuyển đổi này nên được thực hiện từ từ. Khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi dậy bạn nên đợi một lúc rồi hãy đứng lên để tránh tình trạng đứng lên bị hoa mắt.
Chú ý: Khi chuyển đổi giữa các tư thế hãy luôn nhìn thẳng về phía trước, giữ đầu không cúi xuống hay xoay chuyển đầu qua lại.
Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày
Chỉ cần 20- 30 phút tập luyện thể dục mỗi ngày có thể giúp bạn nâng cao sức khỏe thể chất và và tinh thần rồi.
Ở những người hay bị hoa mắt chóng mặt, các bài tập phục hồi chức năng hệ tiền đình có thể giúp thăng bằng và giảm nguy cơ tái phát bệnh lâu dài. Những bài tập này thường có sự hướng dẫn của các bác sĩ. Tập phục hồi chức năng hệ tiền đình có thể áp dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Sau cùng, thiết lập thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ăn đúng giờ, nghỉ đúng giấc, tránh căng thẳng tinh thần, lo lắng quá mức sẽ giúp chúng ta phòng tránh được các rối loạn trên.
Tóm lại, hoa mắt chóng mặt có thể là biểu hiện của của nhiều bệnh lý. Khi tình trạng kéo dài, thường xuyên,bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám để có hướng điều trị phù hợp. Chia sẻ bài viết này với người thân, bạn bè để có thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!