Người bệnh đục thủy tinh thể có nên mổ không?
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa. Bệnh lý này thường gặp ở người cao tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Những người trên 50 tuổi đều có nguy cơ bị bệnh.
Bệnh lý này thường tiến triển chậm. Đục thủy tinh thể gây suy giảm thị lực khiến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Thủy tinh thể trong suốt bị vẩn đục ngày càng nhiều theo thời gian, đến khi quá chín sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: tăng nhãn áp… dẫn đến phản ứng viêm màng bồ đào, mắt không thể điều tiết khiến người bệnh bị đau đầu dữ dội.
Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến teo thần kinh mắt, lúc này dù có can thiệp bằng phẫu thuật cũng rất khó phục hồi thị lực trở lại, nhiều trường hợp sẽ bị mù lòa vĩnh viễn.
Với phần thủy tinh thể bị đục, để càng lâu nó càng bị cứng, xơ hóa, dễ dẫn đến viêm nhiễm môi trường trong suốt bị đục hết càng gây khó khăn khi phẫu thuật, dễ tổn thương đến các vùng xung quanh.
Vậy đục thủy tinh thể có nên mổ không? Lời khuyên từ các chuyên gia là bệnh nhân nên phẫu thuật đục thủy tinh thể càng sớm càng tốt để thị lực được phục hồi tốt nhất và hạn chế biến chứng nguy hiểm. Hơn nữa nếu đục quá nhiều khiến bác sĩ không thể quan sát phần sau của mắt để phát hiện các bệnh khác của đáy mắt.
Khi nào cần mổ đục thủy tinh thể?
Để biết chính xác khi nào nên mổ đục thủy tinh thể bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn, xác định thời điểm nào nên thay thủy tinh thể.
Giai đoạn nhẹ
Khi bệnh đục thủy tinh thể được phát hiện ở giai đoạn đầu, thị lực chưa bị suy giảm nhiều thì bệnh nhân chưa cần thiết phải phẫu thuật. Lúc này bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đeo kính hoặc sử dụng kính lúp để hỗ trợ thị lực, thăm khám mắt định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được tư vấn dùng thêm các loại thuốc bổ mắt kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học hàng ngày để cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho mắt. Điều chỉnh lại sinh hoạt để mắt có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, hạn chế tình trạng phát triển nhanh của bệnh.
Giai đoạn nặng
Khi đeo kính và dùng thuốc không thể giúp bệnh nhân cải thiện thị lực được nữa. Các sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nhiều. Một số biểu hiện thường gặp như:
- Thị lực suy giảm nhiều: Bệnh nhân nhìn mờ hơn, độ tương phản kém.
- Mức độ nhạy cảm với ánh sáng tăng: Chói mắt khi gặp ánh sáng mạnh, nhìn ngoài sáng khó khăn hơn nhìn trong bóng râm.
- Song thị: Nhìn một vật thành 2 hay nhiều vật.
- Lóa mắt: Thấy quầng sáng quanh ánh đèn gây khó chịu.
- Thị lực về đêm kém: Bệnh nhân thấy khó nhìn khi cường độ ánh sáng thấp vào buổi tối.
Vậy khi nào mổ đục thủy tinh thể? Khi thị lực suy giảm khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như:
- Không thể tự lái xe một cách an toàn nhất là vào buổi tối
- Khó khăn khi đọc sách, đọc báo, xem tivi…
- Khó khăn trong các hoạt động khác như: Leo cầu thang, nấu ăn, lấy đồ vật…
- Cần phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác để hoàn thành công việc..
- Nhận diện khuôn mặt của người đối diện kém
- Khó chịu khi nhìn vào ánh sáng của những chiếc đèn…
Lúc này bệnh nhân cần được phẫu thuật thay thủy tinh thể để hồi phục thị lực. Một số người cho rằng mắt vẫn còn nhìn được thì không cần phải đi mổ. Chờ đến khi mắt không nhìn thấy nữa mới đi phẫu thuật. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm.
Người bệnh đục thủy tinh thể nên được mổ càng sớm càng tốt để hiệu quả điều trị được cao. Nếu chờ đến khi mắt không thể nhìn thấy nữa mới đi phẫu thuật thì sẽ gặp nhiều khó khăn, cơ hội thành công cũng không cao, tăng biến chứng gặp phải sau mổ.
Phẫu thuật điều trị bệnh đục thủy tinh thể như nào?
Dành cho bạn vẫn còn thắc mắc không biết đục thủy tinh thể có nên mổ không? Hiện nay phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo (phẫu thuật Phaco) là phương pháp hiệu quả nhất và duy nhất có thể điều trị căn bệnh này.
Thực hiện phẫu thuật Phaco bác sĩ sẽ dùng năng lượng sóng siêu âm để tán nhỏ phần thủy tinh thể bị đục thành các mảnh rồi hút ra ngoài theo 1 vết mổ nhỏ không cần phải khâu, và thay thế vào đó 1 thấu kính nhân tạo khác.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo
Phẫu thuật Phaco hiện tại là phương pháp an toàn, hiệu quả và tiên tiến nhất hiện nay với nhiều ưu điểm như:
- Vết mổ nhỏ chỉ 2.2 mm không để lại sẹo.
- Tổng thời gian phẫu thuật nhanh chỉ trong vòng 20- 30 phút.
- Biến chứng sau phẫu thuật ít, dường như không gây chảy máu, ít đau.
- Bệnh nhân lấy lại thị lực nhanh chóng.
- Phẫu thuật xong bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.
Sau khi mổ bệnh nhân sẽ thu được những kết quả như: Cải thiện thị lực. Sinh hoạt bình thường, các hoạt động diễn ra dễ dàng: Lái xe, di chuyển, đọc sách…. chất lượng cuộc sống được nâng cao. Giảm thiểu nguy cơ chấn thương do té ngã hoặc tai nạn.
Một số hạn chế có thể gặp phải
Sau phẫu thuật người bệnh vẫn có thể gặp phải một số rủi ro tuy không nhiều. Nhất là ở những người đã có tiền sử bệnh lý nền toàn thân như: Tiểu đường, cao huyết áp hay các bệnh lý khác về mắt thì nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn.
Một số biến chứng thường gặp như: Đục bao sau thủy tinh thể, nhiễm trùng, bong võng mạc, chảy máu, nặng nhất là sẽ mất thị lực hoàn toàn…
Vì vậy trước khi tiến hành phẫu thuật bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận. Lưu ý thêm một số biến chứng có thể gặp phải. Nên tiến hành phẫu thuật khi lợi ích nó mang lại lớn hơn nguy cơ bệnh nhân phải đối diện.
Bài viết trên đây đã giải đáp đầy đủ các thắc mắc xung quanh vấn đề đục thủy tinh thể có nên mổ không? Bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa thăm khám để được tư vấn, hỗ trợ. Tùy vào tình trạng bệnh lý để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Chia sẻ bài viết với người thân, bạn bè để có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!