Loét giác mạc là gì?
Loét giác mạc là một tình trạng nhiễm trùng mắt gây ra các vết loét hở trên giác mạc. Các triệu chứng và biến chứng của loét giác mạc có thể khác nhau tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh (1).
Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm khuẩn, nấm, virus, hoặc ký sinh trùng như Acanthamoeba (thường tồn tại trong nước bị ô nhiễm). Tổn thương giác mạc có thể bắt đầu từ các yếu tố như:
- Khô mắt nghiêm trọng.
- Vật lạ gây trầy xước hoặc xâm nhập vào mắt.
- Kích ứng từ kính áp tròng, đặc biệt là khi đeo kính áp tròng trong khi ngủ hoặc không vệ sinh kính đúng cách.
>> Có thể bạn quan tâm: Cách Nhận Biết và Điều Trị Sớm Viêm Loét Giác Mạc
Loét giác mạc do virus, thường do herpesvirus, có thể tái phát do căng thẳng về thể chất hoặc xuất hiện một cách tự nhiên. Thiếu hụt vitamin A và protein cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến loét giác mạc.
Khi mí mắt không khép lại đúng cách, giác mạc có thể bị khô và kích ứng, dẫn đến nguy cơ phát triển vết loét. Ngoài ra, các vấn đề như lông mi mọc ngược, mi mắt lật vào trong (quặm), hoặc viêm bờ mi cũng có thể gây ra loét giác mạc. Một số bệnh lý như đái tháo đường không kiểm soát tốt cũng là yếu tố nguy cơ.
Triệu chứng của loét giác mạc
Loét giác mạc thường gây ra các triệu chứng như đỏ mắt, đau nhức, cảm giác có dị vật trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt nhiều. Vết loét thường xuất hiện dưới dạng một đốm trắng hoặc mờ xám trên giác mạc và có thể lan rộng hoặc ăn sâu vào giác mạc. Mủ có thể tích tụ phía sau giác mạc, đôi khi tạo thành một lớp trắng ở đáy giác mạc (gọi là mủ tiền phòng). Kết mạc mắt thường đỏ và các triệu chứng cũng như biến chứng sẽ nghiêm trọng hơn khi vết loét tiến triển sâu.
Biến chứng của viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:
- Sẹo giác mạc: Sau khi điều trị, vết loét giác mạc có thể lành lại, nhưng thường để lại sẹo đục trên giác mạc, gây suy giảm thị lực.
- Nhiễm trùng sâu: Tình trạng viêm loét có thể lan sâu vào các lớp của giác mạc, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương nghiêm trọng.
- Thủng giác mạc: Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm loét giác mạc có thể dẫn đến thủng giác mạc, gây thoát dịch trong mắt và làm lệch mống mắt.
Đối với các trường hợp giác mạc bị tổn thương nghiêm trọng, phương pháp cấy ghép giác mạc có thể được áp dụng. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi tìm người hiến giác mạc phù hợp và chi phí thực hiện cũng khá cao.
>> Xem thêm: Sau đau mắt đỏ, người bệnh cẩn trọng với tổn thương giác mạc
Chẩn đoán viêm loét giác mạc
Bác sĩ sẽ đánh giá vết loét giác mạc bằng cách sử dụng đèn khe, một thiết bị giúp kiểm tra mắt dưới độ phóng đại cao. Để xác định rõ vết loét, bác sĩ có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa chất nhuộm màu fluorescein, giúp phát hiện các vùng giác mạc bị tổn thương mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cạo nhẹ bề mặt của các vết loét lớn để lấy mẫu, sau đó nuôi cấy mẫu này để xác định tác nhân gây nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm, virus, hoặc ký sinh trùng). Sau khi xác định được tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để điều trị.
Điều trị viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc là một tình trạng cấp cứu cần được điều trị ngay lập tức. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng virus, hoặc kháng nấm: Những loại thuốc này thường cần được sử dụng ngay lập tức và phải dùng thường xuyên, thậm chí hàng giờ trong vài ngày đầu điều trị.
- Thuốc nhỏ làm giãn mắt: Các loại thuốc như atropine hoặc scopolamine có thể được sử dụng để giảm đau và hạn chế nguy cơ biến chứng.
Trong trường hợp nghiêm trọng, ghép giác mạc có thể là cần thiết.
>> Tìm hiểu: Phương pháp điều trị viêm loét giác mạc do vi khuẩn gây ra
Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Để giảm nguy cơ viêm loét giác mạc, đặc biệt ở những người thường xuyên đeo kính áp tròng, cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Thay kính áp tròng theo đúng thời hạn khuyến cáo.
- Đeo kính bảo vệ mắt khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Không đeo kính áp tròng khi ngủ.
- Tháo kính áp tròng khi bơi.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi đeo hoặc tháo kính áp tròng.
- Sử dụng dung dịch vệ sinh kính áp tròng chuyên dụng, không thay thế bằng nước thường hoặc pha loãng dung dịch.
- Điều trị và kiểm soát các bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
Viêm loét giác mạc có nguy hiểm không?
Viêm loét giác mạc nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sẹo giác mạc, viêm mãn tính, và thủng giác mạc. Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ, cần đến khám tại các chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Có nên sử dụng thuốc nhỏ mắt khi bị viêm loét giác mạc?
Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt khi bị viêm loét giác mạc phải dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc nhỏ mắt như kháng sinh, kháng nấm, kháng virus, và có thể kết hợp với thuốc kháng viêm. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng và phối hợp các loại thuốc để đạt hiệu quả điều trị cao và tránh biến chứng.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao; sẽ giúp bạn bảo về đôi mắt và phòng tránh các bệnh về mắt. Để đăng ký khám bệnh, bạn có thể đến khám trực tiếp hoặc liên hệ đặt lịch thông qua tổng đài theo số Hotline: 1900 277 227 hoặc đặt lịch khám Online thông qua Website của Bệnh viện Mắt Hà nội 2 tại đây.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
|
Nguồn tham khảo: |