THÔNG TIN CẦN BIẾT

Tăng nhãn áp có phải là cận thị không? Tìm hiểu từ A đến Z

28-02-2023
Tăng nhãn áp và cận thị là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Sự tương đồng về một vài triệu chứng khiến nhiều người lầm tưởng chúng là một. Nếu không được chẩn đoán, điều trị chính xác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt.

1. Tăng nhãn áp có phải là cận thị hay không?

Tăng nhãn áp không phải là cận thị. Đây là 2 tình trạng bệnh lý mạn tính của mắt, tuy nhiên lại hoàn toàn khác nhau từ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm đến cách điều trị.

Để giúp bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa tăng nhãn áp và cận thị, hãy cùng tham khảo bảng so sánh dưới đây.

 

Tăng nhãn áp

Cận thị

Dấu hiệu

Tăng áp lực bên trong trong nhãn cầu, làm tổn hại đến các dây thần kinh của mắt gây suy giảm thị lực.

Tật khúc xạ ở mắt khiến người bệnh chỉ có thể nhìn rõ vật ở khoảng cách gần trong khi thị lực xa thì không tốt.

Nguyên nhân

Thủy dịch bên trong mắt tăng sản xuất hoặc hệ thống thoát lưu thủy dịch của mắt có vấn đề bất thường.

Do sự gia tăng chiều dài trục nhãn cầu, hoặc do sự cong quá mức của giác mạc, làm cho hình ảnh nằm ở một điểm phía trước võng mạc.

Yếu tố nguy cơ

Di truyền, tuổi tác, chấn thương ở mắt, tiền sử viêm nhiễm mắt, sử dụng thuốc có chứa steroid.

Di truyền, thói quen sinh hoạt, sinh non, nhẹ cân khi sinh, thiếu vận động ngoài trời.

Mức độ nguy hiểm

Tổn thương thần kinh thị giác không thể hồi phục, có thể dẫn tới mù lòa nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Độ cận có thể kiểm soát, nhưng nếu để cận thị tiến triển nhanh sẽ dẫn tới cận nặng và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trên đáy mắt.

Điều trị

Dùng thuốc hạ áp, laser hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên chỉ có hiệu quả khi phát hiện sớm, có tác dụng dự phòng hoặc làm chậm tiến triển của bệnh.

  • Kính gọng 
  • Trường hợp không muốn dùng kính gọng, thì có thể phẫu thuật tật khúc xạ (FemtoLASIK, SMILE, Phakic ICL,... ) cho người trên 18 tuổi. Đeo kính áp tròng ban đêm Ortho-K hoặc dùng kính gọng cho người chưa đủ 18 tuổi.

 

2. Mối liên hệ giữa tăng nhãn áp và cận thị

Mặc dù không phải là cùng một bệnh lý nhưng cận thị và tăng nhãn áp lại có mối liên hệ với nhau. Cận thị nặng (độ cận trên 6 diop) là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh glaucoma - bệnh lý tổn thương thị thần kinh do tăng nhãn áp.

Nguyên nhân do trục nhãn cầu dài ra khi độ cận cao, làm căng giãn võng mạc khiến các sợi thần kinh thị giác dễ bị tổn thương hơn khi áp lực nội nhãn tăng.

3. Cách phân biệt tăng nhãn áp và cận thị

Triệu chứng của cận thị và tăng nhãn áp thường không quá khó khăn trong chẩn đoán đối với bác sĩ chuyên khoa Mắt, nhưng thường bị bỏ quên do chủ quan và không đi thăm khám mắt định kỳ. Bệnh tăng nhãn áp không thể chủ quan nếu không sẽ gây mất thị lực vĩnh viễn, do đó cách tốt nhất là đến bệnh viện, phòng khám uy tín để được kiểm tra chính xác nhất.

Bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra chi tiết như:

  • Đo thị lực và thử kính.
  • Đo nhãn áp.
  • Soi góc tiền phòng.
  • Chụp OCT để đánh giá chính xác tình trạng thương tổn thần kinh thị giác.
  • Đo thị trường.

Đối với người có tiền sử gia đình bị tăng nhãn áp hoặc cận thị, cần khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần vì 2 tình trạng này đều có thể di truyền và biến chứng  có thể gây mù mắt.

Nội dung trên đây đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi “Tăng nhãn áp có phải là cận thị không?”. Người bệnh khi có dấu hiệu bất thường cần thăm khám bác sĩ mới có thể xác định chính xác căn bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích này đến với người thân, bạn bè để có thêm kiến thức giúp chăm sóc mắt tốt hơn.

Bài viết được cập nhật ngày 10/1/2024.

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN