Thoái hóa điểm vàng tuổi già - Bệnh gây mù lòa ở người lớn tuổi
14-08-2024
Share
Thoái hóa điểm vàng (hay thoái hóa hoàng điểm) là một bệnh lý gây tổn thương cho điểm vàng, khu vực trung tâm và quan trọng nhất của võng mạc, dẫn đến suy giảm dần thị lực trung tâm.
Thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm) tuổi già là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng mất thị lực trung tâm không thể phục hồi ở người lớn tuổi. Đây là tình trạng bệnh lý phổ biến như nhau ở nam và nữ (1).
Thoái hóa điểm vàng là tình trạng bệnh lý phổ biến như nhau ở nam và nữ
Những nguyên nhân phổ biên gây thoái hóa điểm vàng ở tuổi già
Thoái hóa điểm vàng do tuổi già (AMD - Age-related Macular Degeneration) có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ sau:
Tuổi tác
Tiền sử gia đình
Hút thuốc lá
Một số bất thường di truyền
Bệnh tim mạch (bệnh xơ vữa động mạch)
Huyết áp cao
Béo phì
Tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời
Chế độ ăn uống thiếu axit béo omega-3
Phân loại thoái hóa điểm vàng do tuổi già
Thoái hóa điểm vàng do tuổi già được chia thành hai loại chính: thể khô và thể ướt.
Thể khô: Chiếm khoảng 85% các trường hợp thoái hóa điểm vàng do tuổi già. Trong thể này, các mô của điểm vàng trở nên mỏng đi khi các tế bào dần biến mất. Các chất thải từ các tế bào hình que và tế bào hình nón tích tụ, tạo thành cặn gọi là "drusen" trong võng mạc. Thể khô thường ảnh hưởng đồng thời cả hai mắt, không gây sẹo, chảy máu hoặc các xuất tiết khác ở điểm vàng.
Thể ướt: Dù ít gặp hơn, thể ướt chiếm đến 80-90% các trường hợp mất thị lực nghiêm trọng do thoái hóa điểm vàng. Thể này phát triển khi các mạch máu bất thường từ hắc mạc (lớp mạch máu nằm giữa võng mạc và củng mạc) phát triển dưới hoàng điểm, gây xuất tiết và xuất huyết. Cuối cùng, mô sẹo hình thành dưới điểm vàng. Thể ướt thường bắt đầu ở một mắt nhưng có thể lan sang cả hai mắt sau đó.
Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng do tuổi già
Thoái hóa điểm vàng tuổi già thể khô
Tiến triển và triệu chứng: Thoái hóa điểm vàng thể khô phát triển một cách chậm rãi và không gây đau trong nhiều năm. Bệnh nhân thường không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng thường ảnh hưởng đến cả hai mắt. Thị lực trung tâm dần dần bị mờ đi, khiến việc nhìn rõ các chi tiết nhỏ trở nên khó khăn. Đọc chữ trở nên khó hơn, và bệnh nhân có thể bắt đầu nhận thấy sự xuất hiện của các điểm mù ở trung tâm thị giác. Khi bệnh nặng hơn, thị lực trung tâm có thể bị suy giảm nghiêm trọng, mặc dù thị lực ngoại vi vẫn còn tương đối nguyên vẹn.
Thoái hóa điểm vàng tuổi già thể ướt
Tiến triển và triệu chứng: Thoái hóa điểm vàng thể ướt tiến triển nhanh chóng, thường trong vài ngày đến vài tuần, và có thể xuất hiện đột ngột nếu một trong các mạch máu bất thường dưới điểm vàng bị vỡ. Triệu chứng đầu tiên thường là vùng tầm nhìn trung tâm trở nên mờ, gợn sóng, hoặc méo mó, trong khi tầm nhìn ngoại vi thường không bị ảnh hưởng. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc đọc, theo dõi chữ trên báo hoặc hình ảnh trên TV. Thoái hóa điểm vàng thể ướt thường bắt đầu ở một mắt, nhưng có thể ảnh hưởng đến mắt còn lại theo thời gian.
Hậu quả: Cả hai thể thoái hóa điểm vàng đều có thể dẫn đến suy giảm thị lực trung tâm nghiêm trọng và có khả năng dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Thoái hóa điểm vàng do tuổi già được chia thành hai loại chính: thể khô và thể ướt
Chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi già
Chẩn đoán thoái hóa điểm vàng do tuổi già (AMD) thường dựa trên các phương pháp kiểm tra mắt toàn diện và các kỹ thuật hình ảnh chuyên biệt như:
Khám mắt toàn diện: Qua việc sử dụng kính soi đáy mắt, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu tổn thương sớm của võng mạc, ngay cả khi bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng.
Chụp ảnh màu đáy mắt: Kỹ thuật này giúp bác sĩ quan sát chi tiết bề mặt võng mạc, nhận diện các dấu hiệu đặc trưng của thoái hóa điểm vàng, chẳng hạn như sự xuất hiện của "drusen" (cặn lắng võng mạc).
Chụp mạch huỳnh quang: Phương pháp này sử dụng thuốc nhuộm huỳnh quang tiêm vào tĩnh mạch, sau đó tiến hành chụp ảnh võng mạc để quan sát dòng chảy của máu qua các mạch máu dưới võng mạc. Chụp mạch huỳnh quang đặc biệt hữu ích trong việc chẩn đoán thoái hóa điểm vàng thể ướt, vì nó giúp phát hiện sự phát triển của các mạch máu bất thường và xác định chính xác vị trí rò rỉ.
Chụp cắt lớp quang học (OCT): Đây là kỹ thuật hình ảnh tiên tiến, sử dụng ánh sáng để tạo ra hình ảnh cắt lớp chi tiết của võng mạc. OCT giúp xác định độ dày của võng mạc và phát hiện các bất thường, chẳng hạn như sự tích tụ dịch dưới võng mạc, là dấu hiệu điển hình của thoái hóa điểm vàng thể ướt. Ngoài việc chẩn đoán, OCT còn được sử dụng để theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị, giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị một cách phù hợp.
Tổn thương võng mạc hầu như luôn luôn có thể nhìn thấy ngay cả trước khi các triệu chứng phát triển. Để xác định chẩn đoán thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt, các bác sĩ có thể chụp ảnh màu võng mạc hoặc chụp mạch huỳnh quang. Chụp cắt lớp quang học, có thể giúp chẩn đoán thoái hóa điểm vàng tuổi già thể ướt và đánh giá mức độ đáp ứng của người đó với điều trị (2).
Điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi già
Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào có thể hoàn toàn khôi phục tổn thương gây ra bởi thoái hóa điểm vàng thể khô. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ tiến triển của bệnh và bảo vệ thị lực.
Bổ sung chế độ ăn uống
Thực phẩm chức năng: Đối với những người bị thoái hóa điểm vàng ở giai đoạn trung bình hoặc tiến triển ở một mắt, việc bổ sung một số dưỡng chất đặc biệt được khuyến nghị. Các thành phần cần bổ sung bao gồm:
Kẽm và Đồng: Giúp duy trì chức năng thị giác và ngăn chặn quá trình tổn thương do oxy hóa.
Vitamin C và Vitamin E: Các chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào võng mạc.
Lutein và Zeaxanthin: Các carotenoid tự nhiên tích tụ trong võng mạc, giúp lọc ánh sáng xanh có hại và bảo vệ các tế bào võng mạc khỏi tổn thương.
Beta-carotene hoặc Vitamin A: Giúp duy trì thị lực và có thể hỗ trợ trong việc làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng.
Chế độ ăn uống: Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao và tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu axit béo omega-3 (như cá biển) cùng với rau lá xanh đậm (như cải bó xôi, cải xoăn) có thể giúp làm chậm tiến trình của bệnh.
Bổ sung dưỡng chất Lutein, thường có trong các loại rau lá xanh và một số loại củ, quả giúp trì hoãn sự tiến triển của bệnhĐiều trị bằng thuốc và thủ thuật laser
Thuốc tiêm nội nhãn: Trong trường hợp thoái hóa điểm vàng thể ướt, các loại thuốc như ranibizumab, bevacizumab, aflibercept hoặc brolucizumab có thể được tiêm trực tiếp vào mắt. Những loại thuốc này giúp ngăn chặn sự phát triển bất thường của các mạch máu mới và làm giảm sự rò rỉ dịch dưới võng mạc. Các mũi tiêm thường phải lặp lại sau mỗi 1 đến 3 tháng, có thể làm giảm nguy cơ mất thị lực và trong một số trường hợp, giúp khôi phục khả năng đọc.
Laser quang động: Một số trường hợp thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể được điều trị bằng liệu pháp laser quang động, sử dụng ánh sáng laser kết hợp với thuốc cảm quang để phá hủy các mạch máu bất thường mà không gây hại đến mô võng mạc xung quanh.
Phẫu thuật: Phẫu thuật hiếm khi được áp dụng trong điều trị thoái hóa điểm vàng thể ướt do những rủi ro liên quan và hiệu quả không chắc chắn.
Điều chỉnh và hỗ trợ thị lực
Công cụ hỗ trợ thị lực: Đối với những bệnh nhân bị suy giảm thị lực nghiêm trọng, các công cụ hỗ trợ như kính lúp, kính đọc sách đặc biệt, hoặc sách điện tử có thể giúp cải thiện khả năng đọc và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Các thiết bị này cho phép điều chỉnh kích thước phông chữ và mức độ tương phản, giúp người bệnh nhìn rõ hơn.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao; sẽ giúp bạn bảo về đôi mắt và phòng tránh các bệnh về mắt. Để đăng ký khám bệnh, bạn có thể đến khám trực tiếp hoặc liên hệ đặt lịch thông qua tổng đài theo số Hotline: 1900 277 227 hoặc đặt lịch khám Online thông qua Website của Bệnh viện Mắt Hà nội 2 tại đây.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 Điều trị bằng khối óc - Chăm sóc bằng trái tim
Địa chỉ: 72 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Tp.Hà Nội (nhận chỉ đường)