Một số bệnh về mắt và các bệnh toàn thân
Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)
- Bệnh đái tháo đường là một bệnh ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là khi đời sống xã hội được nâng cao. Ở các nước châu Âu và Mỹ, biến chứng mắt do bệnh ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động (20 - 65 tuổi). Ngay khi được phát hiện ĐTĐ đã có khoảng 20% số BN có biến chứng mắt rồi, còn sau khi bị bệnh từ 10 năm trở nên thì có tới 3/4 số BN sẽ bị biến chứng mắt. Ở những người không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc có các yếu tố nguy cơ khác như có thai, thiếu máu hoặc bệnh lý thận đi kèm thì biến chứng mắt sẽ xuất hiện sớm và nặng nề.

- Bệnh gây nên nhiều tổn thương ở các cơ quan bộ phận khác nhau như tim mạch, não, thận, mắt, thần kinh ngoại biên, cơ quan vận động… Ở mắt, đái tháo đường gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên nhiều biến chứng rất nặng nề như bệnh võng mạc đái tháo đường và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mắt khác như tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, glôcôm, đục thể thủy tinh... Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra là do tắc các vi mạch nhỏ và thoái hóa mô do kém nuôi dưỡng, dẫn đến phù tổ chức, tăng sinh mạch máu bất thường và xuất huyết vào trong mắt.
- Bệnh võng mạc đái tháo đường chia thành các giai đoạn khác nhau: giai đoạn chưa tăng sinh và giai đoạn tăng sinh. Mức độ biểu hiện chủ quan thường không hoàn toàn tương xứng với tổn thương của bệnh tại võng mạc. Hầu hết các trường hợp khi chưa có biến chứng nặng như phù võng mạc, xuất huyết võng mạc dịch kính thì thị lực suy giảm không nhiều, và bệnh nhân thường không chú ý đến. Tuy nhiên, ngay cả ở những giai đoạn này, các tổn thương ở võng mạc đã rất nhiều và khi đã xuất hiện biến chứng thì thường rất nặng, đòi hỏi các phương pháp điều trị rất phức tạp, để lại di chứng và hậu quả nặng nề cho mắt, làm suy giảm chức năng thị giác trầm trọng.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, sẽ tránh được những hậu quả trầm trọng do bệnh gây ra.
Bệnh cao huyết áp (Tăng huyết áp)
- Bệnh tăng huyết áp có thể gây nên khá nhiều biến chứng nặng về mắt. Giai đoạn sớm có thể chỉ là hiện tượng co thắt các mạch máu ở mắt. Với những thể tăng huyết áp nặng có thể gây nên xuất huyết võng mạc, phù võng mạc, phù gai thị, tắc động mạch trung tâm võng mạc gây mù… Người có bệnh tăng huyết áp cần khám theo dõi đáy mắt thường xuyên để phòng ngừa các biến chứng, và để theo dõi tiến triển các giai đoạn của bệnh này.
U tuyến yên, U não, Tai biến mạch máu não và các bệnh khác ở sọ não...
- Một số các bệnh ở hệ thống thần kinh như trên có thể gây nên các rối loạn về thị lực và thị trường. Bệnh nhân thấy mắt mình có những triệu chứng không ổn, nhìn mờ hoặc hẹp thị trường có khi không cảm nhận được rõ ràng. Đến khám mắt tại các cơ sở chuyên khoa có máy móc tiên tiến, chụp đáy mắt phát hiện các bất thường về thần kinh thị giác, làm thị trường tự động phát hiện các rối loạn khiếm khuyết thị trường sẽ cho phép định hướng đến các tổn thương ở não.

- Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chụp CT hoặc MRI sọ não. Khi phát hiện đúng tổn thương, bệnh nhân sẽ được chuyển đúng chuyên khoa để điều trị kịp thời. Trong thực tế, rất nhiều bệnh nhân khám mắt tình cờ phát hiện ra bệnh ở não, tuyến yên. Hoặc bệnh nhân đến khám bệnh vì mờ mắt được phát hiện ra các bệnh lý này.
Một số bệnh lý khác
Thiếu máu
- Bệnh lý thiếu máu thường gặp ở người bệnh mãn tính, thiếu niên đang lớn, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ… Các triệu chứng về mắt thường gặp là hoa mắt, nhìn mờ từng lúc, nhức mỏi mắt, kém tập trung, lão thị sớm, đục thể thủy tinh bệnh lý, thậm chí gây ra các bệnh nặng ở mạch máu đáy mắt do kém nuôi dưỡng.
Basedow
- Bệnh Basedow gây nên nhiều rối loạn về cấu trúc và chức năng của mắt. Hay gặp nhất là tình trạng co rút cơ nâng mi trên làm mắt trông như trợn lên. Bệnh cũng hay gây lồi mắt, có khi lồi rất to gây hở mi, viêm loét giác mạc, hoặc ít ra cũng gây nên các cảm giác khó chịu về mắt như nóng rát mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ, nhìn hai hình…
Các bệnh tự miễn dịch
-
Một số bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và bệnh sarcoidosis có thể gây viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, và khô mắt. Các phản ứng viêm trong cơ thể có thể lan tới mắt, gây ra các triệu chứng như đỏ mắt, đau và giảm thị lực.
Bệnh lý về mạch máu
-
Bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch và các bệnh lý về mạch máu khác cũng có thể ảnh hưởng đến mắt. Chúng có thể gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, dẫn đến giảm oxy cung cấp cho mắt, gây tổn thương võng mạc và các vấn đề thị lực khác.
Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng như bệnh lý HIV/AIDS cũng có thể gây ra các vấn đề về mắt như viêm võng mạc do Cytomegalovirus. Việc nhận diện sớm các triệu chứng bệnh về mắt có thể là chìa khóa quan trọng trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý toàn thân. Vì vậy, kiểm tra mắt định kỳ không chỉ giúp bảo vệ thị lực mà còn là phương pháp hiệu quả để theo dõi sức khỏe tổng thể của cơ thể.
BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 - ĐIỀU TRỊ BẰNG KHỐI ÓC, CHĂM SÓC TỪ TRÁI TIM
|