Ngày 1/2/2018, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã tổ chức hội thảo “Bạo hành trẻ em- Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị tổn thương Mắt” .
Hơn 100 bác sỹ, chuyên gia y tế trong lĩnh vực nhãn khoa trên địa bàn Hà Nội đã tới tham dự hội thảo.
Giám đốc Chuyên môn- Bác Sĩ- Thạc sĩ Đặng Xuân Nguyên tại hội thảo
Giáo sư- tiến sỹ Bruce Moore- Chuyên gia khúc xạ Nhãn nhi- Đại học Nhãn khoa New England- Mỹ là người chủ trì và chia sẻ chính tại hội thảo. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với bài tham luận “hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ bị bạo hành”
Bạo hành và bỏ mặc trẻ em là một vấn đề nghiêm trọng và rất phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, bạo hành trẻ em diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Trong khi đó theo nghiên cứu của Bộ Công an nghiên đối với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% - gấp 5 lần tỉ lệ bị mẹ đánh. Tất cả các hình thức bạo hành trẻ em – tinh thần hay thể chất – gây ra những hiệu ứng tiêu cực lên tinh thần của trẻ. Trong một số trường hợp, sức khoẻ thể chất và trí nhớ của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Hoàng văn Tiến- Giám đốc Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt nam trao đổi tại hội thảo.
Có rất nhiều hình thức bạo hành trẻ em như: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần… Đáng lưu ý theo GS Bruce Moore một số hành vi nói trên có thể tác động và gây ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và thị giác của trẻ nhỏ như hội chứng rung lắc ở trẻ nhỏ có thể khiến trẻ bị giảm thị lực và mù loà. Ngoài ra, với những chấn thương ở mắt do bạo hành có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng như: rách giác mạc, kết mạc, vỡ nhãn cầu, tổn hại thần kinh, mù vĩnh viễn….trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.
Tại hội thảo các bác sỹ và chuyên gia nhãn khoa đã chia sẻ những tác động của việc bạo hành đối với thể chất và tinh thần của trẻ. Đồng thời, các bác sĩ cũng chia sẻ kỹ năng về việc sơ cứu những chấn thương vùng mắt trong trường hợp trẻ bị bạo hành để hạn chế thấp nhất những tổn hại thêm cho đôi mắt.
Một số hình ảnh tại hội thảo: