THÔNG TIN CẦN BIẾT

Tại sao cần khám mắt cho trẻ trước khi đi học?

22-09-2023
Tự do chơi điện tử, xem điện thoại, tivi trong suốt kỳ nghỉ hè, vừa bắt đầu đi học con đã kêu mắt nhìn mờ và nhức mỏi, cha mẹ hối hận vì không cho con khám mắt trước thềm năm học mới.

Hạn chế nguy cơ cận thị học đường

Mới đi học được mấy ngày nhưng Duy Hưng (6 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) liên tục kêu mắt không nhìn rõ. Cứ nghĩ cậu bé tìm cớ để trốn tránh việc học nhưng sau khi kiểm tra vở của con, mẹ Hưng phát hiện con viết sai nhiều. Tranh thủ cuối tuần đi khám, sau khi đo thị lực thì mắt phải của Hưng bị cận thị -2 diop, mắt trái loạn thị -1 diop. Nhớ lại quãng thời gian nghỉ hè trước khi bước vào quãng đời học sinh, Hưng được thoải mái xem tivi, điện thoại mà không cần chú ý đến thời gian.

Còn Ngọc Hiếu (Kiến Hưng, Hà Đông) năm nay sang lớp 6. Vừa vào học được mấy ngày em đã nhận về điểm kém do bài vở bị gạch xoá nhiều, viết sai dòng dù trước đó học lực của Hiếu khá tốt. Biết được lý do của con, bố mẹ em hối hận vì không đưa con đi khám mắt trước thềm năm học mới nên giờ Hiếu mới không nhìn rõ chữ trên bảng.

Ths.Bs Hoàng Thanh Nga – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Đây là thực tế khá phổ biến hiện nay rất nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đúng mức đến sức khoẻ đôi mắt của trẻ trước khi đến trường, đến khi đi khám thì đã muộn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ cận thị học đường luôn chiếm tỷ trọng cao từ 20 – 40% ở thành thị và 10 – 20% ở nông thôn.

Bác sĩ khuyến cáo nên khám mắt định kỳ cho trẻ giúp kiểm soát tốt cận thị học đường

Thông thường, các tật khúc xạ ở mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị thường bắt đầu xuất hiện khi trẻ đến tuổi đi học, nhưng cũng có trẻ bị khúc xạ bẩm sinh từ khi mới sinh ra. Một khi thị lực đã giảm thì khó có thể hồi phục như ban đầu. Vì vậy, khám mắt cho trẻ là điều cần thiết để phát hiện sớm tật khúc xạ, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để mang tới chất lượng thị giác tốt nhất cho trẻ và hạn chế các nguy cơ biến chứng sau này.  

Việc khám mắt cho trẻ trước thềm năm học mới giúp phát hiện kịp thời các bệnh về mắt, đảm bảo một đôi mắt khoẻ giúp con có trải nghiệm thị giác tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong học tập. Đặc biệt là sau kỳ nghỉ hè, trẻ được tự do chơi các thiết bị điện tử, xem điện thoại, tivi với thời gian dài dễ dẫn tới tình trạng mỏi mắt, khô mắt, hoặc mắc các bệnh về mắt, tăng độ cận nhanh…

Khám mắt định kỳ theo độ tuổi

Theo Ths.Bs Hoàng Thanh Nga, có một số nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh bẩm sinh về mắt như: Gia đình có tiền sử mắc bệnh lý về mắt (cận, lác, nhược thị, u nguyên bào võng mạc hay các bệnh di truyền ảnh hưởng tới mắt); Trẻ sinh non hay thiếu cân; Trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh trong thai kỳ; Trẻ chậm phát triển…

Trẻ nhỏ dù gặp khó khăn trong vấn đề tầm nhìn nhưng thường không biết mô tả để người lớn đưa đi khám mắt. Vì vậy, trẻ nhỏ nên được khám mắt lần đầu khi được 6 tháng tuổi, sau đó nên khám định kỳ vào lúc 3 tuổi, 6 tuổi trước khi đi học và mỗi năm học mới. Riêng với trẻ phải đeo kính nên thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.

Với trẻ dưới 3 tuổi, khám mắt giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt phổ biến như tật khúc xạ, bệnh lác (lé), giảm thị lực (nhược thị). Khám mắt cho trẻ cũng giúp loại trừ các bệnh hiếm gặp hơn như đục thủy tinh thể bẩm sinh và u nguyên bào võng mạc (khối u mắt).

Với trẻ 6 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ khám mắt tổng thể giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ ở mắt – nếu có, hạn chế tình trạng cận thị học đường, đồng thời nên duy trì định kỳ 6 tháng/lần.

Ths.Bs Thanh Nga cho biết, khám mắt định kỳ cho trẻ không mất quá nhiều thời gian, nên tốt nhất cha mẹ hình thành thói quen khám mắt định kỳ cho trẻ để đảm bảo cho con một đôi mắt sáng và khoẻ mạnh. Trường hợp phát hiện mắt trẻ phản xạ kém, có đốm trắng đục bất thường, thường xuyên nheo mắt, dụi mắt, đứng nhìn gần, cúi sát mặt vào sách vở… cần thiết cho trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN