Diễn ra vào ngày 20-21/08/2022 tại Đà Nẵng, C&PE 2.0 được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tập trung vào hai chuyên ngành Nhãn khoa và Khúc xạ Nhãn khoa. Đây cũng là lần đầu tiên CAKE & PIE Expo được tổ chức tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Quy tụ tới 75 diễn giả đều là các bác sĩ nhãn khoa và cử nhân khúc xạ nhãn khoa nổi tiếng trên khắp Thế giới tham gia báo cáo và tọa đàm với các chủ đề đa dạng, từ giác mạc tới võng mạc đến tật khúc xạ, cận thị... Hội thảo là cầu nối chia sẻ kiến thức chuyên khoa giúp người tham gia có được cái nhìn sâu sắc hơn về mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khoẻ mắt.
Chủ tọa Matt Young - Tổng Giám đốc Media MICE phát biểu chào đón các khách mời danh dự và khai mạc hội thảo
Được tổ chức trọng thể và chu đáo, Hội thảo tiếp đón các khách mời danh dự tham gia và định hướng phát triển ngành nhãn khoa Việt Nam tiếp cận đúng cách với nhãn khoa Quốc tế:
- Phó Giám đốc Sở Y Tế TP. Đà Nẵng – BS. Trương Văn Trình
- Phó Giám đốc Sở Y Tế TP. Đà Nẵng – BS. Trần Thanh Thuỷ
- Giám Đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng – PGS. TS. BS. Nguyễn Quốc Đạt
- Chủ tịch CLB Dịch kính Võng mạc Việt Nam – nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương – GS. TS. BS. Đỗ Như Hơn
Nội dung các chuyên đề được chia sẻ tại hội thảo C&PE 2.0
Tại hội thảo, những chuyên đề liên quan đến bệnh lý khô mắt ảnh hưởng tới khúc xạ và biến chứng trên mắt cận thị cao đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tham dự. Bởi tính cấp thiết của các mặt bệnh đều gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của bệnh nhân. Khô mắt đã không còn là triệu chứng mà đã được nâng mức độ thành bệnh lý và cận thị thì đã được cảnh bảo lên mức “đại dịch”.
1, COOKIE – Tọa đàm thảo luận: Sự kết hợp từ địa phương tới toàn cầu khi đương đầu với những khó khăn thử thách trong chăm sóc sức khoẻ mắt với các Diễn giả: BS. Alan Glazier, BS. Carmen Abesamis-Dichoso, BS. Li Lian Foo, CN.KXNK. Nguyễn Huyền Trang, và Th.S. Matt Young
2, Tọa đàm thảo luận về Mô hình chăm sóc mắt của Fred Hollows tại Việt Nam: Cách thức đào tạo, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhận thức và hoạt động của tổ chức tại địa phương và toàn cầu với các Diễn giả BS. Huỳnh Tấn Phúc, BS. Lila Raj Puri, BS. May Ho, BS. Sarity Dodson và chủ toạ Laura Lee
3, CAKE – Hội nghị chuyên đề: Chia sẻ về các trường hợp đục thủy tinh thể phức tạp
– 5 lời khuyên cho phẫu thuật Phaco bởi BS. Ashraful Huq (chủ toạ)
– Khi Thị lực 20/20 Vẫn Không Đủ – Phẫu thuật Đục thủy tinh thể và các bệnh bề mặt nhãn cầu bởi BS. Sanushka Moodley
– Phẫu thuật chưa hẳn là đã xong: Phẫu thuật đục thủy tinh thể, thật ra không hề đơn giản bởi BS. Samita Moolani
– Thành công với kính Toric IOLs bởi BS. Ben LaHood
4, Toạ đàm thảo luận bởi SERI – Viện Nghiên Cứu Mắt Singapore: Khoa học thị giác và sự đổi mới để chăm sóc mắt tốt hơn với chủ toạ GS. BS. Jod Mehta cùng BS. Katharina Bell, BS. Rachel Chong và GS. BS. Dan Milea
5, Toạ đàm thảo luận: Xây dựng thương hiệu chăm sóc mắt giúp tăng trưởng kinh doanh với các Diễn giả BS. Kristie Nguyen, Th.S. T.J Waggoner và Th.S. Matt Young
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến
6, Hội nghị chuyên đề của hiệp hội SOLS (Subthreshold Ophthalmic Laser Society): Ứng dụng của Laser dưới ngưỡng và tác động của nó đối với các bệnh võng mạc
– Laser dưới ngưỡng cho DME bởi BS. Kenneth Fong (chủ toạ)
– Hướng dẫn về laser dưới ngưỡng cho các bệnh hoàng điểm bởi BS. Jay Chhablani
– Laser dưới ngưỡng so với laser PDT cho CSCR (bệnh màng đệm huyết thanh trung tâm) bởi BS. Jose Roca
7, Hội nghị chuyên đề của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng: Chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng của các bác sĩ nhãn khoa tại miền Trung Việt Nam, Chủ toạ bởi PGS. TS. BS. Nguyễn Quốc Đạt
– Xu hướng phẫu thuật tật khúc xạ ở miền Trung Việt Nam bởi BSNT. Phan Thị Như Quỳnh
– Các yếu tố và phương pháp hay nhất để tối đa hoá kết quả của bệnh nhân ADM thể ướt bởi TS.BS. Nguyễn Tuấn Thanh Hảo
– Các chấn thương mắt hay gặp tại Bệnh Viện Mắt Đà Nẵng bởi Ths.BS. Trương Công Gia Thịnh
– Các thuốc điều trị glocom thông dụng và tác dụng hạ nhãn áp của chúng bởi Ths.BS. Trần Nguyễn Minh Nhật
8, COOKIE – Hội nghị chuyên đề dành cho các Cử nhân Khúc xạ Nhãn khoa trẻ tại Việt Nam: Các phương pháp đo thị lực tốt nhất ở Việt Nam
– Khám sàng lọc mắt trẻ mầm non: tổng quan hệ thống và kế hoạch tương lai tại Việt Nam bởi CN.KXNK. Nguyễn Huyền Trang
– Khúc xạ nhãn khoa tại Việt Nam- Khởi động, tiến hành, hòa nhập và cống hiến bởi CN.KXNK. Hà Thị Thu Hương
– Vai trò chủ chốt của nhân viên khúc xạ nhãn khoa trong kiểm soát cận thị tại Việt Nam bởi CN.KXNK. Nguyễn Thị Hải Yến
– Nghiên cứu điển hình về bệnh song thị bởi CN.KXNK. Trần Thị Kim Ngân
9, Hội nghị chuyên đề bởi tổ chức phi chính phủ Orbis Việt Nam: Tình hình quản lý ROP, phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ em và các chương trình tiếp cận chống mù lòa khác ở Việt Nam
– Thực trạng cung cấp dịch vụ khám sàng lọc, quản lý, điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non tại một số vùng miền ở Việt Nam bởi bà Vũ Thị Minh Hạnh
– Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc bệnh võng mạc tiểu đường và một số tổn thương đáy mắt: Triển vọng phát hiện bệnh sớm cho số lượng lớn người bệnh tại Việt Nam bởi bà Phạm Kim Ngọc
10, CAKE – Hội nghị chuyên đề: Ứng dụng công nghệ và các phương pháp hiện đại trong điều trị bệnh giác mạc hình chóp và viêm giác mạc truyền nhiễm
– C-Eye: Điều trị đơn giản, kinh tế, và linh động cho bệnh giác mạc hình chóp và viêm giác mạc truyền nhiễm bởi GS.BS. Farhad Hafezi (chủ toạ)
– Khám và tầm soát khô mắt Keratograph trên điện thoại thông minh: phổ quát nâng cao mức độ chăm sóc bởi Nikki Hafezi
– K-MAP: Nghiên cứu về tỷ lệ phổ biến toàn cầu của bệnh giác mạc hình chóp bởi BS. Emílio A. Torres-Netto
11, COOKIE – Tọa đàm thảo luận: Các vấn đề giao thoa giữa Nhãn khoa và Khúc xạ Nhãn khoa: cận thị, khô mắt và các vấn đề khác
– Tác đụng của Atropine gây dãn đồng tử và giảm lực điều tiết trên trẻ em cận thị, liệu bác sĩ lâm sàng có nên quá lo lắng? BS. Trần Đình Minh Huy
– Cận thị: Góc nhìn bao quát về một đại dịch đang phát triển trên phạm vi toàn cầu bởi BS. Rajeev Prasad
– Thấu kính củng mạc Scleral Lens dùng cho trường hợp đặc biệt bởi BS. Daddi Fadel
– Kiểm soát cận thị – thực tại ở Mỹ và trên thế giới bởi BS. Alan Glazier
– Những cập nhật mới trong quản lý chứng khô mắt bởi BS. Mark Eltis
– Bàn về tác hại của bệnh khô mắt bởi BS. Elise Brisco
12, CAKE – Hội nghị chuyên đề: Điều trị các bệnh về giác mạc, từ thuốc công nghệ cao cho đến phẫu thuật ghép giác mạc nhân tạo và hơn thế nữa
– Làm sao để tiếp cận được những loại thuốc công nghệ cao trong một thế giới đang thay đổi bởi BS. Sorcha Ní Dhubhghaill
– Phẫu thuật ghép giác mạc nhân tạo – thủ thuật giác mạc hàng đầu bởi BS. Christopher Starr
– Khi nào thì nên dùng thủ thuật CXL hay chèn Intacs, hoặc cả hai như là liệu pháp hàng đầu trong việc điều trị bệnh giác mạc hình chóp bởi BS. Dagny Zhu
– Các ứng dụng thực tế cho Y học từ xa trong ngành Nhãn khoa bởi BS. Dmytro Pavlenko
13, CooperVision & OCULUS Lunch Symposium – Thấu hiểu về chiều dài trục nhãn cầu: Tìm hiểu căn nguyên sự tiến triển của bệnh cận thị
– Sự tiến triển của chiều dài trục nhãn cầu khi dùng MiSight bởi BS. Li Lian Foo
– Tìm hiểu về chiều dài trục nhãn cầu và sử dụng Myopia Master để theo dõi tiến triển của bệnh cận thị bởi TS.BS. Trần Đình Minh Huy cùng với chủ toạ Th.S. Matt Young
14, CAKE – Những phương pháp khác để kiểm soát bệnh Glôcôm ngoài việc sử dụng thuốc nhỏ mắt (Chủ toạ TS. BS. Đỗ Tấn)
– Trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh Glôcôm, bởi BS. Sahil Thakur
– Xoá tan những quan niệm sai lầm về MIGS, bởi BS. Paul Singh
– Thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp, bởi Giáo sư BS. Indu Pal Kaur
– Sơ lược về tương lai của việc phân phối thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp, bởi BS. Constance Okeke
15, PIE – Hội nghị chuyên đề về bán phần sau của mắt
– Biến chứng CNVM của viêm màng bồ đào trong hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada bởi BS. Kshitij Raizada
– Các phương pháp trị liệu võng mạc mới nổi và chưa phổ biến bởi BS. Errol Chan
– Các trường hợp điển hình trong bệnh võng mạc tiểu đường bởi BS. Apoorva Ayachit
– Các trường hợp cấp tính trong thần kinh nhãn học bởi BS. Rajat Kapoor
16, Hội nghị chuyên đề của Viện Hàn Lâm ESCRS Academy: Những cập nhật mới trong phẫu thuật đục thuỷ tinh thể: Từ phòng phẫu thuật đến kết quả hậu phẫu của bệnh nhân
– Tính bền vững trong Nhãn Khoa bởi GS.BS. Oliver Findl
– Phẫu thuật đục thuỷ tinh thể 2 mắt cùng lúc bởi GS.BS. Rudy Nuijts
– Các loại kháng sinh tiêm nội nhãn bởi GS.BS. Anders Behndig
– Đánh giá chất lượng phẫu thuật đục thuỷ tinh thể bởi BS. Mor Dickman
Một số hình ảnh Mắt Hà Nội 2 tại hội thảo C&PE 2.0
Với các chủ đề đa dạng, từ giác mạc tới võng mạc đến tật khúc xạ, cận thị... Hội thảo là cầu nối chia sẻ kiến thức chuyên khoa giúp người tham gia có được cái nhìn sâu sắc hơn về mọi vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khoẻ mắt.
Các chuyên viên khúc xạ nhãn khoa Mắt Hà Nội 2 đã rất hứng thú khi được tham gia hội thảo Quốc tế về chuyên ngành, được cập nhật những kiến thức mới nhất để ứng dụng vào khám chữa bệnh và mang chất lượng y khoa tốt nhất tới cho bệnh nhân. Bên cạnh đó được giao lưu và học hỏi với các bác sĩ, cử nhân khúc xạ nhãn khoa trên khắp Thế giới.
Đặc biệt, các chuyên viên khúc xạ nhãn khoa Mắt Hà Nội 2 với định hướng phát triển chuyên sâu về kiểm soát tiến triển cận thị góp phần kiểm soát và chống lại đại dịch cận thị tại Việt Nam đã học hỏi và cập nhật được rất nhiều kiến thức bổ ích qua các báo cáo được chia sẻ.
Hiện tại, nhóm khúc xạ nhãn khoa đã và đang triển khai các biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 theo quy trình bài bản và theo dõi sát sao những tiến triển của bệnh nhân. 100% bệnh nhân cận thị độ tuổi khúc xạ còn phát triển đều được thăm khám kỹ lưỡng, tư vấn chỉ định kiểm soát và có tiên lượng rõ ràng cho từng phác đồ điều trị
Các phương pháp kiểm soát cận thị tiến triển
Để kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ em bao gồm: ngăn ngừa khởi phát cận thị và hạn chế tăng số cận ở trẻ em, trên Thế giới người ta đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương pháp như sau:
Dùng thuốc: Atropin nồng độ thấp
Atropin là nhóm thuốc đối kháng Muscarin không chọn lọc, tại mắt nó có tác dụng: giãn đồng tử và liệt điều tiết. Với nồng độ thấp 0,01% nó có tác dụng làm hạn chế tăng số cận tới 50% trường hợp mà không gây những tác dụng phụ như: lóa mắt, chói mắt, khó nhìn gần… Ngoài tác dụng kiểm soát tăng số cận, Atropin nồng độ thấp còn được sử dụng để kiểm soát khởi phát cận thị trên trẻ em.
Dùng kính tiếp xúc
OrthoK là loại kính áp tròng cứng thấm khí được đeo vào ban đêm nhằm tác dụng định hình giác mạc, dẫn đến thay đổi cách ánh sáng bị hội tụ khi đi vào mắt. Nhờ tác dụng tạm thời làm phẳng giác mạc trung tâm giúp cho người sử dụng có thể nhìn rõ ban ngày mà không cần đeo kính. Sử dụng Ortho - K, mức độ cận không tăng hoặc tăng rất ít sau thời gian dài.
Dùng kính gọng đúng số:
Quan niệm trước đây cho rằng việc đeo kính thấp hơn một chút so với độ cận thực tế sẽ tốt hơn cho mắt do hạn chế việc mắt phải điều tiết khi nhìn gần, khiến mắt đỡ căng mỏi. Tuy nhiên, việc này lại không đảm bảo thị lực nhìn xa tốt cho trẻ, buộc mắt phải điều tiết bù trừ phần thiếu hụt để bắt nét hình ảnh khi muốn nhìn ra xa. Ngày nay, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc đeo kính đúng số mới mang lại hiệu quả tối đa, giúp mắt không phải điều tiết nhiều khi nhìn ở mọi khoảng cách, góp phần hạn chế tăng độ cận.
Tăng cường hoạt động ngoài trời và giảm thời gian nhìn gần:
Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, nhóm trẻ tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn thì tỷ lệ gia tăng cận thị thấp hơn nhiều so với nhóm trẻ ít tham gia. Ngoài ra, việc giảm thời gian cho các công việc nhìn gần cũng góp phần kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ.
Lời khuyên của chuyên gia nhãn khoa Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 về kiểm soát cận thị tiến triển:
- Một trong những điều cốt yếu nhất là cha mẹ nên có các biện pháp phòng ngừa tránh để tình trạng cận thị của con mình tiến triển nặng thêm
- Khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời
- Nghỉ ngơi thị giác từng lúc: Cần chủ động kiểm soát việc chớp mắt, chớp mắt là một động tác sinh lý, giúp lớp nước mắt được trải đều trên bề mặt mắt, giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt
- Luôn nhắc nhở con về tư thế, không nên để trẻ nằm hay nằm nghiêng khi học bài, xem phim hay sử dụng điện thoại
- Quan trọng hơn là chú trọng và hình thành thói quen khám mắt định kỳ cho con, nên kiểm tra mắt định kỳ 2 lần/năm, nếu trẻ bị tật khúc xạ như cận loạn, cần đo kính để lấy độ phù hợp
Những kiến thức được học hỏi qua hội thảo chắc chắn sẽ được nghiên cứu và ứng dụng phù hợp trong thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.