Không có mắt thì còn đôi tay, phải sống cho ra sống chứ
Dẫn khách thăm quan 3 tầng nhà đầy ắp tranh vẽ và tượng gỗ do chính tay mình điêu khắc, họa sĩ Lê Duy Ứng hào hứng giới thiệu đây là chân dung Bác Hồ, kia là tượng bác Giáp. Cứ nghĩ ký ức chiến tranh in hằn trong ông suốt mấy chục năm qua chỉ là đạn pháo, là chết chóc đau thương, nhưng không, lẫn trong đó là màu xanh bạt ngàn của núi rừng với những chồi non đang nhú, những bức tượng nam nữ khỏa thân ôm nhau, là cô thanh niên xung phong tóc dài thướt tha, là đàn khỉ thong dong kiếm ăn bên bờ suối…
Chiến tranh đã lùi phía sau nhưng để lại cho ông hậu quả là một bên mắt hỏng hẳn, còn một bên bị thương nặng. Lần chết hụt đầu tiên đó chính ông đã lấy máu từ đôi mắt mình vẽ lại chân dung Bác Hồ với một niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ Cách Mạng.
Nằm ở trạm phẫu thuật ông buồn đến mức không muốn sống nữa: “Mình là họa sĩ mà không có mắt thì vẽ thế nào”. Rồi ông giả vờ không ngủ được để xin thuốc ngủ tích trữ lại định bụng sẽ uống một liều kết thúc cuộc đời.
Cái đêm đang quờ tay tìm gói thuốc thì cô y tá tên Dung bỗng cất tiếng: “Em biết anh định làm gì rồi, nhưng anh hãy gặp một người còn đau khổ hơn anh mà họ vẫn sống vui vẻ lắm, rồi lúc đó anh có muốn chết cũng được”.
Ông gặp đồng chí xạ thủ tên là Phơn bị cụt 2 tay, mất 2 mắt, khuôn mặt đầy thương tích với đôi môi sứt sẹo. Vợ Phơn bế con vào thăm chồng. Bao năm xa cách đầy nhớ nhung nhưng người bố ấy không còn tay mà bế con. Anh chỉ biết dùng cánh môi sứt sẹo rờ rẫm lên mặt thằng bé với những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Nghĩ về đồng đội mà ông xót xa rồi tự nhủ: “Mình vẫn còn đôi tay lành lặn thì phải sống cho ra sống chứ”. Thế là từ vẽ tranh, ông mày mò chuyển qua điêu khắc gỗ.
20 năm mang ơn người hiến giác mạc
Một buổi chiều cuối năm 1982, Bệnh viện Mắt Trung ương thông báo có người hiến giác mạc để ghép cho ông. Người nhà lọc cọc đạp xe chở ông lên bệnh viện là 3 giờ chiều. Đôi mắt đó là của cậu bé học sinh lớp 10 bị đau ruột thừa không kịp cấp cứu. Một đôi mắt ấy sau này đem lại ánh sáng cho 2 người, trong đó có họa sĩ mù Lê Duy Ứng.
GS.BS Nguyễn Trọng Nhân – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghép giác mạc cho ông. 7 giờ tối ca mổ hoàn thành thì ông thiếp đi. Đêm hôm đó ông nằm mơ thấy một chàng trai trẻ đến cạnh giường thì thào: “Em là Minh, người cho anh mắt đây. Anh là họa sĩ, cố gắng mà vẽ nhé”. Sáng tỉnh dậy, sau khi tháo băng, ông hé mắt nhìn thấy chiếc quạt trần đang quay. Vợ bế con vào thăm mà nước mắt ông chảy tràn vì sau gần chục năm bố mới được biết mặt con gái.
Nhờ cô y tá tra tên người hiến giác mạc, không ngờ chàng trai đó tên là Nguyễn Tuấn Minh, sinh năm 1966 ở huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội.
Suốt 20 năm với một con mắt sáng, họa sĩ Lê Duy Ứng để lại một gia tài đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật cả tranh vẽ lẫn điêu khắc. Theo tuổi tác và sức khỏe, giác mạc thay thế dần thoái hóa, ông được nhà nước cho sang Nhật ghép giác mạc lần thứ 2 vào năm 2005. Lần này ông cẩn thận gói chiếc giác mạc đã hỏng của Minh đem về nước. Ông tìm về huyện Đan Phượng, quê của cậu bé lớp 10 năm nào. Trước mộ Minh, ông khấn: “Cảm ơn em đã giúp anh sáng mắt bao năm qua”. Từ đó không bao giờ ông mơ thấy Minh nữa.
Mong ước cuối đời được nhìn mặt vợ con
Lần ghép giác mạc thứ 2 cũng chỉ giúp ông sáng mắt được 3 năm, đến năm 2008 thì thị lực lại mờ dần. Đầu tháng 6/2023, Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 qua thăm, ông bày tỏ nguyện vọng muốn ghép giác mạc lần thứ 3. Ông muốn nhìn mặt vợ con, người thân, bạn bè lần nữa, muốn tìm lại khối tư liệu đang lẫn đâu đó trước khi mất.
Hôm nay Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khám lại cho ông để chuẩn đoán chính xác bệnh tình. Với một trí nhớ tuyệt vời, sau 31 năm mà họa sĩ mù Lê Duy Ứng vẫn nhận ra giọng PGS.BS Minh Châu – người từng khám mắt cho ông trước khi ghép giác mạc vào năm 1982 tại Bệnh viện Mắt Trung Ương. Ông nhớ bác sĩ Châu hồi con gái xinh lắm, hoa khôi của bệnh viện Mắt.
Vẫn giọng nói sang sảng và nụ cười ấm áp, ông kể sáng nào cũng ngồi thiền, tập thở, tập thể dục và luôn suy nghĩ vui tươi nên dù không có đôi mắt sáng như mọi người nhưng với ông cuộc đời này luôn tươi đẹp và thật đáng sống.