THÔNG TIN CẦN BIẾT

Dị ứng phấn mắt, cô gái trẻ bị nhiễm trùng mi mắt

19-10-2023 - Tác giả:   Admin   - Tham vấn y khoa:   BsCK1. Lưu Thị Thiều Hoa
Hơn 2 tuần sử dụng phấn mắt để che khuyết điểm quầng thâm, Ngọc Lan (25 tuổi, Yên Bái) bị ngứa mi mắt trên, nổi nhiều mụn trắng li ti, sờ vào có cảm giác bỏng rát, rất khó chịu.

Sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

Ngọc Lan chia sẻ, trước đây cô chủ yếu sử dụng mỹ phẩm theo hãng nên chưa từng xảy ra phản ứng bất thường. Tuy nhiên thời gian gần đây do kinh tế eo hẹp nên Lan phải cắt giảm chi tiêu. Đi chợ thấy hộp phấn mắt đẹp, giá lại rẻ nên cô tiện tay mua luôn mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Hai mắt em lúc nào cũng thâm, nếu không trang điểm thì rất ngại mỗi khi tiếp xúc với khách hàng. Ngày nào đi làm em cũng kẻ, vẽ và đánh màu mắt”, Lan tâm sự.

Sau khi sử dụng hộp phấn mắt mới được 2 tuần, mí mắt trên của Lan bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ngứa, nổi mụn trắng nhỏ li ti. Thay vì ngừng sử dụng phấn mắt, Lan lại chọn phương án tẩy trang, rửa mặt cẩn thận hơn sau khi trang điểm. Mãi cho đến khi mí mắt bị sưng to, bỏng rát Lan mới vội đi khám. Bác sĩ kết luận, Lan bị nhiễm trùng mi mắt do dị ứng với phấn trang điểm.

Thường xuyên sử dụng phấn mắt không đúng cách khiến mắt bị ngứa và nổi nhiều mụn nhỏ li ti

Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Bệnh nhân bị nhiễm trùng mi mắt sau khoảng một tuần sử dụng thuốc điều trị, chăm sóc kết hợp với việc ngừng sử dụng mỹ phẩm, tình trạng bệnh đã thuyên giảm.

Mi mắt khi bị nhiễm trùng, ngoài các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, người bệnh có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu như mi có mủ hoặc tiết dịch, đóng vảy ở mi mắt, cảm giác cộm ở mắt, đỏ hoặc cay mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ… Đây có thể là những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng mi mắt nghiêm trọng cần phải khám chuyên sâu để được điều trị kịp thời.

Khi bị nhiễm trùng mi mắt, người bệnh cần hạn chế dụi mắt hoặc gãi mi mắt vì có thể gây kích thích phản ứng nhiễm trùng nhiều hơn.

Cẩn trọng với biến chứng nguy hiểm

Nhiễm trùng mi mắt tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị tích cực về lâu dài có thể dẫn tới một số bệnh lý khác.

Theo Bác sĩ Thiều Hoa, mắt khi bị nhiễm trùng có thể dễ bị lên chắp, lẹo, lông mi rụng nhiều hoặc mọc bất thường (quặm mi), thường xuyên chảy nước mắt hoặc khô mắt, đau mắt đỏ mãn tính. Nặng hơn có thể dẫn tới tổn thương giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.

Chăm sóc mắt đúng cách sẽ giúp bạn có một đôi mắt đẹp và khoẻ mạnh

Các biện pháp tự chăm sóc như rửa mắt và chườm ấm là phương pháp điều trị quan trọng cần thiết đối với hầu hết các trường hợp bị nhiễm trùng mi mắt. Vệ sinh mi mắt thực hiện 2-4 lần mỗi ngày nếu ở trong giai đoạn nặng và 1-2 lần mỗi ngày khi tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát. Massage nhẹ nhàng mi mắt bằng đầu các ngón tay sạch, kết hợp với sử dụng nước mắt nhân tạo giúp hạn chế tình trạng khô mắt. Tuỳ từng trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh, thuốc nhỏ mắt hay thuốc mỡ chứa steroid.

Điều quan trọng trong thời gian điều trị, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các tác nhân gây dị ứng đã biết và không sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm quanh mắt như kẻ mắt, mascara.

Ngứa mi mắt, sưng, đỏ khi bị nhiễm trùng khá thường gặp trong cuộc sống thường ngày, tuy dễ kiểm soát nhưng không điều trị trong thời gian dài có thể gây các biến chứng nghiêm trọng làm giảm thị lực. Vì vậy, Bác sĩ Thiều Hoa khuyến cáo người bệnh không nên chủ quan, nên sớm thăm khám chuyên sâu khi có dấu hiệu bất thường ở mi mắt để kịp thời điều trị, vừa không ảnh hưởng đến thị lực, tầm nhìn.

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN