Từng bị tự kỷ, muốn bỏ học
Cô Lê Thị Hoa, mẹ Quân kể lại: Ngày Quân 4 tuổi, trong lúc nghịch kéo không may bị đập mạnh vào mắt. Nhỏ tuổi nên con chưa biết gì, cũng không chảy máu nên con giấu bố mẹ. Sang ngày thứ hai thấy mắt con đỏ, tôi mới đưa Quân đến bệnh viện kiểm tra nhưng đã muộn. Mắt trái của Quân bị đục thuỷ tinh thể, mất thị lực hoàn toàn.
“Cháu mới 4 tuổi mà đã bị mù một mắt, thương con mà không biết làm thế nào. Cũng kể từ ngày đó, tầm nhìn của Quân hạn hẹp hơn nên con gặp khó khăn nhiều trong sinh hoạt và học tập. Đi học còn thường xuyên bị các bạn trêu trọc vì thiếu một mắt”, mẹ Quân ngậm ngùi.
Bước vào cấp 2, khi đã ý thức được diện mạo của mình Quân bắt đầu cảm thấy tự ti. “Có một thời gian em bị tự kỷ, chỉ đi học rồi về nhà, không giao lưu và tiếp xúc với bạn bè, họ hàng, người thân. Đến cả bố mẹ và anh em trai trong gia đình, em cũng không nói chuyện, thậm chí em còn có ý định bỏ học”, Quân tâm sự.
“Thời điểm Quân định bỏ học, cả cô giáo chủ nhiệm và tôi phải động viên con rất nhiều. Cô giáo còn yêu cầu các bạn hay trêu đùa phải xin lỗi con thì Quân mới dám trở lại lớp học”, mẹ Quân cho biết thêm.
Cũng từ đó, tính cách của Quân thay đổi hoàn toàn, từ một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát em trở nên trầm tính và ít nói hơn. Mãi đến năm 16, 17 tuổi Quân mới bắt đầu nhen nhóm ý định lắp mắt giả nhưng còn chần chừ…
Cả họ gọi điện chia vui
Trực tiếp khám cho bệnh nhân Nguyễn Văn Quân – Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Mặc dù đã mất hoàn toàn thị lực nhưng nhãn cầu của Quân vẫn còn nên khi lắp mắt giả sẽ giúp cho mắt được cử động linh hoạt, sinh động hơn.
Lần đầu tiên sau 20 năm, Quân mới nhìn thấy được đôi mắt cân đối của mình: “Nhìn vào gương em thực sự cảm nhận được khuôn mặt với một đôi mắt hoàn chỉnh”. Tuy nhiên, do chưa quen nên lần đầu lắp mắt giả mắt Quân bị kích ứng, nổi cộm và chảy nước mắt liên tục.
Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa cho biết: Đây là phản ứng bình thường của bệnh nhân lần đầu lắp mắt giả. Bệnh nhân có thể bị đau và buồn nôn trong 72 giờ đầu. Sau khoảng 1 tuần, bệnh nhân có thể đeo mắt giả trong các hoạt động hàng ngày. Từ 2 – 4 tuần, bệnh nhân có thể tháo mắt giả và vệ sinh bên ngoài cẩn thận tuỳ theo mức độ đáp ứng của mắt với mắt giả. Nếu không gây bất kỳ sự khó chịu hay kích thích bất thường nào, bệnh nhân cũng không cần tháo mắt giả. Mang mắt giả vào ban đêm còn ngăn mi mắt tiếp xúc và kích thích viêm niêm mạc ổ mắt.
Được tư vấn nhiệt tình bởi bác sĩ, Quân yên tâm hơn. Một tuần sau hai mẹ con trở lại Mắt Hà Nội 2 để tiếp tục theo dõi sau khi lắp mắt giả. Lần này mắt Quân đã ổn định, không còn nổi cộm và chảy nước mắt. Mẹ Quân xúc động: “Hai mẹ con tôi ôm chầm lấy nhau mà khóc. Họ hàng trong Nghệ An cũng lần lượt gọi điện ra hỏi thăm, chúc mừng con”.
Tròn 20 năm sống trong diện mạo của một người chột mắt, giờ đây Quân tự tin hơn với diện mạo mới của mình. “Em như được bác sĩ sinh ra một lần nữa”, Quân hào hứng nói.
-----------------------------
- Tham gia nhóm Cộng đồng Glôcôm Việt Nam để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh và điều trị bệnh Glôcôm.
- Tham gia nhóm Hội những người Mổ Cận tại Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 để chia sẻ những kinh nghiệm mổ cận và kiến thức về phẫu thuật tật khúc xạ.
- Tham gia nhóm Hỏi đáp bệnh về mắt cùng chuyên gia để được giải đáp thắc mắc những vấn đề về điều trị và chăm sóc mắt.
- Tham gia nhóm Kiểm soát cận thị cùng chuyên gia để tìm hiểu thêm về chương trình Kiểm soát cận thị với thuốc Atropine và Ortho-K của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2