THÔNG TIN CẦN BIẾT

4 cách chăm sóc mắt cho trẻ mới đi học

12-09-2023
Mới vào học lớp 1 được một tuần nhưng con gái đã liên tục dụi mắt, cúi sát mặt vào sách vở khi học bài khiến chị Thảo (27 tuổi, Kiến Hưng, Hà Đông) lo lắng sợ con bị cận thị. Cách đó 1 tháng chị đã cho con đi kiểm tra mắt định kỳ thì thị lực của cháu hoàn toàn bình thường.

Theo chia sẻ của chị Thảo, ngoài giờ học chính trên lớp, chị còn “đầu tư” cho con học tiếng Anh 2 buổi/tuần, 1 buổi học múa và 1 buổi học đàn. Dù mới lớp 1 nhưng lịch học của con bé đã kín mít.

Theo Ths.Bs Hoàng Thanh Nga - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, đối với trẻ nhỏ mới bắt đầu đi học, mắt trẻ chưa kịp thích ứng với phản xạ vừa nhìn trên bảng, vừa nhìn sách vở, màn hình máy chiếu. Đặc biệt với các bạn ngồi quá xa hoặc quá gần có thể có biểu hiện nheo mắt, dụi mắt hoặc mỏi mắt sau thời gian đi học. Đây là biểu hiện có thể xảy ra do mắt trẻ phải điều tiết nhiều hoặc khô mắt nhẹ, biểu hiện này có thể cải thiện khi trẻ được chăm sóc mắt đúng cách nên cha mẹ không cần quá lo lắng.

Ths.Bs Thanh Nga khuyến cáo nên đưa trẻ đi khám mắt sớm khi phát hiện bất kỳ dấu hiện bất thường ở mắt của trẻ

Tuy nhiên, trong một số trường hợp biểu hiện dụi mắt, nheo mắt, mỏi mắt có thể báo hiệu các vấn đề thị giác của trẻ. Vì vậy, Ths.Bs Thanh Nga khuyến cáo một số việc cần làm ngay để trẻ có một đôi mắt khoẻ mạnh như sau:

Đảm bảo khoảng cách mắt và đủ ánh sáng

Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ngồi học đảm bảo khoảng cách từ mắt đến sách vở từ 35-50 cm. Trẻ mới đi học nên việc hình thành thói quen ngồi học đúng tư thế ngay từ đầu sẽ giúp trẻ tránh bị nhức, mỏi mắt, hạn chế nguy cơ mắc tật khúc xạ cận thị hoặc tăng độ nhanh.

Mức độ ánh sáng phải đủ và thuận chiều chiếu từ bên trái sang. Ánh sáng yếu khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn. Nên sử dụng đèn có thau chụp để hạn chế ánh sáng chói từ trên cao. Không ngồi đối diện điều hoà để tránh khô mắt.

Dạy trẻ hạn chế dụi mắt

Khi trẻ đưa tay lên dụi mắt đã tạo “cơ hội” cho các vi khuẩn có hại xâm nhập vào mắt, tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng như viêm kết mạc. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách vệ sinh tay sạch sẽ trước khi dụi mắt. Và cần hạn chế dụi mắt tối đa có thể.

Bổ sung dưỡng chất cho mắt

Ngoài lịch học dày đặc, cha mẹ vẫn cần có chế độ thư giãn hợp lý cho trẻ nhỏ, tăng cường các hoạt động ngoài trời. Ánh sáng mặt trời là một vitamin vô cùng quan trọng cho mắt, kích thích sản sinh chất dopamine giúp trì hoãn quá trình khởi phát cận thị ở trẻ nhỏ.

Cha mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu dưỡng chất tốt cho mắt như cà rốt, ớt chuông, cà chua, gấc, mỡ cá, lòng đỏ trứng gà, củ dền, rau bó xôi và củ cải đường… trong bữa ăn của trẻ. Các loại trái cây màu vàng như đu đủ, xoài, dưa hấu vàng, cam, dưa gang, dưa lưới… chứa nhiều vitamin cũng rất tốt cho mắt cho trẻ. Về cơ bản, cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý và đa dạng giúp mắt trẻ khoẻ mạnh.

Bảo vệ mắt và khám mắt định kỳ

Khi ra ngoài đường, nên cho trẻ đeo kính bảo vệ mắt để tránh gió, bụi, ánh nắng mặt trời. Cuối ngày hoặc trước khi đi ngủ, cha mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo để rửa trôi vi khuẩn và bụi bẩn, bảo vệ mắt trẻ tốt nhất.

Khi thấy bất kỳ triệu chứng của tật khúc xạ như phải nheo mắt mới thấy chữ, nhìn mờ, mỏi mắt, sợ ánh sáng... cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhãn khoa. Nếu được chẩn đoán mắc tật khúc xạ, trẻ cần đeo kính đúng số, tái khám định kỳ 6 tháng một lần. Đeo kính sai số có thể làm tăng độ nhanh.

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN