1. Trẻ sơ sinh bị sưng mắt là dấu hiệu của bệnh gì?
Trẻ sơ sinh bị sưng mắt là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể là dấu hiệu cảnh bảo cho một số bệnh. Các mẹ nên đưa bé tới bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Thông thường trẻ bị sưng mắt là biểu hiện của viêm kết mạc do chlamydia, lậu cầu, dị ứng hoặc gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus khác.
1.1. Bệnh Chlamydia
Chlamydia trachomatis là bệnh gây ra tình trạng viêm kết mạc hoặc nhiễm trùng sinh dục. Nguyên nhân sưng mắt do trong quá trình mang thai nếu mẹ nhiễm vi khuẩn chlamydia mà không được điều trị sẽ lây nhiễm cho bé. Một số triệu chứng của bệnh có thể kể tới như:
- Đỏ mắt.
- Sưng mí mắt.
- Xuất hiện dử mắt dạng mủ
- Mắt kèm nhèm, khó mở.
Thông thường, những triệu chứng trên sẽ xuất hiện trong vòng 5 đến 12 ngày sau sinh. Theo thống kê, một nửa số trẻ sơ sinh nhiễm viêm kết mạc chlamydia cũng gặp hiện tượng nhiễm trùng ở các bộ phận khác của cơ thể. Vi khuẩn rất dễ lây nhiễm sang phổi hoặc vòm họng. Nếu bé gặp tình trạng trên, mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế uy tín để tiến hành điều trị, tránh để lại hậu quả sau này.
1.2. Viêm kết mạc do lậu cầu
Viêm kết mạc lậu cầu gây ra bởi neisseria gonorrhoeae. Trong thời gian mang thai, người mẹ mắc bệnh lậu không điều trị sẽ có khả năng cao lây truyền cho trẻ khi sinh. Khi mắc bệnh này, trẻ sơ sinh thường có những biểu hiện như sau:
- Mắt đỏ.
- Dử mắt có dạng mủ đóng vảy.
- Sưng mí mắt.
Dạng viêm kết mạc này sẽ xuất hiện trong vòng 2 - 4 ngày sau khi sinh. Nguy hiểm hơn đi kèm với tình trạng đau ở mắt là nhiễm trùng máu, viêm não hoặc màng não. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở con, mẹ cần báo với các nhân viên y tế để kịp thời xử lý và có phương án điều trị phù hợp.
1.3. Dị ứng thuốc nhỏ mắt
Trẻ khi sinh ra sẽ được nhỏ thuốc nhỏ mắt giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi đó, nếu không hợp rất dễ xảy ra những kích thích ở mắt và có phản ứng bị dị ứng. Thông thường, các triệu chứng dị ứng sẽ là đỏ mắt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp kích ứng xảy ra quá mạnh sẽ dẫn tới trẻ sơ sinh bị sưng mắt. Nếu trong vòng 24 đến 36 giờ không tiến hành nhỏ thuốc mà không thuyên giảm sẽ cần áp dụng những biện pháp can thiệp khác.
1.4. Nhiễm vi khuẩn, virus
Vi khuẩn và virus là hai nguyên nhân chính gây viêm kết mạc ở mắt và đau sưng mắt ở trẻ sơ sinh. Vi khuẩn có thể sống trong âm đạo của mẹ tuy không lây truyền qua đương tình dục nhưng khi sinh em bé rất có thể sẽ gây sưng mắt, viêm kết mạc.
Ngoài ra, các loại virus thông thường gây mụn rộp sinh dục và miệng cũng là một trong những nguyên nhân gây sưng mắt và viêm kết mạc ở trẻ. Mắt có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng tới thị giác sau này. Trong quá trình sinh con, mẹ có khả năng cao lây truyền loại virus này.
Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị tác động từ các loại vi khuẩn, virus là:
- Mắt đỏ.
- Mí mắt bị sưng tấy.
- Xuất hiện mủ mắt.
Nếu không kịp thời chữa trị thì rất có thể sẽ gây ra những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khác. Mẹ cần chú ý quan sát tình trạng mắt bé sau sinh để kịp thời báo lại các nhân viên y tế để có phương pháp xử lý y tế.
2. Trẻ sơ sinh bị sưng mắt có nguy hiểm không?
Nhìn chung, tình trạng trẻ sơ sinh bị sưng mắt là tương đối nguy hiểm. Nguyên nhân là do trẻ sơ sinh có mắt rất nhạy cảm, dễ kích ứng nếu gặp tác động bất thường từ các hoạt chất hay các loại virus. Việc điều trị sớm tình trạng sưng mắt ở trẻ vô cùng quan trọng để tránh để lại những hậu quả khôn lường về sau.
Ngoài ra, sưng mắt là một trong những dấu hiệu tiêu biểu của các bệnh lý viêm kết mạc. Đây là bệnh lý tương đối nguy hiểm ở trẻ nếu không có phương pháp điều trị đúng cách.
3. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị sưng mắt?
Tình trạng trẻ sơ sinh bị sưng mắt rất dễ gặp phải trong cuộc sống khiến mẹ tương đối bối rối khi gặp phải. Khi con mắc tình trạng trên, bạn cần thực hiện theo những cách sau đây:
- Đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín để khám mắt cũng như nhận được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống cho trẻ mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tiến hành vệ sinh mắt cho trẻ bằng cách lau mắt bé bằng gạc vô khuẩn. Sử dụng nước muối ính lý thấm ướt gạc sau đó lau nhẹ từ đầu đến đuôi mắt.
- Trước khi nhỏ thuốc hay tiến hành vệ sinh mắt cho bé, mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn.
Trên đây là những điều mẹ có thể tiến hành xử trí tại nhà khi con bị sưng mắt. Tuy nhiên, bạn nên đưa con tới các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
4. Phòng ngừa tình trạng sưng mắt ở trẻ sơ sinh
Sưng mắt tuy là tình trạng trẻ sơ sinh rất dễ gặp phải nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng những phương pháp đơn giản như sau:
- Đeo kính chống bụi, chống nắng hoặc che chắn kín cho trẻ khi ra ngoài tránh những tác động từ ánh sáng mặt trời hay khói bụi,... dễ ảnh hưởng tới đôi mắt nhạy cảm của trẻ.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các đầy đủ các loại vitamin giúp tăng cường thị lực cho trẻ.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ, giúp mắt trẻ được thư giãn, tránh căng thẳng.
- Nếu thành viên gia đình có người mắc các bệnh về đau mắt đỏ cần tiến hành cách ly. Nguyên nhân là bởi bệnh lý này rất dễ lây nhiễm nhất với trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu và đôi mắt nhạy cảm.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về một vài bệnh lý có thể gây ra tình trạng sưng mắt ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị sưng mắt tương đối nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị. Mẹ cần chú ý phát hiện sớm và đưa con tới bệnh viện mắt hoặc các cơ sở y tế khoa nhi để tiến hành thăm khám.