Bị ong đốt sưng mắt có nguy hiểm không?
Bị ong đốt sưng mắt rất nguy hiểm, đặc biệt nếu không may bị chúng đốt đúng vào giác mạc có thể gây viêm giác mạc và thậm chí mất thị lực vĩnh viễn nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Vì vậy khi bị ong đốt gây sưng mắt bạn cần phải đi khám để được điều trị sớm, đặc biệt nếu phát hiện có ngòi còn lưu lại quanh vùng mắt hay bên trong mắt cần phải lấy ra càng sớm càng tốt để tránh lọc độc của ong gây ra thương tổn nhiều hơn.
Ong vốn là loài động vật không xương sống, có cánh và thuộc ngành chân đốt. Chúng bao gồm nhiều loại khác nhau với hình dạng, kích thước cũng như độc tính không giống nhau. Điểm chung lớn nhất của chúng là đều có ngòi và một túi chứa nọc độc bên trong.
Khi chúng ta bị ong đốt vào mắt, ngòi của chúng sẽ bị đứt ra, lưu lại trên vùng đốt, túi nọc tiết ra nọc độc thẩm thấu dần qua da vào bên trong gây ra các phản ứng ngay lập tưc tại mắt như: Đau nhức mắt, ngứa , đỏ, sưng phù mắt, nhiễm trùng tại mắt...
Các thành phần chính trong nọc độc của ong bao gồm:
- Melitine: Có thể làm tan máu, biến đổi điện thế của màng thần kinh cảm giác gây đau nhức mạnh, ngoài ra còn có tác dụng dung giải hồng cầu.
- Hyaluronidase và histamin: Làm giãn mạch, tăng thoát dịch, là tác nhân chính khiến cho mắt bị sưng, đỏ, ngứa.
- Dopamine: Ảnh hưởng tới nhịp tim, khiến tim của người đốt đập nhanh hơn.
- Apamin: Có thể làm tê liệt hoạt động thần kinh cơ do có tác dụng bất hoạt bơm canxi ở màng tế bào.
Chính bởi đặc tính lưu lại ngòi đốt cùng nọc độc trên mắt sau khi bị ong đốt là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng sưng mắt, đỏ, ngứa. Thậm chí còn có thể gây ra phản ứng miễn dịch với các độc tố gây ra tình trạng nhiễm trùng ở mắt.
Ong có thể đốt vào vùng da quanh mắt, mí mắt, đốt vào kết mạc, giác mạc gây sưng, đau, nhức ở mắt. Trong đó, ong đốt vào giác mạc tuy ít gặp nhất nhưng có thể gây ra thương tổn nặng nề, nhất là tình trạng viêm giác mạc cấp do nọc độc của ong tiết ra thẩm thấu trực tiếp vào giác mạc của người bệnh.
Dấu hiệu thường gặp khi bị ong đốt sưng mắt
Khi vô tình bị ong đốt vào mắt, nọc độc của chúng lập tức tiết ra, thẩm thấu trực tiếp vào các bộ phận của mắt, bệnh nhân sẽ gặp phải một số biểu hiện đặc trưng sau:
- Đau nhức mắt đột ngột do bị kích ứng với túi nọc độc của ong tiết ra.
- Mắt đỏ hoe.
- Nước mắt rơi nhiều không kiểm soát.
- Một hoặc cả 2 mí mắt sưng phù, thậm chí không thể mở mắt.
- Thị lực bị suy giảm, nhìn mờ hơn theo thời gian.
- Cộm, xốn trong mắt, ngứa mắt.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Cách làm hết sưng mắt khi bị ong đốt?
Khi bị ong đốt gây sưng mắt, ngòi ong lúc này chính là đầu mối gây ra các biểu hiện lâm sàng, sưng đau, khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, việc quan trọng nhất lúc này là bệnh nhân cần được thăm khám, xác định vị trí của ngòi ong để lập tức loại bỏ nó ra ngoài. Vì vậy, ngay sau khi phát hiện bị ong đốt vào mắt bạn cần xử trí theo các bước sau đây sẽ là cách tốt nhất giúp cho mắt hết sưng:
Bước 1: Ra khỏi khu vực có ong
Sau khi bị ong đốt, điều đầu tiên bạn cần làm là phải ngay lập tức ra khỏi khu vực có ong để tránh việc tiếp tục bị các con ong khác đốt gây tổn thương nhiều hơn trên cơ thể. Hãy di chuyển ngay lập tức đến khu vực an toàn hơn, chắc chắn không có ong ở xung quanh đó.
Bước 2: Nghỉ ngơi, hạn chế cử động
Khi đã chắc chắn ở vùng an toàn, bệnh nhân lúc này cần được đặt trong tư thế nằm nghỉ, hạn chế tối đa việc cử động nhiều có thể khiến tình trạng càng tồi tệ hơn. Quan sát nếu thấy ngòi đốt của ong trên mắt có thể rút ngoài ra luôn. Chú ý hành động phải thật nhẹ nhàng để tránh thương tổn nặng hơn cho mắt. Tuyệt đối không được dùng tay nặn vì có thể làm vỡ túi nọc độc.
Bước 3: Vệ sinh mắt thật sạch
Lấy nước sạch hoặc nước muối sinh lý rửa sạch bên mắt bị đốt có thể giúp bạn thuyên giảm tạm thời tình trạng đau nhức mắt do bị ong đốt. Tốt hơn nên dùng nước muối vì có tính sát khuẩn cao để vệ sinh mắt lúc này. Việc vệ sinh mắt lúc này sẽ giúp người bệnh loại bỏ bớt phần nào các tác nhân gây hại cho mắt, dịu bớt cơn đau, khó chịu.
Bước 4: Chườm lạnh cho mắt
Lấy một chiếc khăn mặt sạch giặt qua nước lạnh hoặc bọc một vài cục đá nhỏ bên trong rồi chườm lên mắt. Hơi lạnh lúc này khiến da co lại, các mạch máu hoạt động tốt hơn và làm tê liệt các dây thần kinh giúp khắc phục tạm thời cảm giác sưng, đau, phù nề. Bạn hãy chườm mắt liên tục cho đến khi tới viện sẽ giúp dịu bớt cơn đau nhức ở mắt do ong đốt gây lên.
Bước 5: Đến cơ sở y tế cấp cứu
Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tại đây các bác sĩ sẽ khám mắt tổng quát, xác định vị trí của túi nọc và tiến hành phẫu thuật để lấy ngòi độc của ong ra ngoài. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lưu ý cẩn thận không để vỡ túi nọc sẽ khiến nọc độc bên trong tràn ra ngoài, thẩm mấu vào trong mắt gây thương tổn thêm.
Sau phẫu thuật lấy túi lọc độc của ong ra ngoài, bác sĩ sẽ kết hợp cho bệnh nhân dùng một số loại thuốc giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi cho mắt, hạn chế những biến chứng xảy ra. Việc kê đơn thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng mắt của người bệnh, mức độ thương tổn ở mắt, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để quá trình hồi phục không xảy ra biến chứng.
Với những bệnh nhân bị ong đốt, đặc biệt nguy hiểm nhất khi đốt vào giác mạc, tiên lượng về việc hồi phục thị lực còn tùy thuộc vào số lượng vết ong đốt, thời gian bệnh nhân đến viện sớm hay muộn, cho đến khi người bệnh được điều trị cùng với phương pháp được chỉ định. Vì vậy người bệnh đến viện càng sớm, can thiệp y tế kịp thời, thương tổn sẽ phục hồi nhanh, bảo vệ được thị lực.
Nếu người bệnh chủ quan, chỉ khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn mới đến viện, mắt đã thương tổn nặng nề hơn, dù có được can thiệp y tế, loại bỏ túi nọc độc ra ngoài thì thị lực cũng không được bảo toàn. Nguy hiểm hơn, những trường hợp bị ong đốt vào giác mạc nếu xử lý y tế chậm trễ có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn.
Tóm lại, khi bị ong đốt sưng mắt bạn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xác định vị trí ngòi ong và thực hiện phẫu loại bỏ chúng ra ngoài càng sớm càng tốt. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu bạn còn thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp nhé!
BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 - ĐIỀU TRỊ BẰNG KHỐI ÓC, CHĂM SÓC TỪ TRÁI TIM
|