Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù lòa nhiều nhất trên thế giới, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi. Người bị đục thủy tinh thể bị suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị được nếu được phát hiện và điều trị sớm. Hiện nay, phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị đục thủy tinh thể là phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể nhân tạo.
THỂ THỦY TINH NHÂN TẠO LÀ GÌ?
Thủy tinh thể nhân tạo là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thị giác của bệnh nhân sau phẫu thuật Phaco. Đây là thấu kính nội nhãn được chế tạo rất nhỏ, phù hợp với mắt người, nhằm thay thế cho thủy tinh thể tự nhiên bị đục.
PHÂN LOẠI THỂ THỦY TINH NHÂN TẠO
Thủy tinh thể được phân làm 2 loại chính là thủy tinh thể đơn tiêu cự và thủy tinh thể đa tiêu cự. Nhân đơn tiêu cự giúp tầm nhìn xa hoặc gần rõ, người bệnh cần sử dụng thêm kính để hỗ trợ khoảng nhìn không được ưu tiên. Còn nhân đa tiêu cự giúp tầm nhìn rõ ràng ở nhiều cự ly: gần (30-50cm) – trung gian (50-100cm) – xa (>1m) mà không cần dùng kính hoặc ít khi cần đến kính. Mỗi loại thủy tinh thể có những ưu nhược điểm riêng.
Thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự giải quyết vấn đề cơ bản là cải thiện thị lực cho bệnh nhân đục thủy tinh thể. Tuy nhiên chúng chỉ duy trì thị lực tốt ở một khoảng cách, thường là nhìn xa. Cho nên, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi hoạt động cần phải nhìn trung gian hay nhìn gần như xem ti vi, sử dụng máy tính, đọc sách, sử dụng điện thoại và phải cần sự hỗ trợ của các loại kính đeo.
Thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự giải quyết được nhược điểm trên của thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu cự. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về rối loạn thị giác như các hiện tượng quầng, chói, lóa, giảm thị lực khi trời tối, khó sử dụng máy tính hay lái xe, nhìn màu không sắc nét.
Để biết mình phù hợp với loại thủy tinh thể nhân tạo nào, bệnh nhân cần đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để bác sỹ khám và tư vấn.