1. Cận thị học đường là gì?
Cận thị học đường là cách gọi trước tình trạng cận thị trong độ tuổi đi học. Hiện nay có hơn 3 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học mắc cận thị. Ở vùng nông thôn có khoảng 20% học sinh bị cận thị, chỉ bằng 1/2 so với khu vực thành thị (40%) và tỷ lệ này đặc biệt cao ở các trường chuyên.
Cận thị học đường cũng được chia thành 03 mức độ khác nhau như:
- Cận thị nhẹ: Từ -0.25 đi-ốp đến -3 đi-ốp
- Cận thị trung bình: Từ -3.25 đi-ốp đến -6 đi-ốp
- Cận thị nặng: Từ -6.25 đi-ốp trở lên
Cận thị học đường tiến triển nhanh trong giai đoạn từ 5 đến 15 tuổi, trung bình mỗi năm mắt có thể tăng từ 0.75 đến 1 độ. Nếu không được chăm sóc và kiểm soát tốt mắt có thể tăng độ nhiều hơn. |
1.1 Dấu hiệu nhận biết cận thị học đường
Cận thị học đường xuất hiện trong giai đoạn trẻ đến trường, khó phát hiện khi vừa bắt đầu. Đặc biệt ở trẻ nhỏ không hiểu biết về cận thị sẽ không kịp thời báo với bố mẹ về các khác thường của mắt. Do đó bố mẹ cần quan sát thật kỹ, nếu có các dấu hiệu sau đây hãy đưa trẻ đi kiểm tra thị lực.
- Học bài, đọc sách, xem tivi,... ở khoảng cách gần.
- Nheo mắt và thường tập trung lâu hơn khi nhìn các vật ở xa.
- Thường xuyên dụi mắt, chảy nước mắt.
- Bài vở trên lớp thường chép sai chính tả, thiếu từ.
- Ở trên lớp trẻ ngồi xa không thấy bảng phải chép bài của bạn bên cạnh.
- Trẻ không thích thú với các môn học ngoài trời hay nheo mắt khi ra nơi sáng mạnh.
1.2 Nguyên nhân gây ra cận thị học đường
Đâu là nguyên nhân gây ra cận thị? Có rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng dưới đây là 3 nguyên nhân chính nhiều học sinh/ sinh viên gặp phải:
- Lối sống: Thói quen học tập sai cách, ngồi sai tư thế, nơi học tập không đảm bảo ánh sáng, khoảng cách, học nhiều giờ liền không cho mắt nghỉ ngơi, ăn uống thiếu dinh dưỡng, lạm dụng thiết bị điện tử,...
- Di truyền: 100% trẻ bị cận thị bẩm sinh nếu bố mẹ cận trên 6 độ, cả bố và mẹ bị cận thì con có nguy cơ di truyền đến 60%, giảm còn 40% nếu chỉ 1 trong 2 bị cận.
- Sinh non, nhẹ cân: Trẻ sinh non từ 2 tuần trở lên, trẻ sinh nhẹ hơn 2.4kg có nguy cơ cao bị cận thị khi bắt đầu đi học.
1.3 Tác hại của cận thị học đường
Tùy theo từng mức độ cận thị sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng trong đời sống hằng ngày không chỉ là học tập mà còn sức khỏe của mắt, cụ thể:
- Cận nhẹ và trung bình: Ảnh hưởng đến đời sống, gây khó khăn trong những sinh hoạt thường ngày, ảnh hưởng kết quả học tập, gây hạn chế khi tham gia hoạt động thể thao,... nhưng không đe dọa sức khỏe của mắt.
- Cận ở mức độ nặng: Độ cận có thể tăng nhanh và biến chứng thành nhiều bệnh lý nguy hiểm về mắt, gây nhược thị, lác mắt,... có thể gây mù lòa.
>> Tìm hiểu thêm: Kiểm soát tiến triển cận thị - Giải pháp đối phó với tình trạng cận thị học đường
2. Những nhầm tưởng về cận thị học đường hầu như không ai để ý
Nhiều người hiểu sai và có những nhầm tưởng về tật cận thị học đường khiến tình trạng tiến triển ngày càng nặng và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Dưới đây là 5 cách nghĩ sai mà bạn cần tránh.
2.1 Đeo kính nhiều sẽ bị phụ thuộc vào kính, do vậy không nên đeo kính
Đeo kính thường xuyên lâu dần sẽ khiến mắt giảm khả năng điều tiết ngay cả khi nhìn gần khiến mắt bị phụ thuộc vào kính. Nhưng không vì thế mà bạn không đeo kính thường xuyên vì sẽ làm tăng độ nhanh chóng. Việc đeo kính bao nhiêu một ngày tùy thuộc vào từng độ cận, những người cận trên 2 độ hầu như phải đeo kính thường xuyên và trong hầu hết các sinh hoạt thường ngày.
Mắt cận thị không nhìn rõ được các vật ở xa nên cần đeo kính để cải thiện thị lực, tăng cường chất lượng cuộc sống. Khi bạn không đeo kính sẽ giúp mắt phải điều tiết nhiều hơn, mắt yếu đi, lâu dần làm tăng độ cận. Đặc biệt ở trẻ nhỏ còn có thể dẫn đến rối loạn phát triển thị giác của mắt.
2.2 Chỉ cần đeo kính khi nhìn xa, nhìn gần thì có thể không đeo cũng được
Cận dưới 1 độ thì bạn có thể không đeo kính khi nhìn gần nhưng cận trên 1 độ thì cần phải đeo kính thường xuyên kể cả khi nhìn gần. Đeo kính giúp mắt tránh bị quá tải, giúp người bị cận nhìn rõ sự vật khi xa và cả khi ở gần. Đeo kính đúng cùng với việc duy trì thói quen sinh hoạt điều độ sẽ giúp ngăn chặn cận thị tiến triển.
2.3. Đeo gọng kính gì cũng được, quan trọng là chất lượng mắt kính
Chất lượng mắt kính rất quan trọng nhưng vai trò của gọng kính cũng không kém. Chọn gọng kính chất lượng, phù hợp với gương mặt sẽ giúp bạn dễ chịu hơn khi đeo kính đồng thời cũng giúp tăng tính thẩm mỹ, sự tự tin trong giao tiếp. Về mắt kính nên chọn những loại có các chức năng chống chói lóa, chống tia cực tím, chống ánh sáng xanh,... để có thể bảo vệ mắt tốt hơn.
2.4. Mắt có biểu hiện tăng độ, nhưng lười hoặc nghĩ đeo độ thấp hơn vẫn nhìn được nên bạn không đi khám lại mắt
Đây là một quan điểm sai khiến cho mắt của bạn ngày càng yếu đi. Khi đeo kính không đúng độ cận của mắt sẽ khiến mắt khó chịu, đau, mỏi mắt, quá tải và chảy nước mắt thường xuyên hơn. Nếu mắt phải điều tiết nhiều hơn bình thường, lâu dần khiến mắt yếu đi, tăng độ cận nhanh hơn. Do đó, bạn cần phải đi thăm khám bác sĩ 3 đến 6 tháng/lần và những khi mắt có dấu hiệu tăng độ cận để kiểm tra tình trạng mắt và cắt lại kính khác nếu tăng độ cận.
2.5 Cận thị sẽ phải đeo kính suốt đời
Bạn sẽ không phải đeo kính cận suốt đời nếu can thiệp mổ cận thị (sau 18 tuổi và trước năm 40 tuổi). Khi đủ 18 tuổi bạn nên đến các bệnh viện uy tín để được bác sĩ kiểm tra mắt toàn diện và tư vấn phương pháp phẫu thuật xóa cận phù hợp nhất. Nếu không mổ cận sau năm 40 tuổi mắt sẽ bắt đầu lão hóa có thêm lão thị, bạn có thể phải đeo kính 2 tròng để cải thiện thị lực.
Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu chi tiết về cận thị học đường, nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng tránh hiệu quả. Chia sẻ thông tin này đến những người thân để bổ sung thêm kiến thức giúp chăm sóc sức khỏe mắt cho gia đình tốt hơn.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao; sẽ giúp bạn bảo về đôi mắt và phòng tránh các bệnh về mắt. Để đăng ký khám bệnh, bạn có thể đến khám trực tiếp hoặc liên hệ đặt lịch thông qua tổng đài theo số Hotline: 1900 277 227 hoặc đặt lịch khám Online thông qua Website của Bệnh viện Mắt Hà nội 2 tại đây.
BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 - ĐIỀU TRỊ BẰNG KHỐI ÓC, CHĂM SÓC TỪ TRÁI TIM
|
Thông tin tham khảo:
|