1. Cận thị giả là gì?
Cận thị giả (tên gọi khác Pseudomyopia) là một dạng triệu chứng gây rối loạn thị giác với những dấu hiệu mắt cận thị thông thường. Lúc này, hình ảnh vật thể vẫn hội tụ trước võng mạc giống hệt cận thị.
Tuy nhiên, chứng cận thị giả (cận thị tạm thời) sẽ chỉ xuất hiện khi mắt phải làm việc quá tải gây suy giảm thị lực trong thời gian ngắn và có thể tự bình phục.
1.1 Phân loại mức độ
Cận thị giả được chia thành 2 loại đó là:
- Cận thị giả thực thể: Xuất hiện do hệ thần kinh phó bị giao cảm, kích động quá mức.
- Cận thị giả cơ năng: Xuất hiện do sự mệt mỏi của thị giác hoặc sự khó chịu nhất thời của mắt.
Cả 2 dạng cận thị trên thường xuất hiện ở những người phải làm việc quá tải, học tập trong thời gian dài. Lúc đó, mắt phải điều tiết nhiều, tâm lý căng thẳng gây ra chứng suy giảm thị lực.
1.2 Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu của cận thị giả tương tự như dấu hiệu cận thị thông thường. Chính bởi vậy, nhiều người dễ nhầm lẫn giữa 2 loại tật khúc xạ này. Một số biểu hiện cụ thể như:
- Mắt nhức mỏi.
- Chảy nước mắt liên tục.
- Khả năng nhìn xa, nhìn tập trung vào 1 điểm kém hơn.
- Mắt phải nheo lại mới nhìn rõ.
Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ ngơi hợp lý mắt sẽ cải thiện được thị lực rõ rệt và trở lại bình thường. Còn nếu mắt bạn duy trì các dấu hiệu này thì có khả năng bạn đã mắc chứng cận thị thông thường.
1.3 Bao lâu khỏi cận thị giả?
Chứng cận thị giả kéo dài trong thời gian ngắn và sẽ tự khỏi nếu mắt người mắc được nghỉ ngơi đúng cách. Cận thị giả là triệu chứng gây thay đổi thị lực tạm thời và không mang tính liên tục.
1.4 Mức độ nguy hiểm của chứng cận thị giả
Theo bác sĩ chuyên khoa cho biết, cận thị giả không khó chữa nhưng nếu không được điều trị sớm và đúng cách vẫn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Cận thị giả là dấu hiệu suy giảm thị lực trong khoảng thời gian nhất định, trước hết điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe mắt.
Nếu người mắc chủ quan không có chế độ chăm sóc mắt phù hợp và đi khám bác sĩ có thể dẫn tới chứng cận thị thật.
2. Nguyên nhân gây cận thị giả
Nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng cận thị giả là do mắt phải làm việc, học tập trong thời gian dài và tâm lý căng thẳng. Ngoài ra còn một số tác nhân khác làm tăng nguy cơ như:
- Không đủ ánh sáng khi sinh hoạt, học tập, làm việc,..
- Mắt không đủ thời gian nghỉ ngơi.
- Sử dụng thiết bị điện tử, đọc sách,... trong cự ly gần.
3. Cách phân biệt cận thị thật và cận thị tạm thời
Phân biệt cận thị thật và cận thị giả bằng cách:
- Tại nhà: Có thể theo dõi thời gian bình phục của mắt. Nếu mắt bị suy giảm thị lực nhưng sau quá trình nghỉ ngơi và thư giãn từ 4 đến 8 tiếng có dấu hiệu hồi phục tốt thì có thể đây là cận thị giả (hoặc ngược lại).
- Tại bệnh viện: Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc điều tiết (Atropin 1% hoặc Cyclogyl 1%) để làm liệt cơ thể mi, từ đó làm liệt điều tiết và giúp bộc lộ tật khúc xạ chính xác. Đây là thao tác y tế bắt buộc trước khi đo kính và xác định tật khúc xạ.
Tự xác định mức độ cận thị tại nhà sẽ không có độ chính xác 100%. Tại các cửa hàng bán kính, kết quả kiểm tra cũng không có độ chính xác cao. Việc chẩn đoán sai, không chính xác cũng là nguyên nhân gây cận thị thật và làm tăng độ cận sau thời gian đeo kính.
4. Cận thị giả có nên đeo kính không?
Cận thị giả tuyệt đối không nên đeo kính. Rất nhiều người khi thấy mắt có biểu hiện suy giảm thị lực sẽ sử dụng kính cận để khắc phục tạm thời. Điều này là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe mắt.
Trong những ngày đầu đeo kính, mắt sẽ nhìn rõ hơn, tốt hơn. Nhưng chỉ sau 1 đến 2 tuần mắt của người mắc sẽ bị nhức mỏi, thường xuyên đau đầu và nhìn mọi thứ mờ dần đi.
Nếu người bệnh vẫn cố gắng đeo kính, đặc biệt là kính có độ cận không phù hợp dần dần sẽ gây ra chứng cận thị thật.
5. Cách điều trị và phòng tránh cận thị giả
Để sở hữu đôi mắt sáng khỏe hãy tham khảo những cách phòng tránh và điều trị của cận thị giả sau đây
5.1 Cách điều trị
Nếu có triệu chứng suy giảm thị lực, hãy thực hiện một số bài tập thể dục mắt và nghỉ ngơi đúng cách để mắt được thư giãn. Sau thời gian này mà mắt vẫn chưa cải thiện bạn có thể đến cơ sở y tế uy tín đến thăm khám và điều trị.
Tại bệnh viện, một số cách điều trị thường được bác sĩ khuyên dùng như:
- Cận thị giả thể nhẹ: Nhỏ thuốc theo chỉ định, ăn uống và nghỉ ngơi theo chế độ khoa học.
- Cận thị giả thể nặng: Được chỉ định dùng kính chuyên dụng để hỗ trợ quá trình điều tiết ở mắt một cách nhẹ nhàng hơn. Bệnh nhân ngừng đeo kính khi mắt đã hồi phục.
5.2 Cách phòng tránh
- Bổ sung vitamin A, B, D,... đầy đủ để cải thiện sức khỏe mắt.
- Đối với học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng,... nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút sau mỗi giờ học tập, làm việc.
- Thực hiện các động tác massage, tập thể dục cho mắt khi cảm thấy mệt mỏi.
- Nếu có dấu hiệu suy giảm thị lực, hãy nhìn vào các đồ vật có màu xanh lá.
- Giữ khoảng cách hợp lý, không nhìn quá gần vào vật thể.
- Làm việc, sinh hoạt trong môi trường có ánh sáng tốt.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời và tập thể dục thường xuyên.
Ngoài ra, trẻ nhỏ và người cao tuổi khi đã xuất hiện triệu chứng cận thị tạm thời nên đi khám mắt định kỳ từ 3 đến 6 tháng để theo dõi sức khỏe mắt. Nên lựa chọn địa chỉ khám uy tín, không nên chạy theo các gói dịch vụ giá rẻ hay khám “tạm” tại các cửa hàng bán kính mắt thông thường.
Trên đây là tổng hợp các thông tin về chứng cận thị giả và một số biện pháp điều trị, phòng tránh. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết này bạn sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích cho sức khỏe. Tuy nhiên đừng quá chủ quan, hãy đến bệnh viện để kiểm tra nếu mắt xuất hiện dấu hiệu bất ổn.