Người bị cận thị tuy có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng nhìn xa kém, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, làm việc và cả sự an toàn của bản thân.
Ước tính hơn 2 tỷ người trên thế giới bị cận thị (trên 0,5 đi-ốp). Trong đó, khoảng 10% bị cận cao (trên 5 đi-ốp). Người bị cận cao có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như thoái hóa hoàng điểm, bong võng mạc, tăng nhãn áp góc mở và đục thủy tinh thể.
Thực trạng này đang là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Năm 2015, ước tính trên thế giới có 480 triệu người bị mù vì không được tiếp cận với kính mắt, vì vậy, cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và mù trên thế giới.
Đến năm 2050, dự kiến 5 tỷ người bị cận thị, chiếm một nửa dân số toàn cầu tại thời điểm đó. Vấn đề cung cấp kính mắt cũng như ngăn ngừa và kiểm soát cận thị sẽ trở thành gánh nặng đối với các dịch vụ y tế.
Năm 2015, cận thị không được điều trị và thoái hóa hoàng điểm được coi là nguyên nhân gây tổn thất 250 tỷ USD cho năng suất toàn cầu. Khi cận thị trở nên phổ biến, tổn thất này sẽ tăng lên.
Tạo nên sự khác biệt
Để đáp ứng nhu cầu điều trị và đẩy lùi cận thị, chúng ta phải giải quyết các vấn đề về cung cấp dịch vụ, điều chỉnh giá phù hợp, thúc đẩy y tế, vận động và thay đổi chính sách ở cả cấp quốc gia và thế giới. Lúc này, giữa chính phủ, cộng đồng, các nhà nghiên cứu, nhà cải cách và thành phần tư nhân, điều quan trọng không phải cạnh tranh, mà là hợp tác. Viện IMI (International Myopia Institute, www.myopiainstitute.org) là một ví dụ của hợp tác mang lại sự đồng thuận về các khía cạnh quan trọng như xác định, hướng dẫn lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và làm thế nào để thu hút sự quan tâm. Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn về giáo dục, cung cấp dịch vụ, thúc đẩy y tế, tích cực hưởng ứng và nghiên cứu. Sự hợp tác và mối quan hệ đối tác cho phép chúng ta tăng khả năng và tác động trước tình hình cận thị này.
Chính phủ phải đi đầu trong công cuộc giải quyết vấn đề cận thị đang ngày càng gia tăng này. Các chính sách phải đề cập tới sức khỏe đôi mắt của trẻ em; ví dụ, bằng cách kiểm tra mắt bắt buộc đối với trẻ em khi nhập học và tạo điều kiện cho nhập khẩu (hoặc sản xuất) các sản phẩm và thuốc có thể giúp kiểm soát tiến triển cận thị. Một trong những sáng kiến được đưa ra nhằm xây dựng trường học thân thiện là tổ chức các hoạt động ngoài trời vì những hoạt động này đã được chứng minh làm giảm khả năng bị cận thị ở trẻ em. Các trường học là cầu nối giữa các dịch vụ y tế, khúc xạ và học sinh cũng như phụ huynh; ví dụ: nhà trường tổ chức các hoạt động tăng cường thể chất và khuyến khích cha mẹ đưa trẻ đi khám mắt để trẻ nhận được sự điều chỉnh phù hợp.
Thành phần tư nhân phải hỗ trợ tiếp cận toàn diện, có thể là cung cấp dịch vụ, phát triển nguồn nhân lực, vận động, thay đổi chính sách, nghiên cứu hoặc thúc đẩy y tế. Ngành công nghiệp nên thúc đẩy các nhà sản xuất chế tạo ra những sản phẩm kiểm soát cận thị tiên tiến, chi phí hợp lý, cho dù là kính áp tròng hay kính gọng, và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO) liên quan đến sức khỏe đôi mắt là chìa khóa hỗ trợ tiếp cận toàn diện bằng cách ưu tiên vận động và thay đổi chính sách. NGO phải hỗ trợ mở rộng các dịch vụ chứ không phải là tổ chức thay thế cho chính phủ hoặc người thực hiện. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các chương trình phát triển lớn khác đều chỉ ra rằng cận thị có thể làm chậm khả năng tiếp thu của trẻ, cản trở nỗ lực đề ra trong các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (www.un.org/sustainabledevelopment).
Các chuyên viên khúc xạ, bác sỹ nhãn khoa và các chuyên gia nhãn khoa đều đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tác động xấu của cận thị đến chất lượng cuộc sống. Giáo dục và nâng cao sức khoẻ cần phải trở thành yếu tố quan trọng trong việc quản lý bệnh nhân. Các chuyên gia nhãn khoa cũng cần phải nỗ lực hỗ trợ chính phủ trong việc thay đổi chính sách và tận dụng những mối quan hệ trong cộng đồng để kêu gọi sự ủng hộ cho những thay đổi này. Bài báo này thảo luận về bằng chứng của dịch bệnh cận thị và nguy cơ cận thị cao cùng với các biện pháp can thiệp có sẵn để giảm nguy cơ cận thị và làm chậm quá trình tiến triển của nó. Mặc dù có các can thiệp lâm sàng và thị giác có thể làm chậm tiến trình cận thị, thì việc thay đổi lối sống và môi trường (ít nhìn gần trong lúc làm việc và dành nhiều thời gian hoạt động bên ngoài) được cho là có tầm quan trọng lớn hơn vì nó bảo vệ trẻ em khỏi sự khởi phát của cận thị. Chúng tôi đã bao gồm những lời khuyên thiết thực về cách phát hiện, tham khảo, chẩn đoán và kiểm soát cận thị. Một danh sách các dữ liệu cần thiết để theo dõi quản lý cận thị được mô tả để khuyến khích các bác sỹ lâm sàng bắt đầu theo dõi tiến triển cận thị ở bệnh nhân.
Theo Community Eye Health Journal, 13/5/2019