THÔNG TIN CẦN BIẾT

Bé bị sưng mắt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách khắc phục

27-07-2022 - Tác giả:   Hải Yến   - Tham vấn y khoa:   PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu
Bé bị sưng mắt là tình trạng phổ biến thường gặp. Theo chuyên gia nhận định có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dấu hiệu này trên mắt trẻ, có thể là do những tác nhân gây hại từ môi trường hoặc có thể bé đang gặp phải 1 bệnh lý nào đó ở mắt. Bố mẹ cần phải nắm rõ nguyên nhân khiến em bé của mình bị sưng mắt mới có thể khắc phục hiệu quả sự khó chịu ở mắt này cho con.
bé bị sưng mắt
Bé bị sưng mắt là tình trạng phổ biến thường gặp

Bé bị sưng mắt là gì?

bị sưng mắt là tình trạng mắt của trẻ bị sưng phù ở mí trên hoặc mí dưới hay có thể ở cả 2 mí cùng lúc. Đây có thể là hiện tượng viêm nhiễm hoặc do chất lỏng dư thừa tích tụ lại ở bên trong các mô liên kết ở xung quanh mắt của trẻ.Dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì sưng mắt luôn khiến cho bé bị khó chịu, quấy khóc do đau và tầm nhìn bị hạn chế.

bé bị sưng mắt là gì?
Bé bị sưng mắt là tình trạng mắt của trẻ bị sưng phù ở mí trên hoặc mí dưới

Dấu hiệu sưng mắt ở trẻ em thường gặp

Bé bị sưng mắt khó chịu sẽ liên tục đưa tay lên dụi mắt không ngừng, một số biểu hiện đi kèm khác bố mẹ có thể quan sát được như:

  • Mắt đỏ: Bé bị sưng mắt có thể đi kèm với biểu hiện tròng mắt có gân đỏ.
  • Ngứa mắt: Biểu hiện bằng việc bé đưa tay lên dụi mắt nhiều, liên tục.
  • Đau, nhức: Biểu hiện nhức nhối ở mắt khiến bé quấy khóc hơn bình thường.
  • Nước mắt nhiều: Bên mắt sưng của bé có thể chảy nước mắt nhiều, liên tục.
  • Đổ ghèn: Mắt bé xuất hiện nhiều ghèn, có thể kết thành mảng vào buổi sáng sau khi dậy khiến bé khó mở mắt.
  • Sốt: Viêm nhiễm gây sưng mắt ở bé có thể đi kèm với sốt do đề kháng của con còn kém.
dấu hiệu sưng mắt ở bé
Sưng mắt thường khiến cho bé ngứa ngáy, đau nhức khó chịu

9 nguyên nhân thường gặp khiến bé bị sưng mắt

Sưng mắt ở trẻ em trong đa phần các trường hợp có thể tự biến mất không đáng lo. Tuy nhiên, bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi tình trạng, thân nhiệt của bé vì sưng mắt có thể là cảnh báo một bệnh lý ở mắt bé cần phải được xử lý đúng cách để đẩy nhanh quá trình hồi phục.

Vậy mắt bị sưng phù là bệnh gì ở trẻ em?Dưới đây sẽ là 9 nguyên nhân thường gặp khiến em bé của bạn bị sưng mắt:

1. Do bị côn trùng đốt

Cơ thể bé thường có mùi thơm của sữa rất thu hút côn trùng. Một số loài phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta như: Kiến, muỗi, ong... vô tình đốt vào vùng da xung quanh mắt bé có thể khiến con bị sưng mắt. Muỗi đốt thông thường không gây đau, chỉ khiến mắt bé bị sưng, ngứa và tình trạng có thể kéo dài lên đến 10 ngày ở trẻ nhỏ.

Một số loài kiến hay ong là có nọc độc khi đốt bé có thể gây sưng to kèm theo đau nhức khiến bé quấy khóc. Khi không may bé bị những loài côn trùng này đốt, bạn nên đưa con đi khám mắt bác sĩ để có phương pháp khắc phục kịp thời, giảm nhanh tình trạng khó chịu cho con.

bé bị côn trùng đốt
Côn trùng vô tình đốt lên vùng da quanh mắt bé gây sưng

2. Do bé bị va đập, thương tổn

Vô tình bé gặp phải thương tổn như va đập, ngã, bị lực tác động mạnh gây thương tổn vùng mặt gần mắt đều có thể khiến cho mắt bé bị sưng húp. Có cả những trường hợp bé bị thương tổn mà không gây đau nhưng lại bị sưng mắt. TÌnh trạng thương tổn khiến mắt bị sưng thường phổ biến nhất ở giai đoạn trẻ tập đi vì ở độ tuổi này bé khá hiếu động, thích khám phá thế giới nên dễ bị té ngã, va đập.

3. Do dị ứng ở mắt

Một số các dị nguyên gây hại phổ biến trong không khí như: Bụi bẩn, phấn hoa, lông thú cưng, mạt bụi hay khói thuốc lá... Vô tình bay vào mắt bé có thể khiến con gặp phải tình trạng kích ứng ở mắt. Tình trạng dị ứng mắt này thường có một số dấu hiệu đặc trưng như: Ngứa ngáy, đỏ mắt, sưng mắt, dịch tiết nhiều... Trẻ có thể phát dấu hiệu ngay sau khi tiếp xúc với các tác nhân nên bạn hãy để ý xem em bé của mình vừa tiếp xúc với những gì nhé!

bé bị dị ứng mắt
Mắt của bé vô tình bị các dị nguyên bay vào gây kích ứng

4. Do bé bị lẹo gây sưng mắt

Lẹo có thể xuất hiện ở gần mép hoặc dưới mí mắt của bé, thường có hình dạng như vết sưng, đỏ là một tình trạng nhiễm trùng ở mắt. Khi mới xuất hiện, quan sát mắt bé sẽ thấy xuất hiện một nốt đỏ, cứng như hạt gạo, sưng nhẹ. Sau vài ngày, nốt đỏ này sẽ mưng mủ, có nhân và vỡ rồi biến mất. Trong quá trình tiến triển có thể gây đau cho bé.

5. Do bé bị chắp mắt

Bệnh lý này có biểu hiện khá giống lẹo nên nhiều người dễ bị nhầm lẫn. Chắp mắt không phải là tình trạng nhiễm trùng, nó xảy ra do 1 tuyến bã nhờn ở mí mắt của bé bị bít tắc. Nốt chắp thường xuất hiện với kích thước cỡ hạt đậu to hơn nốt lẹo nhưng ít gây hại hơn. Chắp mắt ở trẻ nếu không được điều trị, khắc phục đúng cách có thể bị lây lan và tái lại nhiều lần.

chắp mắt ở bé
Chắp mắt khiến bé có cảm giác sưng nhức khó chịu

6. Do tắc lệ đạo

Đây là một bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tắc tuyến lệ thường được cải thiện dần khi bé trên 1 tuổi. Khi tuyến lệ ở mắt bé gặp phải tình trạng tắc nghẽn khiến nước mắt không thể thoát được ra ngoài gây sưng, đỏ và đau ở mí mắt bé. Trong đa phần các trường hợp tắc lệ đạo đều không gây nguy hiểm cho bé, tuy nhiên cha mẹ phải hết sức chú ý, nếu tắc tuyến lệ kèm sốt phải đưa bé đi khám ngay.

tắc lệ đạo
Bé bị tắc lệ đạo gây sưng mắt

7. Do đau mắt đỏ

Bệnh lý này thường do virus, vi khuẩn gây ra, dễ lây lan qua đường hô hấp nên bất kỳ ai cũng có thể gặp phải và trẻ em sức đề kháng còn yếu càng là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh. Đau mắt đỏ ở trẻ thường có một số dấu hiệu đặc trưng như: Tròng trắng mắt có màu đỏ hoặc hồng, sưng mắt, tiết dịch nhiều, ghèn mắt nhiều có thể đóng thành mảng quanh mắt vào buổi sáng khi trẻ thức dậy gây khó mở mắt.

Đau mắt đỏ ở trẻ em tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bé và dễ lây lan cho người khác vì bé chưa biết cách tự phòng tránh. Nếu trẻ tự nhiên bị sưng mắt khi ngủ dậy đi kèm với ghèn nhiều, bám thành mảng xung quanh mí mắt trẻ thì rất có thể con đã bị đau mắt đỏ. Bố mẹ cần đưa bé đi khám ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị đúng, bảo vệ thị lực cho con.

trẻ bị đau mắt đỏ
bé bị đau mắt đỏ gây ra nhưng khó chịu ở mắt

8. Do bé bị herpes mắt

Bệnh lý này thường gây ra các vùng mụn nhỏ li ti kèm với sưng đỏ ở mắt bé. Nhiều mẹ hay bị nhầm với bệnh đau mắt đỏ vì trẻ cũng có nhiều biểu hiện mắt đỏ, kết ghèn, tiết dịch... tương tự. Virus herpes xâm nhập, phát triển bên trong và ở xung quanh mắt bé là nguyên nhân chính cấu thành nên bệnh lý này. Herpes mắt trong nhiều trường hợp hợp bệnh không phát hiện thương tổn rõ ràng như đau mắt đỏ.

9. Do bé bị viêm bờ mi

Bỗng một ngày bé bị sưng mắt, ngứa ngáy khi ngủ dậy, có khả năng con yêu của bạn đang gặp phải tình trạng viêm bờ mi. Bạn hãy thử quan sát lông mi của con xem có đang bị nhờn hay kết vảy trông giống như gàu không. Viêm bờ mi xảy ra khi tuyến dầu ở mí mắt bị tắc hoặc viêm. Bệnh thường biểu hiện nặng nhất vào buổi sáng sau một giấc ngủ dài vào ban đêm của trẻ.

viêm bờ mi ở trẻ
Viêm bờ mi khiến bé bị sưng mắt, khó chịu

Cách khắc phục hiệu quả tình trạng sưng mắt ở trẻ em

Nếu tình trạng sưng mắt của bé nhẹ nhàng, bạn đã xác định được là do những nguyên nhân thông thường và không gây nguy hiểm cho mắt bé thì có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản giúp thuyên giảm nhanh tình trạng khó chịu cho con như sau:

  • Vệ sinh mắt sạch sẽ: Bạn hãy rửa mắt cho bé hàng ngày để giữ vùng mắt cho con luôn sạch sẽ bằng cách lấy khăn sạch hoặc gạc y tế giặt với nước ấm, lau nhẹ nhàng vùng mắt bị sưng sẽ giúp giảm nhẹ tình trạng khó chịu con đang gặp phải. Việc này cũng giúp bạn loại bỏ các dị nguyên gây ra tình trạng kích ứng ở mắt trẻ. Nên vệ sinh mắt cho bé 3 lần mỗi ngày khi bị sưng.
  • Chườm lạnh: Dùng một chiếc khăn mặt giặt qua nước lạnh rồi chườm lên mắt bé liên tục trong vài phút. Một ngày làm khoảng 2 - 3 lần có thể giúp tình trạng sưng mắt của trẻ thuyên giảm, đỡ khó chịu.
  • Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: Việc này sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ sưng mắt ở trẻ do dị ứng. Nhà cửa dọn dẹp sạch sẽ hàng ngày giúp bạn loại bỏ các dị nguyên gây hại cho mắt con.

Ngoài ra, mẹ cũng nên tránh cho bé đến nơi đông người, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, tránh xa khu vực bị ô nhiễm và những người đang hút thuốc lá,khói thuốc rất hại cho đôi mắt cũng như sức khỏe của con.

vệ sinh mắt cho bé
Vệ sinh mắt thường xuyên cho bé

Bé bị sưng mắt khi nào cần đi khám?

Với những trường hợp bé bị sưng mắt bất thường, trẻ ngủ dậy bị sưng mắt không rõ nguyên nhân kèm theo nhiều biểu hiện lạ ở mắt, tình trạng ngày càng gia tăng cấp độ nặng, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt. Cụ thể:

  • Bé bị sưng mắt nặng: Dù cho bạn đã hay chưa xác định được hay chưa xác định được nguyên nhân gây sưng mắt của con nhưng thấy tình trạng này ngày càng gia tăng cấp độ nặng, không thuyên giảm, thậm chí con không thể mở mắt thì nên đưa bé đi khám ngay.
  • Sưng mắt ở trẻ em kèm sốt: Sốt đi kèm với tình trạng sưng mắt thường là biểu hiện của nhiễm trùng đã biến chuyển sang giai đoạn nặng. Vì vậy cần đưa trẻ đi khám để được điều trị ngay khi bị sốt sưng mắt.
  • Không rõ nguyên nhân sưng mắt: Khi sưng mắt của con kéo dài, không rõ nguyên nhân vì sao, bạn nên đưa bé đi khám để tìm ra lý do và có phương pháp điều trị thích hợp, bảo vệ thị lực cho con.
  • Sưng kèm đau: Nếu sưng mắt kèm theo đau đớn khiến bé quấy khóc nhiều, bạn hãy đưa con đi khám để bác sĩ tư vấn cách khắc phục, giảm nhanh tình trạng đau đớn cho trẻ.
đưa bé đi khám mắt
Đưa bé đi khám mắt ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường

Tóm lại, để khắc phục hiệu quả tình trạng bé bị sưng mắt, bố mẹ cần nắm rõ nguyên nhân gây ra khó chịu này cho con. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn còn thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp nhé!

Bài viết hữu ích?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN